FBI ráo riết truy lùng những kẻ gây bạo loạn ở Quốc hội Mỹ
Theo kênh CNN, cả FBI và cảnh sát đều đề nghị người dân Mỹ hỗ trợ họ xác định danh tính của những người tham gia vào vụ biểu tình bạo loạn.
Trên trang web của mình, FBI đề nghị: “FBI đang tìm kiếm thông tin hỗ trợ xác định những cá nhân đã tích cực kích động bạo lực ở Washington D.C. FBI sẽ nhận thông tin và hình ảnh để tìm ra những người gây bạo loạn”.
Được biết, sau vụ bạo loạn, một số cá nhân tham gia đã ra trình diện hoặc bị báo chí xác định danh tính. Do phần lớn người biểu tình được rời tòa nhà mà không bị bắt giữ nên các điều tra viên giờ phải đối mặt với công việc truy tìm và xác định danh tính của hàng trăm người khi họ tản ra khắp nước.
Cảnh sát đang truy tìm nhiều người gây rối Quốc hội. Ảnh: TMZ |
Ông Michael Sherwin - quyền Chưởng lý tại Washington DC đã lên tiếng thừa nhận thách thức trong tìm những người này do cảnh sát thất bại trong bắt giữ người biểu tình.
Chỉ có 41 người bị bắt ở khu vực Quốc hội vào cuối ngày 6/1 và đầu ngày 7/1. Trong đó, 27 người bị bắt vì các tội không liên quan tới vụ tấn công tòa nhà Quốc hội. Văn phòng của ông Sherwin đã buộc tội 55 người sau vụ bạo loạn.
Ngày 7/1, FBI cho biết văn phòng ở Washington đã nhận được hơn 4.000 thông tin từ người dân, trong đó có ảnh, video các nghi phạm làm loạn Quốc hội. Các nhà phân tích tình báo đang phân loại thông tin và chuyển đầu mối thông tin đáng tin cậy cho các đội đặc vụ liên quan. Các điều tra viên cũng sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt để xác định nghi phạm.
Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, không quá khó khăn để các "thám tử tư" nghiệp dư xác định những kẻ bạo loạn. Họ so sánh các hình ảnh chụp ngày 6-1 tại Đồi Capitol - nơi đặt tòa nhà Quốc hội Mỹ - và một số cuộc biểu tình, sự kiện chính trị trước đó.
Ngoài ảnh chụp của các hãng thông tấn, không ít người tham gia bạo loạn đã "lạy ông tôi ở bụi này" khi đăng hình ảnh tự chụp lên mạng xã hội. Libby Andrews, một người môi giới bất động sản ở Chicago, là một trường hợp như vậy.
Một trường hợp khác là tiến sĩ Rick Saccone, giảng viên một trường cao đẳng ở Latrobe, bang Pennsylvania. Ông này đã nộp đơn từ chức sau khi nhà trường biết được việc ông có mặt trong sự việc.
Khi được Reuters liên hệ, Saccone nói ông đã đăng video lên Facebook và khẳng định không thấy có hành động bạo lực nào ở Đồi Capitol. Bản thân ông cũng chưa bao giờ bước qua những cánh cửa của tòa nhà Quốc hội.