El Nino ảnh hưởng lên sản xuất lúa, doanh nghiệp cân nhắc trước khi ký hợp đồng mới
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 2,02 tỷ USD, tăng 49,0%. Gạo trở thành mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản với giá xuất khẩu liên tục tăng, đạt bình quân 517 USD/tấn. Đây được coi là mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất trong 10 năm qua.
Xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt vẫn có doanh nghiệp thua lỗ nặng
Theo thống kê sơ bộ của Agromonitor, 23 ngày đầu tháng 5/2023 cả nước đã xuất khẩu được 549 ngàn tấn gạo, giảm 32% so với tháng trước. Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 23/5/2023, Việt Nam đã thông quan được 3,5 triệu tấn gạo, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Top các thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023, gồm: Philippines, Trung Quốc, châu Phi, Indonesia và Malaysia.
Trong đó, xuất khẩu đi các số thị trường chính, như: Philippines đạt 1.462 ngàn tấn, so với cùng kỳ tăng 27,35%; Trung Quốc đạt 606 ngàn tấn, so với cùng kỳ tăng 64,22%; châu Phi được 363 ngàn tấn, giảm 12,74% so với cùng kỳ năm ngoái; Indonesia đạt 346 ngàn tấn và Malaysia đạt 186 ngàn tấn, …
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất -Thương mại Phước Thành 4 (Phước Thành 4) cho biết, trong 5 tháng đầu năm tuy xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt và giá bán cũng cao, nhưng do đầu năm giá lúa gạo trong nước còn thấp có những công ty ký hợp đồng sớm “đón gió”, nhưng mua vào không kịp đến khi giao hàng giá gạo lên vẫn phải mua nên bị lỗ nặng, vì vậy, doanh nghiệp cần xem xét lại giá thành trước khi ký hợp đồng bán gạo.
“Để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, các doanh nghiệp cần cân nhắc trước khi ký hợp đồng, không nên thấy giá gạo trong nước đang xuống rồi đoán giá sẽ xuống nữa. Suy luận này trước đây thì đúng nhưng bây giờ tình hình đã khác xưa nhiều, vì các nhà máy xay xát, các công ty cung ứng họ có đủ nguồn lực đến vụ mua dự trữ đủ chân hàng, khi thấy được giá mới bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo”, ông Thành nói.
Gạo Đông Xuân tồn kho ít cùng diễn biến bất lợi của El Nino, doanh nghiệp cần cân nhắc trước khi đàm phán ký hợp đồng mới
Vụ Đông Xuân đã qua, thu hoạch Hè Thu chính vụ phải hơn tháng mới tới, nguồn cung cạn kiệt khiến giá gạo Việt Nam đang cao so với gạo cùng chủng loại của các nước xuất khẩu như Thái Lan, Ấn Độ đã vào vụ thu hoạch nên doanh nghiệp trong nước khó đàm phán giá bán tốt.
“Nếu ký hợp đồng mới theo giá gạo Đông Xuân mà công ty đã mua vào giá bán phải từ 520 - 525 USD/tấn mới có lãi, nhưng bán giá này thị trường không chấp nhận. Bây giờ còn vài hợp đồng cũ và chúng tôi đang tập trung giao hàng cho xong, còn hợp đồng mới thì ký rất hạn chế vì để bán tiêu dùng trong nước, số khác làm nguyên liệu đấu trộn nâng chất lượng gạo Hè Thu lên nên áp lực bán hàng cũng không lớn lắm.
Tuy nhiên, gạo Đông Xuân dự trữ đến bây giờ doanh nghiệp đã trả lãi vay tương đối cao tính ra giá thành cũng tăng cao, nên phải bán giá như thế nào để đủ bù chi phí và có lãi, vấn đề đã được doanh nghiệp tính toán”, ông Thành chia sẻ.
Dự đoán diễn biến thị trường gạo trong thời gian tới, ông Thành cho rằng, do lượng hàng tồn vụ Đông Xuân tương đối ít cùng với những diễn biến bất lợi của El Nino và để đảm bảo được lượng gạo không bị thiếu hụt, doanh nghiệp cần cân nhắc trước khi đàm phán ký hợp đồng mới.
Bởi khi thiếu hụt giá gạo sẽ tăng lên rất cao doanh nghiệp càng rủi ro. Mặt khác, cũng nên cân nhắc đến chất lượng gạo và chủng loại gạo vụ Hè Thu. Tốt nhất có gạo trong kho rồi hãy ký hợp đồng là thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong thời điểm này.
Chia sẻ quan điểm với Giám đốc Công ty Phước Thành 4, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, xuất khẩu gạo năm nay sẽ đối mặt với 2 yếu tố chính mà doanh nghiệp phải hết sức lưu ý:
Một là, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp cộng với El Nino năm nay diễn biến rất bất lợi cho sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo trong nước.
Hai là, chiến tranh giữa Nga - Ukraine chưa kết thúc, tình hình lương thực toàn cầu sẽ vẫn còn căng thẳng, vì Biển Đen có thể đóng cửa bị đóng cửa bất cứ lúc nào, khi đó nguồn cung lúa mì trên toàn cầu sẽ lại căng thẳng, các nước nhập khẩu gạo tăng mua và gạo sẽ phải tăng giá.
“Do vậy, diễn biến thị trường gạo xuất khẩu năm nay khác trước rất nhiều, các doanh nghiệp phải hết sức cẩn thận trước khi ký hợp đồng mới, có chân hàng trong kho hãy bán. Nếu ký bán rồi mua không đủ sản lượng lấy gì giao cho khách hàng, hoặc sau đó giá gạo trên thị trường tăng lên mua không được giá thấp như khi bán sẽ bị lỗ”, ông Đôn khuyến cáo.
Xuất khẩu sụt giảm mạnh, Hiệp hội Cao su đề xuất một loạt khó khăn cần tháo gỡ Trong bối cảnh xuất khẩu cao su và sản phẩm từ cao su liên tục sụt giảm khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp các doanh nghiệp ngành cao su vượt qua khó khăn thách thức, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã nêu một loạt các kiến nghị và giải pháp tháo gỡ cho ngành hàng. |
Thị trường xuất khẩu chậm hồi phục, đe dọa mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD ngành thủy sản Để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm nay, ngoài những giải pháp trọng yếu được giao cho ngành nông nghiệp, mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan, các địa phương quyết liệt tháo gỡ vướng mắc về thị trường, thể chế, thuế phí, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. |