Gia đình Việt kiều Anh lưu giữ những kỷ niệm quý giá về Bác Hồ
“Giữ lửa” Tết cổ truyền Việt Nam trong các gia đình tại Australia Bằng nhiều cách khác nhau, những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong ngày Tết vẫn được những người Việt Nam đang sống tại Australia gìn giữ và phát huy giá trị. |
Lưu học sinh Lào trong mái ấm gia đình Việt Ngày đầu theo chân bố Thiết, mẹ Ngọc về nhà, Nampherng Sihalath (18 tuổi) không khỏi hồi hộp, lo lắng. Có lúc em đã muốn quay trở lại ký túc xá của trường. Tuy nhiên, chỉ hai, ba ngày sau đó, tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ Việt đã giúp Nampherng Sihalath nhanh chóng hòa nhập cuộc sống gia đình. Ngày trở về đến nhanh hơn Nampherng nghĩ. Chia tay mẹ tại nhà văn hóa thôn Bướm (xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), Nampherng ôm chặt mẹ lưu luyến… Nampherng Sihalath là một trong số 162 lưu học sinh Lào của trường Hữu nghị T78 vừa hoàn thành chương trình đi thực tế ở nhà dân 2023. Trong mái ấm gia đình Việt, các em đã nhận được nhiều yêu thương, chăm sóc, bảo ban... |
Nhà thơ Thanh Phan trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Hải Vân/PV TTXVN tại Anh |
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở quận Bromley ở phía Đông Nam London, sự cởi mở, chân tình của nhà thơ Thanh Phan và vợ ông, bà Minh Nguyệt, khiến chúng tôi có cảm giác như được gặp lại những người bà con thân thiết nơi xứ người.
Cuộc trò chuyện với nhà thơ ngoài 80 tuổi, song tinh tường và đầy sôi nổi, và vợ ông, một phụ nữ Hà thành mang vẻ đẹp thanh lịch, quý phái, giúp chúng tôi hiểu thêm về nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Thanh Phan chia sẻ, 19/5 là một ngày đặc biệt đối với gia đình ông bởi nó gắn với ký ức về người cha thân yêu của mình, người đã theo Bác Hồ đi kháng chiến từ những ngày đầu. Ông Thanh Phan cho biết, như một sự trùng hợp, cha ông mất vào ngày 20/5, đúng một ngày sau sinh nhật Bác, vì vậy tháng Năm luôn là dịp kỷ niệm lớn của gia đình.
Nhà thơ Thanh Phan sinh ra trong một gia đình tư sản ở Hà Nội. Cha ông là ông Phan Nam Anh (sau này đổi tên thành Phan Hoa Sinh), một nhà buôn tơ lụa có tiếng ở Hà Nội. Dòng họ Phan lúc đó sở hữu các tiệm tơ lụa lớn trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào và Hàng Đường.
Gia đình ông Phan Hoa Sinh sống tại số 36 phố Hàng Ngang, rất gần ngôi nhà 48 Hàng Ngang của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng.
Nhà thơ Thanh Phan kể về kỷ niệm bức ảnh cha ông vinh dự được chụp cùng Hồ Chủ tịch tại chiến khu. Ảnh: Hải Vân/PV TTXVN tại Anh |
Tháng 9/1945, cảm kích trước lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, ông Phan Hoa Sinh cùng người hàng xóm của mình, bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô, và nhiều nhà tư sản Hà Nội đã vận động và tham gia ủng hộ tiền và vàng cho Chính phủ trong Tuần lễ Vàng từ ngày 17 - 24/9/1945.
Sự kiện Tuần lễ Vàng là bước ngoặt quan trọng, thay đổi cuộc đời thương nhân Phan Hoa Sinh khi ông quyết định từ bỏ tiền tài, danh vọng, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi theo kháng chiến với khát vọng bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc. Trong 9 năm theo kháng chiến từ năm 1946 - 1954, ông Phan Hoa Sinh vinh dự được sống và làm việc cùng Bác Hồ và nhiều đồng chí khác của Người như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh tại chiến khu Việt Bắc. Quãng thời gian này để lại cho ông nhiều kỷ niệm đẹp với Bác Hồ cùng những bài học quý giá từ Người, đồng thời thay đổi sâu sắc tư tưởng và lối sống của một nhà tư sản Hà Nội giàu có.
Nhà thơ Thanh Phan nhớ lại, sau giải phóng Hà Nội, năm 1954, cha ông trở về Hà Nội, mang theo tác phong giản dị của vị lãnh tụ đáng kính và những kỷ niệm đầy ắp về Người. Nhà thơ chia sẻ câu chuyện mà sinh thời, cha ông rất tâm đắc và hay kể cho con cháu. Trong chiến dịch Cao-Bắc-Lạng, quân đội ta được quân đội Trung Quốc sang giúp. Là người thạo tiếng Hoa, ông Phan Hoa Sinh làm phiên dịch trong một buổi làm việc giữa Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo của ta với đồng chí Công, cố vấn của quân đội Trung Quốc. Sau buổi làm việc, Bác gọi ông Sinh ra, nhẹ nhàng nhắc nhở: “Có câu này cháu dịch chưa sát, phải dịch là…”. Nhà thơ Thanh Phan nhớ như in câu nói của cha mình: “Bác Hồ khiêm tốn lắm. Bác biết tiếng Hoa nhưng rất tế nhị, vẫn để bố phiên dịch mà không cho bố biết Bác nói được tiếng Hoa”. Đức tính khiêm tốn của vị lãnh tụ khiến ông Sinh vô cùng nể phục và đã ảnh hưởng sâu sắc tới tính cách của ông sau này.
