"Hạt gạo làng ta" vươn ra thế giới
Dấu ấn vượt mốc 5 tỷ USD
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 11/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 8,05 triệu tấn gạo, đạt trị giá 5,05 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi các quốc gia như Ấn Độ và Thái Lan vẫn duy trì sức cạnh tranh mạnh mẽ, gạo Việt đã tạo dấu ấn với mức giá trung bình trên 500 USD/tấn, nhờ vào chất lượng ngày càng được cải thiện.
Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo vượt mốc 5 tỷ USD. (Ảnh minh họa: KT) |
Các thị trường lớn như Philippines, Indonesia, Malaysia... tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam và tăng trưởng ổn định, mở ra nhiều dư địa mới cho gạo Việt. Đặc biệt, Philippines, thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, đã giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống còn 15%, kéo dài đến năm 2028. Chính sách này không chỉ giúp Việt Nam giảm áp lực về thuế quan, mà còn góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta trong những năm tới.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để đạt được những con số ấn tượng trên trong xuất khẩu gạo, thời gian qua Việt Nam đã không ngừng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, từ giống lúa chịu mặn, sâu bệnh đến các công nghệ canh tác thông minh. Các giống gạo đặc sản như ST24, ST25 không chỉ giành giải thưởng quốc tế mà còn chinh phục người tiêu dùng toàn cầu nhờ hương vị thơm ngon và chất lượng vượt trội.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đóng vai trò như "chiếc chìa khóa vàng", giúp gạo Việt Nam tiếp cận thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Australia... với ưu đãi thuế suất hấp dẫn.
5 giải pháp để nâng tầm lúa gạo Việt Nam
Dù đạt được những thành tựu đáng kể, ngành gạo Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức lớn. Theo các chuyên gia nông nghiệp, sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc và Indonesia khiến ngành gạo dễ bị tổn thương trước các biến động chính sách. Chẳng hạn, Trung Quốc hiện chỉ cấp phép cho khoảng 21 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo, làm giảm khả năng tiếp cận của doanh nghiệp Việt vào thị trường rộng lớn này, đồng thời tạo ra sự phụ thuộc lớn vào các thị trường ít biến động hơn.
Ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết: "Trước đây, người tiêu dùng Philippines nói đến gạo là nghĩ đến gạo Thái Lan và Nhật Bản, mặc dù họ tiêu dùng gạo Việt Nam nhưng chưa đánh giá cao. Điều này đặt ra bài toán làm thương hiệu để khi vào các kênh siêu thị, cửa hàng bán xỉ, bán lẻ tại Philippines để họ tự hào cắm biển “Product of Vietnam” hay “Gạo Việt Nam”. Việc này sẽ tốt hơn cho ngành sản xuất, kinh doanh lúa gạo Việt Nam”. |
Ngoài ra, thương hiệu gạo Việt Nam vẫn "mờ nhạt" so với các đối thủ lớn như Thái Lan và Ấn Độ. Gạo Jasmine Thái Lan hay Basmati Ấn Độ đã trở thành những cái tên quen thuộc trên thị trường quốc tế, trong khi gạo Việt, dù chất lượng tốt, vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc ở phân khúc cao cấp.
Để duy trì vị thế và tăng cường năng lực cạnh tranh, các chuyên gia khuyến nghị ngành gạo Việt Nam cần thực hiện đồng bộ năm giải pháp:
Một là, ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh nghiên cứu giống lúa mới, chống chịu biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, từ quản lý mùa vụ đến kết nối thị trường.
Hai là, tăng cường chuỗi giá trị sản phẩm, tập trung vào xây dựng thương hiệu. Phát triển thương hiệu gắn với giá trị văn hóa và chứng nhận chất lượng quốc tế. Thương hiệu gạo cần nhấn mạnh đến nguồn gốc từ các vùng sản xuất đặc sản như gạo ST25 ở Sóc Trăng hay gạo tám thơm ở Thái Bình, kết hợp với chứng nhận chất lượng quốc tế như HACCP, Global GAP để chinh phục thị trường cao cấp. Việc phát triển các sản phẩm chế biến sâu như bún, bánh gạo, hay gạo dinh dưỡng cũng là cách gia tăng giá trị và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Ba là, cải thiện hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường. Tận dụng lợi thế từ các FTA, cải thiện logistics và phát triển hệ thống phân phối hiện đại để tiếp cận các thị trường tiềm năng.
Bốn là, Nhà nước cần tiếp tục ban hành và thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển ngành lúa gạo. Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cung cấp cơ chế hỗ trợ tài chính như miễn giảm thuế, vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến lúa gạo. Đồng thời, các chương trình đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm rủi ro từ thiên tai và biến động thị trường cũng cần được triển khai mạnh mẽ hơn. Chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống logistics và hạ tầng nông nghiệp cũng là yếu tố cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế. Việc hợp tác với các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Thái Lan hay Israel sẽ giúp Việt Nam học hỏi và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất lúa gạo. Bên cạnh đó, việc tham gia vào các tổ chức và diễn đàn quốc tế như FAO hay ASEAN+3 về an ninh lương thực sẽ giúp gạo Việt Nam xây dựng được chiến lược xuất khẩu dài hạn và tăng cường vị thế trên thị trường toàn cầu.
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa các chính sách thương mại mới để tạo nền tảng phát triển bền vững trong tương lai. Việc thị trường quốc tế đang có nhu cầu lớn đối với gạo Việt Nam là một cơ hội đối với ngành lúa gạo nước ta, tạo tiền đề đẩy mạnh xuất khẩu gạo Việt ra các nước và xây dựng thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy |