Đức muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ luật pháp quốc tế
Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức ông Simon Kreye (Ảnh: Đại sứ quán Đức tại Việt Nam). |
Tạp chí Thời Đại xin chia sẻ bài phát biểu tại cuộc chiêu đãi kỷ niệm Ngày Thống nhất nước Đức của Phó Đại sứ Đức ông Simon Kreye:
"Lần cuối cùng chúng ta làm lễ chào mừng Ngày Thống nhất nước Đức tại nhà riêng Đại sứ Đức là cách đây 3 năm - vì đại dịch COVID-19. May mắn đến nay phần lớn cuộc sống đã bình thường hóa – đặc biệt là nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công. Nhưng chúng ta vẫn chưa vượt qua được đại dịch. Trên khắp thế giới vẫn còn những ca lây nhiễm và những trường hợp tử vong. Chính vì thế chúng ta hãy tưởng nhớ đến nhiều nạn nhân của đại dịch: những nạn nhân tử vong, những người phải chống chọi với những hậu quả Covid và những người phải chịu đựng những tác động khác nhau của đại dịch - từ tác động tâm lý đến tác động kinh tế.
Quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đã không thể tiến hành được nhiều cuộc tiếp xúc trực tiếp rất quan trọng. Một phần lớn các dự án đã lên kế hoạch của chúng ta đã không thể thực hiện được, ví dụ như kỷ niệm 45 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao hay 10 năm Quan hệ Đối tác chiến lược.
Tuy nhiên trong đại dịch chúng ta đã tích cực hợp tác với nhau theo một cách mới. Ví dụ như nước Đức đã gửi tặng Việt Nam hơn 10 triệu liều vắc xin và những trang thiết bị y tế quý giá, trong đó có cả những thiết bị cứu sống mạng người. Hợp tác này sẽ được tiếp tục. Chính vì thế có thể nói rằng, kết quả là trong đại dịch Đức và Việt Nam không rời xa nhau, mà đến gần nhau hơn. Tình hữu nghị Đức-Việt đã chứng tỏ được trong thời kỳ đại dịch.
Điều đó khích lệ chúng ta, vì đại dịch là một trong những thách thức toàn cầu nhân loại hiện đang phải đối mặt và các quốc gia chỉ cùng nhau mới có thể vượt qua được. Một thách thức khác trong đó là biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực này các quốc gia cũng phụ thuộc vào hợp tác quốc tế.
Chúng tôi chúc mừng Việt Nam đề ra những mục tiêu đầy kỳ vọng, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố trong Hội nghị COP26 năm ngoái: đó là trung hòa khí hậu vào năm 2050 và từ bỏ năng lượng than trong thập niên những năm 2040. Nước Đức sẵn sàng nỗ lực hỗ trợ Việt Nam đạt được những mục tiêu đó. Cùng với những nước khác trong cơ chế „Đối tác chuyển đổi khí hậu công bằng“, chúng tôi muốn cùng nỗ lực với Việt Nam. Như vậy nước Đức nối tiếp quan hệ hợp tác phát triển được tiến hành từ nhiều năm nay trong các trọng tâm là năng lượng và bảo vệ môi trường.
Cũng như sự hỗ trợ của quốc tế là cần thiết, thì cũng phải huy động mọi nguồn lực của Việt Nam. Bên cạnh các cơ quan nhà nước và giới kinh tế, việc huy động nguồn lực cũng bao gồm cả việc huy động nhiều người với tư cách cá nhân hoặc cùng với những người khác trong khuôn khổ một tổ chức phi chính phủ nỗ lực hoạt động vì những mục tiêu này. Sự tham gia của họ là cốt yếu để đạt được mục tiêu, nhưng cũng vượt xa hơn thế nữa.
Bên cạnh đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu tôi còn muốn đề cập đến một thách thức toàn cầu thứ 3. Đó là sự không tôn trọng và vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Vụ việc nghiêm trọng nhất hiện nay là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ucraina. Đó không phải là một cuộc xung đột hạn chế trong khu vực, mà là một cuộc xung đột với những tác động toàn cầu. Chúng ta cảm nhận điều đó ví dụ như qua việc giá năng lượng và lương thực, thực phẩm gia tăng. Các nước khắp thế giới, cả ở châu Á và châu Phi cũng phải chịu đựng cuộc chiến tranh của Nga.
Những chuẩn mực bị vi phạm ở đây thuộc những điều kiện cơ bản của sự chung sống giữa các nước. Vấn đề ở đây là toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, là nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Những chuẩn mực này là cơ sở không chỉ cho châu Âu, mà cho toàn thế giới. Nếu những chuẩn mực đó không được tuân thủ ở châu Âu, thì có nguy cơ là cũng không được tôn trọng ở các khu vực khác. Chúng tôi biết, Việt Nam là một nước bảo vệ luật pháp quốc tế và chúng tôi muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam cũng trong lĩnh vực này.
Đáng mừng là trong những tháng vừa qua việc đi lại giữa hai nước chúng ta đã khởi sắc trở lại, kể cả việc trao đổi các đoàn chính thức. Điều đó tạo điều kiện cho nhiều dịp gặp gỡ trực tiếp. Tôi muốn nêu một ví dụ là chuyến thăm Đức tuần trước của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Bên cạnh Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Baerbock, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đã gặp Tổng thống Liên bang Steinmeier và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Ramelow. Những cuộc gặp gỡ cấp cao sẽ kế tiếp trong những tuần lễ tới và trong những tháng tới.
Các vị khách tham dự sự kiện (Ảnh: Đại sứ quán Đức tại Việt Nam). |
Quan hệ kinh tế cũng phát triển tốt đẹp. Về điểm này tôi cũng muốn nêu một ví dụ tích cực. Cách đây 2 tuần tập đoàn Messer của Đức chuyên sản xuất khí công nghiệp tại Việt Nam đã khánh thành một nhà máy mới tại Thái Nguyên để kỷ niệm 25 năm hiện diện tại Việt Nam. Trong 25 năm qua chỉ riêng tập đoàn này đã đầu tư hơn 400 triệu Euro vào Việt Nam.
Hơn 350 doanh nghiệp Đức đã đầu tư tổng cộng gần 3 tỉ Euro vào Việt Nam và tạo việc làm cho hơn 50.000 người. Xu hướng là tích cực, như có thể nhận thấy được qua sự quan tâm đầu tư của nhiều công ty chỉ riêng trong những tuần lễ vừa qua.
Quý vị có thể thấy, quan hệ Đức-Việt đang trên đường phát triển tốt đẹp. Điều đó làm chúng ta tin tưởng hướng tới tương lai".