Doanh nghiệp gặp khó bởi dịch COVID-19, Bộ Tài chính khẳng định sẽ rút ngắn thủ tục thông qua gói hỗ trợ thuế
Các ngân hàng sẽ hỗ trợ giảm hơn 24 nghìn tỷ lãi suất cho các doanh nghiệp (Ảnh minh họa) |
Đây là thông tin đáng chú ý được đưa ra tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, diễn ra ngay sau cuộc họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới sau kiện toàn.
Tại cuộc họp, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, 16 ngân hàng thương mại đã cam kết giảm lãi suất cho các doanh nghiệp tuỳ mức độ khó khăn. Tổng giá trị giảm lãi suất của các ngân hàng này từ nay tới cuối năm là khoảng 20.300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank cũng cam kết giảm lãi suất cho các doanh nghiệp tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mỗi nhà băng 1.000 tỷ đồng. Với TP.HCM và các địa phương đang giãn cách xã hội, 4 ngân hàng lớn này cũng cam kết giảm 100% các loại phí.
Như vậy, ước tính tổng giá trị giảm lãi suất từ phía ngân hàng cho các đối tượng bị tác động bởi dịch COVID-19 từ nay tới cuối năm khoảng 24.300 tỷ đồng.
Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm ngoái NHNN đã giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay 1,2-1,5%. Bảy tháng đầu năm nay, mặt bằng lãi suất vay cũng giảm thêm khoảng 0,5% so với 2020.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng giảm tối đa chi phí hoạt động, chia sẻ lợi nhuận để giảm lãi suất cho doanh nghiệp. NHNN cũng sẽ tăng cường giám sát để đảm bảo việc giảm lãi suất là thực chất.
Đồng hành cùng ngành ngân hàng, Bộ Tài chính cũng đang gấp rút lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện gói hỗ trợ giảm thuế, phí khoảng 20.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này đã được Chính phủ đồng ý.
Theo Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi, dự kiến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho hộ kinh doanh quy mô vừa và nhỏ, doanh thu dưới 200 tỷ đồng; giảm 50% thuế phải nộp cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chịu tác động nặng nề vì dịch bệnh như vận tải, du lịch, lưu trú khách sạn... Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 cho tất cả đối tượng khó khăn.
Đề xuất đang được hoàn thiện và sẽ báo cáo Chính phủ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp gần nhất - ông Chi nói thêm.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, ước tính hỗ trợ thuế, phí, gia hạn tiền nộp thuế, tiền thuê đất... từ năm 2020 đến nay khoảng 118.000 tỷ đồng.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 đã mong muốn được giảm một phần thuế phí. Trả lời trên báo chí, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ bày tỏ kỳ vọng trước giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng của Nhà nước. Vì theo ông Kỳ, giảm loại thuế này là hỗ trợ trực tiếp với DN đang hoạt động (đang hoạt động mới phát sinh thuế giá trị gia tăng). Đảm bảo DN còn hoạt động sẽ được nhận hỗ trợ. Tuy vậy, ông Kỳ vẫn hy vọng được giảm 50% thuế giá trị gia tăng thay vì chỉ 30% như đề xuất của Bộ Tài chính; số phải nộp còn lại Nhà nước cũng cho DN chậm nộp không tính lãi. Làm như vậy cũng giống như Nhà nước cho DN vay một khoản vay ưu đãi.
Là một đơn vị kinh doanh dịch vụ phần mềm quản lý thuế và một số dịch vụ giá trị gia tăng, ông Nguyễn Khánh Toàn - Giám đốc Công ty CP Công nghệ và Dịch vụ Sóng mới cho biết: "Được biết, một số giải pháp chính được đưa ra trong dự thảo của Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) là giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế. Như vậy đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không đáng kể, nhưng đối với doanh nghiệp lớn thì đây là một gói hỗ trợ đáng mừng. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và một số thuế khác sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất kinh doanh, duy trì sinh kế, duy trì việc làm cho người lao động".
Liên quan đến vấn đề này, Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong trường hợp của Việt Nam, việc chủ động cắt giảm các chi phí bắt buộc và hoãn/giảm thuế đối với doanh nghiệp có giá trị kích thích và hỗ trợ kinh tế hiệu quả hơn so với cứu trợ hoặc tài trợ trực tiếp.
Bộ Công Thương đề xuất giải pháp hỗ trợ sản xuất trong điều kiện có dịch Đa số các kiến nghị tập trung vào vấn đề tháo gỡ những khó khăn trong triển khai "3 tại chỗ" - nghĩa là ăn, ngủ và làm việc tại chỗ. |
Doanh nghiệp FDI vững tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam Các doanh nghiệp FDI tin tưởng vào triển vọng của kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, bất chấp những khó khăn gây ra bởi dịch COVID-19. |
Tạo điều kiện tối đa để người dân và doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các tỉnh, thành, bộ ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo điều kiện tối đa để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. |