Theo nhà thơ Thanh Phan, cha ông đã học tập ở Bác rất nhiều trong thời gian làm việc cùng Người ở chiến khu, đặc biệt là tác phong, lối sống giản dị, khiêm nhường. Nhà thơ nhớ lại, sau khi cha trở về, mẹ ông hết lòng chăm sóc vì thương ông vất vả trong những năm kháng chiến, luôn nấu các món ngon cho ông. Vậy mà ông nói với vợ không phải nấu nướng cầu kỳ, chỉ cần những món đơn giản như rau sam, món ăn quen thuộc của ông ở chiến khu.
Từ một nhà tư sản nhà cao cửa rộng, có xe riêng, tài xế riêng, kẻ hầu người hạ, ông Sinh đã thay đổi hoàn toàn, trở thành một người sống tối giản theo đúng phong cách Hồ Chí Minh.
Vợ chồng nhà thơ Thanh Phan cùng bức ảnh cụ thân sinh Phan Nam Anh (tức Phan Hoa Sinh). Ảnh: Hải Vân/PV TTXVN tại Anh |
Để minh chứng cho sức ảnh hưởng lớn lao của Bác, nhà thơ Thanh Phan cho chúng tôi xem bức ảnh ông Phan Hoa Sinh mà chúng tôi ngỡ là ảnh Bác Hồ. Trong ảnh, ông Sinh trong bộ quần áo nâu sồng, râu tóc bạc trắng, đang tưới cây, khiến ai nhìn cũng không khỏi liên tưởng tới Bác Hồ.
Nhà thơ Thanh Phan cho biết tính khiêm nhường và lối sống giản dị mà cha mình học được từ Bác Hồ đã được ông truyền dạy cho các cháu nội của mình. Sau khi sang Anh 8 năm, ông đã bảo lãnh để cha mẹ sang ở cùng vì lo ông bà tuổi cao sức yếu. Ba con của nhà thơ, sinh ra và lớn lên ở Anh, nhưng được hấp thu sự giáo dục và chịu ảnh hưởng từ ông nội, đều mang tác phong giản dị, khiêm tốn ngay cả khi đã trở thành những người thành đạt trên đất Anh.
Lòng yêu nước của ông Phan Hoa Sinh, nhà tư sản đã từ bỏ vật chất đời thường, đi theo con đường giải phóng dân tộc của Hồ Chủ tịch, đã truyền cảm hứng cho con trai mình, tạo nên sự gắn kết của nhà thơ Thanh Phan với quê hương, đất nước. Sống ở Anh gần nửa thế kỷ, song nhà thơ vẫn đau đáu hướng về cội nguồn, đặc biệt là quê hương Hà Nội. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ về Hà Nội, trong đó có tập thơ “Đêm hoa sữa” do Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc, Bộ Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2004 nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng Thủ đô. Ba bài trong tập thơ này là "Nhớ Xuân Hà Nội", "Hà Nội - Đêm hoa sữa" và "Ký ức xưa - Nỗi nhớ", đã được nhạc sĩ Trần Hoàn và Thuận Yến phổ nhạc. Hàng chục năm qua cho tới khi trước dịch COVID-19, ông Thanh Phan thường xuyên về Việt Nam, tham gia nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại quê nhà.
Cuộc trò chuyện với vợ chồng nhà thơ Thanh Phan giúp các phóng viên TTXVN hiểu thêm về nhân cách của Hồ Chủ tịch. Ảnh: Hải Vân/PV TTXVN tại Anh |
Chia tay gia đình nhà thơ Thanh Phan, chúng tôi thấu hiểu sâu sắc lòng yêu nước, tấm gương giản dị, khiêm tốn của Hồ Chủ tịch đã truyền cảm hứng cho những người con đất Việt, là động lực đằng sau sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giúp đất nước vượt qua mọi thử thách trong sự nghiệp giải phóng nước nhà, giành độc lập dân tộc.
Theo Minh Hợp - Phong Hà - Hải Vân (TTXVN)
https://baotintuc.vn/nguoi-viet-4-phuong/gia-dinh-viet-kieu-anh-luu-giu-nhung-ky-niem-quy-gia-ve-bac-ho-20230518063539201.htm
Những tặng phẩm đáng quý kiều bào gửi tặng Bác Hồ Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành quan tâm đặc biệt đến kiều bào và đáp lại tình cảm ấy, nhiều người dành tặng Người những kỷ vật vô cùng đáng quý. |
Lưu giữ hình ảnh Việt Nam Anh hùng tại Nga Qua lời gợi mở của một tùy viên quốc phòng, tôi tìm đến Bảo tàng bộ đội phòng không Nga. Trong không gian sắp xếp khoa học, góc Việt Nam hiện lên với những hiện vật giá trị, gợi nhớ trận đánh lịch sử của "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" cách đây 50 năm cùng nhiều sự kiện trong dòng chảy hợp tác Việt Nam-LB Nga. |