Du học sinh Việt chia sẻ kỉ niệm về nước Mỹ
Dương Tấn Khang (giữa) và 2 người bạn du học sinh từ Nhật (trái) và Đức (phải) thử làm lồng đèn từ trái bí đỏ nhân dịp Halloween (Ảnh: NVCC). |
Dương Tấn Khang, sinh viên năm 3 chuyên ngành Tài chính và Phân tích Dữ liệu kinh doanh tại Đại Học Wisconsin – La Crosse
Học cách tôn trọng sự khác biệt
Tại bang Wisconsin nơi mình học tập không có nhiều người da màu sinh sống, do đó, khá khó khăn để tìm được đồ ăn hay vật dụng Châu Á. Không nhiều người hiểu biết về Việt Nam. Mùa đông rất lạnh, có hôm nhiệt độ giảm tới -30 độ. Vì tất cả những lý do đó, lúc đầu, mình gặp khá nhiều khó khăn trong việc làm quen, kết bạn.
Nhờ tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, dần dần, mình có nhiều bạn mới, quen với cuộc sống mới. Đến Mỹ rồi, mình mới thấy mỗi bang như một đất nước khác với luật pháp, văn hóa, cách giao tiếp,… rất khác nhau. Mình đã đi được 6 bang rồi và mình mong muốn sẽ được đi du lịch hết tổng 50 bang tại Mỹ luôn.
Mình cũng học được cách tôn trọng sự khác biệt của mọi người xung quanh. Tại Mỹ, mọi người đều có những góc nhìn và quan điểm riêng về mọi sự vật, hiện tượng. Chỉ nói riêng về âm nhạc, mỗi người bạn của mình lại thích một dòng nhạc khác nhau, người thì thích Jazz, người thì nghe Rock, người thì nghe Country. Mình nghĩ chính sự đa dạng ấy làm nên nét đặc trưng của nước Mỹ, giúp mình học hỏi được nhiều điều mới, tiếp cận những góc nhìn mới, qua đó càng thêm thấu hiểu chính mình.
Mai Trang (trái) mặc áo dài, đội nón lá trong đêm diễn văn nghệ (Ảnh: NVCC). |
Nguyễn Mai Trang, sinh viên chương trình “International Youth Media Summit 2023” tại Đại Học Wisconsin – La Crosse
Lan tỏa hình ảnh Việt đến sinh viên quốc tế
Mùa hè năm 2023, mình có cơ hội tham gia chương trình học tập 2 tuần tại Mỹ. Tại đêm diễn văn nghệ trong khuôn khổ chương trình, mình đã trình diễn bài múa “Quê tôi” cùng với chiếc nón lá và mặc áo dài. Các bạn đều khen áo dài rất đẹp, phối với chiếc nón rất hợp. Một bạn người Canada đã nói với mình rằng, áo dài và nón lá là “bộ đôi hoàn hảo". Sau buổi biểu diễn văn nghệ đó, các bạn bè quốc tế ai ai cũng nhớ đến chiếc nón lá. Các bạn nói muốn tới Việt Nam du lịch trong thời gian sớm nhất.
Khi kết thúc chương trình học, mình tặng các bạn cà phê và nón lá. Các bạn đều khen cà phê Việt Nam thơm, đậm đà.
Thân Trần Bảo Ngọc (giữa) và các bạn sinh viên trao đổi tại Đại học Maine (Ảnh: NVCC). |
Thân Trần Bảo Ngọc, sinh viên chương trình trao đổi quốc tế GlobalUGRAD tại Đại học Maine
Cảm kích sự giúp đỡ nhiệt tình từ thầy cô, nhà trường
Giảng viên ở hầu hết các trường đại học ở Mỹ đều đến từ nhiều nước, mỗi nước lại nói tiếng Anh với một ngữ điệu, cách phát âm khác nhau. Thời gian đầu mới sang Mỹ, mình không thể nghe hiểu được khi một số thầy giáo và sinh viên nước ngoài nói chuyện.
