Giới thiệu vẻ đẹp con người Việt Nam qua hình ảnh các danh nhân văn hóa tiêu biểu
Thực tế cho thấy hình ảnh các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, cá nhân tiêu biểu đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá đến bạn bè quốc tế một cách chân thực, sống động và thuyết phục về lịch sử hào hùng, văn hóa, độc đáo, đất nước, con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các dân tộc khác và trách nhiệm với công việc chung của thế giới…
Trong những năm qua, nhiều danh nhân văn hóa Việt Nam được UNESCO vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, đại thi hào Nguyễn Du, nhà giáo Chu Văn An, danh nhân văn hóa, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, nữ sĩ Hồ Xuân Hương…
Đại biểu tham quan Triển lãm ảnh với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất” nhân dịp kỷ niệm 30 năm UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Hồ Chủ tịch (Ảnh: Hải Minh). |
Vào năm 1987, tại khóa họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNNESCO) đã ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất". Nghị quyết khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kiệt xuất đã có dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại và kêu gọi các quốc gia cùng tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động tưởng niệm khác nhau.
Tổng Giám đốc UNESCO khi đó - ông Amadou Mahtar M'bow - khẳng định: "Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng, để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này".
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, việc UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như nhiều hình thức tôn vinh khác thể hiện sự công nhận quốc tế với những giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam kết tinh trong con người Hồ Chí Minh, thể hiện sự tôn vinh một con người mang trong mình những ý tưởng cao cả mà nhân loại chia sẻ và hướng tới là hòa bình, độc lập dân tộc, bình đẳng giữa các quốc gia, giải phóng các dân tộc khỏi áp bức, bất công.
"Các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp phát huy điểm tương đồng giữa Việt Nam với bạn bè, đối tác từ các giá trị, lý tưởng cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi, giúp Việt Nam và đối tác tăng cường hiểu biết lẫn nhau, phấn đấu vì mục tiêu và lợi ích chung, củng cố lòng tin và tình hữu nghị, từ đó góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước ngày càng rộng mở và đi vào chiều sâu" - Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị tổng kết mười năm thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài diễn ra vào năm 2020.
Gần đây nhất, vào ngày 30/6/2022, tại Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 - 1/7/2022), đại diện của UNESCO tại Việt Nam đã trao Nghị quyết của UNESCO vinh danh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022 - 2023.
Nghị quyết nêu rõ: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời. Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Điều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả 3 lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Đình Chiểu: thơ văn, thầy giáo, thầy thuốc”.
Phát biểu tại sự kiện này, ông Christian Manhart – Đại diện của UNESCO tại Việt Nam cho biết: "Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một nhân vật xuất chúng và là một trong những nhà thơ Việt Nam được tôn vinh nhiều nhất. Ông cũng là người có các tác phẩm dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Những triết lý về hòa bình, về tình yêu giữa con người với con người, cũng như lòng khoan dung, tinh thần yêu nước, phản kháng chống ngoại xâm của ông hoàn toàn phù hợp với triết lý và mục tiêu của UNESCO".
Việc UNESCO và các nước thành viên thông qua nghị quyết cùng tôn vinh các Danh nhân Việt Nam mang lại sự ghi nhận toàn cầu đối với những lý tưởng về hòa bình, bình đẳng xã hội, học tập suốt đời mà Việt Nam cùng chia sẻ với thế giới, phù hợp với những mục tiêu chung của tổ chức và những nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ của con người Việt Nam.
Các hoạt động kỷ niệm nhằm tôn vinh và ghi nhận những thành tựu của danh nhân văn hóa được UNESCO vinh danh cũng góp phần tích cực vào việc quảng bá hình ảnh con người và văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, làm phong phú đời sống tinh thần, tâm hồn con người Việt Nam, lan tỏa các giá trị về tình thương, lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng của xã hội Việt Nam.
Những danh nhân văn hóa Việt Nam chính là những con người Việt Nam tiêu biểu, mang tâm hồn lộng gió thời đại, mà ở đó, những giá trị tốt đẹp về nhân cách, những giá trị văn hóa mà họ xây dựng có tính kết nối, cổ vũ sự phát triển tốt đẹp của văn hóa nhân loại nói chung, văn hóa Việt Nam nói riêng. Đặt lịch sử và sự phát triển của Việt Nam trong tương quan phát triển của nhân loại, từ đó tạo ra những giá trị kết nối, hữu nghị toàn cầu.