Tăng cường kết nối, tháo gỡ “điểm nghẽn” giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 12/12, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết: Hiện các cảng ở ĐBSCL chỉ tiếp nhận đường tàu khoảng 10.000 tấn. Các luồng tàu thường xuyên bị bồi lấp, tốn nhiều kinh phí nạo vét. Trong khi đó, khu vực biển Trần Đề có nhiều lợi thế để xây dựng cảng biển nước sâu. Nếu tàu lớn cập cảng tại đây, hàng hóa có thể đi bằng đường thủy hoặc hệ thống giao thông đường bộ đã được quy hoạch sẵn. “Nếu có cảng biển tốt, sân bay tốt, ĐBSCL sẽ có cơ hội phát triển thành một điểm tập kết, xuất nhập hàng hóa cho khu vực, giảm thiểu chi phí vận tải, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin, giai đoạn 2018 - 2020, Bộ GTVT sẽ triển khai sớm một số tuyến đường có tính chất động lực, tác động lan tỏa, tính kết nối vùng cao và tháo gỡ “điểm nghẽn” của vùng. Cụ thể như: Xây dựng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường N2 nối Long An - Đồng Tháp và Kiên Giang; nâng cấp quốc lộ 60 đoạn cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên; nâng cấp kênh Chợ Gạo 2, dự án logistics ĐBSCL; đầu tư xây dựng Cảng Trần Đề; nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ… Người đứng đầu ngành GTVT cũng đề nghị các địa phương trong vùng cần góp ý đề xuất xây dựng Cảng biển Trần Đề, đưa hàng hóa xuất khẩu trực tiếp đi các nước trên thế giới.
Viện Chiến lược và Phát triển giao thông cần phát huy tối đa lợi thế của vùng bằng việc đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề, đáp ứng tàu trọng tải trên 100.000 tấn ra vào, phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu cho toàn vùng. Trong khi đó, ông Phạm Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình Hàng Hải, nhận định: Cảng Trần Đề nằm ở cửa sông Hậu và tuyến vận tải thủy sông Mê Kông sẽ thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia (tuyến đường thủy sông Mê Kông); đồng thời, còn trung chuyển than nhập khẩu cho các trung tâm điện lực trong vùng, đặc biệt là Nhà máy nhiệt điện Long Phú và Sông Hậu.
Quang cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, ông Phan Văn Sáu - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết: Việc Bộ GTVT xây dựng đề án kết nối giao thông đã cụ thể hóa được rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ. Đề án đã nêu rõ các bất cập, thực trạng của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông để từ đó có giải pháp gỡ điểm nghẽn, tăng kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ cơ hội phát triển cho địa phương và vùng.
Hà Vy