Giá vàng 6/5: SJC tăng vọt nửa triệu đồng
Giá vàng 6/5, vàng SJC đã có phiên tăng vọt nửa triệu đồng, theo đà tăng của thị trường thế giới, áp sát mốc 70,5 triệu đồng |
Giá vàng trong nước
Giá vàng trong nước bám sát xu hướng vàng thế giới, đã có phiên lội ngược dòng áp sát mốc 70,5 triệu đồng tại phiên đóng cửa chiều 5/5. Giá bán trong phiên có thời điểm chạm mốc 70,55 triệu đồng, tăng nửa triệu đồng khi giá thế giới không ngừng đi lên.
Trong khi đó, Hội đồng Vàng thế giới mới đây công bố nghiên cứu cho thấy, cùng với sự phục hồi của nhu cầu vàng toàn cầu, nhu cầu vàng của người tiêu dùng tăng từ 18,6 tấn trong quý 4/2021 lên 19,6 tấn trong quý 1/2022, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021. Sự tăng trưởng mạnh này được thúc đẩy bởi tổng nhu cầu về vàng miếng và đồng xu vàng tăng 4%, từ 13,5 tấn trong quý đầu của năm 2021, lên 14 tấn trong cùng quý năm 2022 và nhu cầu đồ trang sức tăng 10%, từ 5,1 tấn trong quý I/2021 lên 5,6 tấn trong quý 1 năm 2022.
Lạm phát gia tăng và sự suy yếu của tiền đồng ở Việt Nam đã làm tăng sức hấp dẫn đối với vàng, thể hiện qua phí bảo hiểm trong nước cao. Ngoài ra, các dịp lễ tết với các quan niệm mang tính địa phương đã góp phần đẩy nhu cầu vàng tăng đột biến Tết Âm lịch vào tháng 2, Ngày lễ Tình nhân và Ngày vía Thần tài đã hỗ trợ nhu cầu trang sức tăng so với năm ngoái, cùng với sự phục hồi của hoạt động kinh doanh về mức trước dịch Covid-19.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 69,70 – 70,35 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,16 – 55,86 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,35 – 55,75 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC vào cuối phiên ngày 5/5 biến động khác nhau giữa các hệ thống kinh doanh kim loại quý. Trong đó, điều chỉnh mạnh nhất được ghi nhận tại Tập đoàn Phú Quý và hệ thống PNJ, giá vàng miếng SJC cùng tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua, tăng 70.000 đồng/lượng ở chiều bán. Trong khi, Tập đoàn Phú Quý đã giảm 150.000 đồng/lượng, thì tại Tập đoàn Doji, giá vàng đồng loạt tăng 50.000 đồng/lượng theo cả hai chiều mua và bán.
Công ty VBĐQ Sài Gòn không có điều chỉnh ở cả hai chiều mua vào và bán, giữ nguyên giá so với giá đầu phiên buổi sáng. Trong khi, Bảo Tín Minh Châu giữ nguyên giá vàng SJC ở chiều mua, nhưng giảm 30.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới đã ghi nhận đà tăng liên tiếp trong ba phiên - chuỗi tăng dài nhất kể từ giữa tháng 4, nhưng sau đó cũng sớm giảm mạnh trở lại trước khi đóng cửa phiên ngày 5/5. Giá vàng hiện đang giao dịch ở mức 1.876,90 USD/ounce trên sàn Kitco, quay đầu giảm 5,4 USD so với phiên giao dịch liền trước, ghi nhận của TG&VN vào 4h35 sáng ngày 6/5 (giờ Việt Nam). Giá vàng giao tháng 6 cũng tăng 1,56% lên 1.897 USD/ounce.
Trên thị trường thế giới, giá vàng tăng khoảng 1%, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) loại bỏ khả năng tăng lãi suất cao trong năm nay và nhắm mục tiêu kiểm soát lạm phát mà không gây ra khủng hoảng kinh tế. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất của thị trường kim loại quý trong vòng một tuần qua. Fed tăng lãi suất cơ bản lãi suất tham chiếu thêm 0,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000, cộng thêm tình hình xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt.
Các đợt tăng lãi suất thường kéo lợi suất trái phiếu lên cao, và vì vậy làm tăng chi phí cơ hội của việc giữ tài sản không sinh lời như vàng. Vàng, thường được coi là hàng rào chống lại lạm phát, đang ghi nhận đà tăng liên tiếp trong ba phiên, chuỗi tăng dài nhất kể từ giữa tháng 4.
Các thành phần trên thị trường đang giảm đặt cược vào việc Fed trở nên diều hâu hơn về chính sách tiền tệ, và đó là chất xúc tác giúp vàng tăng giá, cùng với khả năng lạm phát tiếp tục len lỏi xuyên suốt nền kinh tề vì ngân hàng trung ương Mỹ không cứng rắn như dự kiến.
Đêm 4/5, Fed đã nâng lãi suất cơ bản qua đêm thêm nửa điểm cơ bản như kỳ vọng, mức tăng cao nhất trong 22 năm, nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ nới lỏng được áp dụng trong thời kỳ đại dịch.
Theo đánh giá của Hội đồng Vàng Thế giới, thị trường vàng toàn cầu đã có một khởi đầu vững chắc cho đến năm 2022, với nhu cầu quý đầu tiên (không bao gồm thị trường OTC) tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn ETF mạnh mẽ cũng phản ánh trạng thái của vàng là một kênh đầu tư trú ẩn an toàn trong thời kỳ địa chính trị và kinh tế bất ổn hiện nay.