Doanh nghiệp đề xuất những giải pháp giữ vững chuỗi cung ứng và xuất nhập khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19?
Ngày 8/8, diễn ra hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp (DN), hiệp hội, ngành nghề và địa phương, với sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu.
Hội nghị là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, ngành nghề, các địa phương, cơ quan, đơn vị... trình bày những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ, thậm chí không ít DN phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ
Tại hội nghị, nhiều đại diện DN đề xuất giải pháp căn cơ nhất là tiêm nhanh, tiêm ngay và nhiều nhất lượng vaccine cho người lao động khu vực sản xuất, vận tải, chuỗi cung ứng. Bởi chi phí tiêm vaccine còn rẻ hơn nhiều so với việc DN bị đóng cửa, phá sản.
Chia sẻ ý kiến này, bốn hiệp hội gồm Dệt may Việt Nam, Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Mỹ Nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ được mua vaccine từ nguồn cung tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đề nghị: "DN sẵn sàng góp chi phí, đẩy nhanh tìm nguồn cung và tiến độ tiêm chủng".
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo trình bày ý kiến tại hội nghị (Ảnh: VnExpress) |
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet đề xuất xã hội hóa công tác chống dịch, giảm gánh nặng cho ngân sách chính phủ. Theo bà Thảo, DN và người dân sẵn sàng trả chi phí vaccine, xét nghiệm và các thủ tục khác. Bộ Y tế cho cơ chế để triển khai.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng việc phân bổ nguồn vaccine hợp lý, ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, cho phép DN tự mua dụng cụ tự xét nghiệm, phát triển sản xuất công nghiệp ngành y tế… sẽ tạo điều kiện cho DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đảm bảo lưu thông hàng hóa để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng
Đề cập tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) đề nghị thống nhất quy định về hàng hóa được vận chuyển lưu thông trong cả nước. Trong đó, ưu tiên "luồng xanh" cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc nguyên liệu không đến kịp nhà máy gây đứt gãy sản xuất.
Đồng thời, ông Khoa đề xuất không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung như thu phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM từ 1/10... để giảm khó khăn cho DN trong bối cảnh dịch kéo dài.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Ôtô Vận tải nhấn mạnh, các tỉnh cần đảm bảo lưu thông cho xe chở hàng bằng giải pháp phân luồng từ xa hoặc cho xe đi theo đường vành đai để lưu thông không bị ách tắc.
Đại diện ngành logistics đề xuất thống nhất quy định về hàng hóa được vận chuyển lưu thông trong cả nước (Ảnh minh họa) |
Mặt khác, cần có nguyên tắc và phối hợp thống nhất giữa các địa phương trong công tác kiểm soát phương tiện. Áp dụng công nghệ để giảm thiểu số lượng phương tiện phải dừng, thời gian một lần dừng với nguyên tắc xuyên suốt là chỉ kiểm tra gốc 1 lần đối với phương tiện đi ra từ vùng dịch.
Chia sẻ ý kiến, đại diện DN dệt may kiến nghị, bỏ quy định cấp mã QRcode về "luồng xanh", danh mục hàng hoá thiết yếu trên phạm vi cả nước. Thay vào đó, cho phép lưu thông hàng hóa trong điều kiện bình thường nếu bảo đảm phòng chống dịch, trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh theo quy định.
Giảm tối đa thuế, phí nhằm hỗ trợ DN trong lúc khó khăn
Một vấn đề cũng được đại diện nhiều DN đặt ra tại hội nghị là gánh nặng thuế, phí đang gây nhiều khó khăn cho các DN, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam kiến nghị giảm 50% tất cả loại thuế: thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN, nhập khẩu và thu nhập cá nhân cho người lao động.
Ngành dệt may chịu nhiều thiệt hại bởi dịch COVID-19 (Ảnh minh họa) |
Còn các loại thuế khác, Hội này xin giãn thời gian nộp 6-12 tháng; giảm 50% tiền thuê đất trong 2 năm (2020-2021); lãi suất vay giảm 30% so với lãi suất theo quy định thông thường đối với các khoản đã vay và khoản vay mới...