Thầy giáo môn Nghệ thuật kể chuyện là người Nigeria. Ở buổi học đầu tiên, mình gần như không nghe được bất kì câu nào trong bài giảng của thầy. Lúc đó, mình rất lo lắng và đã nghĩ đến cảnh mình được 0.4 điểm cuối kì. Sau đó, mình trình bày khó khăn với thầy, giải thích là vì mình là sinh viên mới đến, tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính ở nước mình, mong thầy trong những buổi học sau có thể nói chậm lại một chút để mình dễ hiểu. Thầy vui vẻ đồng ý. Từ đó về sau, thầy giảng chậm hơn. Thầy cũng dặn các bạn trong lớp cố gắng nói chậm hơn để mình hiểu. Cuối mỗi buổi thầy thường hỏi riêng mình còn chỗ nào chưa hiểu không và gửi tài liệu cho mình. Có lẽ do sự nhiệt tình đó mà trong môn của thầy, mình luôn hăng say phát biểu xây dựng bài, bài tập, bài đọc nhiều cỡ nào cũng cố gắng hoàn thành. Kết quả là mình được 4.0 (điểm tối đa) tổng kết cuối kì của môn đó.
Một kỉ niệm khác là vào dịp thi cuối khóa. Theo chương trình, mình cần thuyết trình tại lớp và viết bài luận để lấy điểm tổng kết tất cả các môn. Tuy nhiên, cùng thời gian đó mình được Liên hợp quốc mời tới dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội thanh niên ECOSOC Youth Forum 2023 tại New York. Mình đã rất buồn vì nghĩ rằng sẽ không thể dự hội nghị ở Liên hợp quốc do trùng lịch thi cuối khóa. Khi mình trình bày khó khăn, các thầy cô đều chúc mừng mình và nhất trí cho phép mình hoàn thành bài cuối kì bằng hình thức online để có thể tham gia sự kiện tại Liên hợp quốc.
Mình thực sự vui vì các giáo viên luôn ủng hộ, cố gắng thiết kế bài giảng phù hợp nhất với từng sinh viên, nhiệt tình giải đáp tận tình mọi thắc mắc dù nhỏ nhất.
Lộc Thị Toàn (hàng dưới, thứ 2 từ phải sang) và các bạn trong một chuyến tham quan (Ảnh: NVCC). |
Lộc Thị Toàn, sinh viên chương trình Young Southeast Asian Leaders Initiative (YSEALI) tại Đại học bang Arizona
Bồi đắp khát khao hỗ trợ, phát triển cộng đồng
Điều mà mình ấn tượng nhất trong khóa học là buổi tình nguyện tại trung tâm The Society of St.Vincent de Paul. Tại đây, mình được thử sức với vai trò là người phục vụ bàn, mang những suất cơm miễn phí cho thực khách có hoàn cảnh khó khăn. Suốt buổi hôm đó, mình đã nhận được rất nhiều lời cảm ơn từ khách hàng, qua đó mình thấu hiểu hơn về giá trị mà những bữa ăn miễn phí đem lại cho người có hoàn cảnh khó khăn. Cũng từ chuyến đi này, mình càng thêm khát khao được làm công tác hỗ trợ cộng đồng.
Sau 5 tuần ở Mỹ, mình học được một bài học giá trị: hỗ trợ cồng đồng không chỉ là cung cấp nguồn lực giúp đỡ những người khó khăn mà quan trọng hơn là giúp chính họ trở thành động lực phát triển cho cộng đồng của họ.
Nhờ tham gia chương trình, mình được kết nối với những người bạn có cùng mục tiêu. Từ đó, mình biết đến và được tham gia nhiều hoạt động, dự án ý nghĩa khác.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cung cấp 5 đầu mối trợ giúp du học sinh Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ vừa ra khuyến cáo và cung cấp 5 địa chỉ trợ giúp đối với du học sinh Việt Nam sau khi Chính phủ Hoa Kỳ ban hành quy định trục xuất sinh viên nước ngoài có chương trình học trực tuyến 100%. |
Giáo dục, đào tạo đóng vai trò nền tảng trong quan hệ đối ngoại nhân dân Việt Nam - Hoa Kỳ Trong cuộc phỏng vấn với báo chí mới đây về hợp tác giáo dục tốt đẹp giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định: Đây là một yếu tố nền tảng nhằm củng cố sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, nhất là với thế hệ trẻ. |