‘Đừng hốt hoảng khi phát hiện bí mật của con’
3 kiểu mẹ nuôi dạy con thành những đứa trẻ bất tài |
Bạn là cha mẹ bình thường hay thông thái, nhìn 10 bức ảnh sau là biết |
Hại con vì thói quen cho trẻ quá 5 món đồ |
Ngày 22/11, Khoa cấp cứu BV Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết vào khuya ngày 20/11 đã tiếp nhận nữ bệnh nhi L.A.Q. (ngụ Q.10) được Trung tâm cấp cứu 115 chuyển đến. Theo thông tin ban đầu bệnh nhi bị chấn thương do ngã từ lầu cao.
Sau khi điều trị tích cực, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch. Qua lời kể của người nhà, bác sĩ biết được câu chuyện được cho là mẹ đã kiểm tra điện thoại của bé Q. nên bé giận mẹ và có hành động bồng bột nhảy từ lầu 8 chung cư.
Bệnh nhi hiện đang điều trị tại BV Nhi đồng 2. (Ảnh: Hoàng Lan/ Vietnamnet) |
Sự việc gây xôn xao dư luận, đặc biệt thu hút sự chú ý của các bậc phụ huynh đang có con trong độ tuổi dậy thì – giai đoạn vốn được coi là nhạy cảm và “khó dạy”. Trước vụ việc này, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa đã có những chia sẻ, lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ.
Trẻ tuổi dậy thì luôn muốn giữ bí mật
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, trẻ tuổi dậy thì luôn có xu hướng giữ bí mật với bố mẹ. Chúng rất sợ bị gia đình phát hiện ra những bí mật đó. Phản ứng của trẻ là dễ hiểu vì chúng biết bố mẹ sẽ phản ứng dữ dội như thế nào. Trong giai đoạn tuổi dậy thì, vấn đề lớn nhất gây lo lắng cho bố mẹ là con bắt đầu biết yêu.
Khi phát hiện con có những tình cảm rung động đầu đời, cha mẹ thường lo lắng, hoảng hốt, tưởng tượng ra những hậu quả khủng khiếp của việc yêu sớm như không tập trung học tập, đi quá giới hạn dẫn đến mang thai ngoài ý muốn.
Theo chuyên gia Trịnh Trung Hòa, nhiều bố mẹ cho rằng con yêu sớm là con bước vào con đường dại dột. Từ suy nghĩ đó, bố mẹ sẽ tìm cách ngăn cản, cấm đoán cực đoan để “dập tắt” mối quan hệ yêu đương của con càng sớm càng tốt. Nhưng đây không phải là giải pháp, nó sẽ dẫn đến hàng loạt hệ quả xấu như hủy hoại mối quan hệ giữa bố mẹ - con cái, con không được định hướng đúng đắn về tình yêu tuổi dậy thì, có thể bỏ nhà ra đi, coi bố mẹ là kẻ thù và người yêu là nơi chốn bình yên, hoặc thậm chí tự tử.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa. |
Vì thế, chuyên gia Trịnh Trung Hòa tư vấn các cha mẹ, nếu cảm thấy con bắt đầu yêu, hãy tìm cách gợi mở để nói chuyện với con về vấn đề này. Đừng vội vàng và bắt ép con phải kể hết mọi thứ, nếu con từ chối, hãy kiên nhẫn chờ dịp khác. Khi con có cảm giác an toàn khi chia sẻ những bí mật với bố mẹ, con sẽ thoải mái bộc bạch mọi thứ.
“Làm cha mẹ khó lắm, đó là cả một quá trình dài chứ không phải ngày một, ngày hai. Khi con bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, bố mẹ nên làm bạn với con, trao đổi, chia sẻ trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng, không nên áp đặt và yêu cầu con phải làm theo ý bố mẹ. Tuyệt đối không dùng sức mạnh, quyền cha mẹ bắt con nói ra bí mật của con, hoặc phanh phui bí mật đó để phê phán, chì chiết, dọa dẫm con. Nếu như vậy, con dễ có xu hướng làm những điều dại dột. Người hối hận và đau lòng nhất sẽ là bố mẹ”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nói.
Đừng hoảng hốt khi phát hiện những bí mật của con
Trong nhiều năm làm công việc tư vấn tâm lý, chuyên gia Trịnh Trung Hòa tiếp xúc với nhiều người mẹ đang gặp vấn đề khi con ở tuổi dậy thì. “Phải làm thế nào khi con bắt đầu yêu” là câu hỏi mà chuyên gia được hỏi nhiều nhất. Trước câu hỏi này, chuyên gia thường hỏi ngược lại cha mẹ: “Ngày xưa ở tuổi của con, bạn có những tình cảm yêu đương đó không”.
“Đừng hốt hoảng khi phát hiện ra những bí mật của con. Con đến tuổi yêu thì phải yêu, đó là điều bình thường trong giai đoạn phát triển của con. Thay vì hoảng sợ dẫn đến cấm đoán, đe nẹt, hãy tìm cách giáo dục con, giúp con định nghĩa tình yêu tuổi học trò và hướng con đến một mối quan hệ trong sáng. Có thể vui cùng con niềm vui đi học sớm một chút để gặp 'người yêu', có thể chia sẻ với con những cảm xúc rung động với người bạn trai đó, sẽ là thành công lớn của bố mẹ trong việc bảo vệ con khỏi quan hệ tình dục không an toàn", chuyên gia Trịnh Trung Hòa đưa ra lời khuyên.
Theo chuyên gia, cha mẹ cũng nên thẳng thắn nói với con về tình dục an toàn, như thế nào thì sẽ có thể mang thai, việc đó phá hỏng cuộc sống của con ra sao và việc phá thai ảnh hưởng đến tâm sinh lý thế nào.
“Tình yêu là tình cảm mãnh liệt, và rất phức tạp. Có những chuyện người lớn giải quyết dễ dàng. Nếu khi con 19-20 tuổi, lỡ có thai, con có thể làm đám cưới, làm mẹ. Nhưng cuộc sống sau đó với con sẽ vất vả hơn vì nuôi dạy một đứa trẻ không phải là chuyện dễ dàng. Nếu giai đoạn này, khi con mới 13-14 tuổi và lỡ có bầu, tất nhiên không thể làm đám cưới. Khi đó, sinh đứa trẻ đó ra hoặc phá thai đều là hai phương án rất dở, nhưng buộc phải chọn 1 trong 2”, chuyên gia Trịnh Trung Hòa nói.
Ngoài ra chuyên gia Trịnh Trung Hòa cũng cho rằng những cha mẹ ngăn cản, cấm đoán con bằng một câu nói là những cha mẹ vô trách nhiệm. “Cấm con không được làm thế này, nếu không thì đừng trách bố mẹ ác” là một câu nói phổ biến ví dụ. Đôi khi chỉ vì một câu nói mà phải gánh chịu hậu quả quá lớn, hối hận cũng không kịp nữa.
“Ngăn cản thông qua đe dọa bằng ngôn từ hoặc đánh đập là cách hành xử vô trách nhiệm của bố mẹ. Hãy ngăn cản bằng thuyết phục, phân giải. Đó là một quá trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn và tình yêu thương đúng đắn của cha mẹ”, chuyên gia Trịnh Trung Hòa nói.