Đồng bằng sông Cửu Long lần đầu đạt kim ngạch xuất khẩu 17,5 tỷ USD
Mặc dù đạt mức tăng trưởng mạnh trong năm 2018, nhưng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn có rất ít những doanh nghiệp tầm cỡ. Ảnh minh hoạ. |
Kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đạt mức tăng trưởng mạnh trong năm 2018 với mức tăng bình quân đạt 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 716.000 tỷ đồng, tăng 12% và kim ngạch xuất khẩu của vùng lần đầu tiên đạt mức 17,5 tỷ USD, trong đó có 6 tỉnh xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre và Đồng Tháp, báo cáo của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ cho hay.
Năm 2018, ĐBSCL tiếp tục được đánh giá là vùng có kết quả điều hành tốt nhất trong 7 vùng trên cả nước, khi có 5 tỉnh trong vùng nằm trong nhóm 10 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Bên cạnh đó, vùng cũng có tới hơn 9.500 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2018.
Theo Giám đốc VCCI Cần Thơ, để tiếp tục đạt được những thành quả về kinh tế - xã hội trong năm 2019 và những năm tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa bởi áp lực cạnh tranh quốc tế ngày càng nhiều, chiến tranh thương mại toàn cầu, công nghệ thay đổi nhanh chóng và các Hiệp định thương mại mới (CPTPP, VN - EU,...) đều bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Với viễn cảnh trên, các tỉnh ĐBSCL đang cần nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư về hạ tầng, doanh nghiệp cần một chính quyền năng động hơn để kiến tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng.
Nhìn nhận về cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm nhận định, do có rất ít doanh nghiệp tầm cỡ, hầu hết vẫn là các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, nên việc khởi nghiệp khó khăn. Bên cạnh đó, một trong điểm yếu của đa số các doanh nghiệp trong khu vực là thiếu thông tin, đặc biệt là các thông tin về đánh giá, phân tích tình hình, thị trường, cơ hội,...