Đối với hàng không - lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo đề nghị Chính phủ sớm hỗ trợ các hãng bằng những gói vay ưu đãi lãi suất, sẵn sàng cho việc bật tăng trở lại.
Còn theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Nguyễn Hoài Nam, dịch bệnh đã làm cho ngành này gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Ông Nam đề xuất Bộ Công Thương xem xét trình Chính phủ tiếp tục giảm 30% tiền điện cho DN sản xuất thuỷ sản.
Cho phép doanh nghiệp hoạt động theo nhiều kịch bản
Cũng có nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cho phép DN hoạt động dựa trên kịch bản theo từng cấp độ an toàn dịch bệnh thay vì phải áp dụng một mô hình chung cho tất cả.
Đại diện các DN ngành dệt may, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang đề nghị, với những địa bàn đã qua 14-21 ngày không có ca nhiễm mới cần cho DN được mở cửa hoạt động, kêu gọi người lao động vào làm việc, tạo sự tin tưởng cho các nhãn hàng và DN tự chịu trách nhiệm áp dụng mô hình sản xuất.
Đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội tham dự cuộc làm việc với Thủ tướng ngày 8/8 (Ảnh: VGP) |
Theo ông Giang, Chính phủ, Bộ Y tế cần có hướng dẫn theo từng kịch bản cụ thể để các doanh nghiệp, địa phương cùng thống nhất thực hiện mô hình "3 tại chỗ".
Bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đề xuất Chính phủ chỉ đạo chính quyền và y tế địa phương thống nhất một quy trình hướng dẫn y tế về phòng dịch để đảm bảo cho DN kịp thời tách các ca F0 ra khỏi nhà máy nhằm có thể tiếp tục tổ chức sản xuất.
Chia sẻ ý kiến, ông Trương Gia Bình - trưởng Ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Tập đoàn FPT kiến nghị Chính phủ cần có quan điểm về "doanh nghiệp xanh" để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Theo đó, quan niệm về "doanh nghiệp xanh" gồm doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về an toàn người lao động, sản xuất.
"Việc thiết lập các doanh nghiệp xanh tiến tới hình thành các vùng xanh tại Việt Nam sẽ giúp duy trì sản xuất kinh doanh trong nước, tăng niềm tin từ các đối tác quốc tế", Trưởng ban IV nhấn mạnh.
Mỗi tháng có khoảng 11.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường Đợt dịch thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4 tại nhiều tỉnh, thành khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp chờ giải thể là 28.038, tăng gần 29% so với cùng kỳ 2020. Số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể là 11.384, tăng hơn 27% so với cùng kỳ 2020. Bình quân mỗi tháng có khoảng 11.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Mặt khác, theo Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 7, tổng số tiền bị nợ do ngành này quản lý ước trên 116.800 tỷ đồng, tăng gần 23% so với thời điểm cuối năm 2020 và tăng 0,8% so với thời điểm cuối tháng 6. |
Ngày 9/8 ghi nhận 9.340 ca COVID-19 mới trên cả nước Theo bản tin dịch COVID-19 tối 9/8 của Bộ Y tế, có thêm 4.185 ca mắc COVID-19 vừa được ghi nhận, nâng tổng mắc trong ngày lên 9.340 ca. Về tình hình điều trị, trong ngày ghi nhận 360 ca tử vong vì COVID-19. |
Bộ Công Thương đề xuất giải pháp hỗ trợ sản xuất trong điều kiện có dịch Đa số các kiến nghị tập trung vào vấn đề tháo gỡ những khó khăn trong triển khai "3 tại chỗ" - nghĩa là ăn, ngủ và làm việc tại chỗ. |
Giải pháp nào để doanh nghiệp Việt đảm bảo mục tiêu kép giữa bối cảnh Covid-19? Doanh nghiệp không đủ năng lực y tế tại chỗ để giải quyết các tình huống phát sinh khi có ca nhiễm Covid-19 trong nhà xưởng; còn y tế địa phương cũng đang quá tải khiến doanh nghiệp, người lao động vô cùng khó khăn. |