Đồng bằng sông Cửu Long: Gần 50% hộ dân chưa ý thức về biến đổi khí hậu
Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại đồng bằng sông Cửu Long” được thực hiện bởi tổ chức Bánh mỳ thế giới (Bftw) và ActionAid Việt Nam. Được triển khai tại huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) và TP. Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) trong thời gian từ tháng 12/2016 đến tháng 12 năm 2018, đối tượng chính của dự án là nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương (đặc biệt là phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số) sống trong vùng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu (BĐKH) và thiên tai.
Ông Nguyễn Trung Hưng, cán bộ Viện Khoa học Lao động và Xã hội đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả khảo sát.
Dựa trên kết quả khảo sát những tác động trực tiếp của BĐKH với đời sống của cộng đồng dễ bị tổn thương cũng như nhu cầu, nhận thức của đối tượng chịu ảnh hưởng, dự án hướng đến đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cho người dân trong ứng phó với BĐKH.
Theo thống kê của ActionAid Việt Nam, BĐKH đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như: 13% hộ gia đình bị mất hoàn toàn hoặc buộc phải bỏ hoang diện tích đất đai/mặt nước sản xuất hoặc giảm hệ số sử dụng đất nông nghiệp; 16,6% số hộ chịu thiệt hại về nhà cửa, đất đai, phải đầu tư chi phí phục hồi cải tạo đất (hơn 19 triệu đồng/hộ) hoặc thuê đất sản xuất từ người khác (hơn 23 triệu đồng/hộ.)…
Sạt lở nghiêm trọng tại huyện Chợ Mới (An Giang) tháng 4/2017 (Ảnh: TTXVN)
Đặc biệt, hiện tượng sạt lở gây thiệt hại về nhà ở, đất sản xuất xảy ra nghiêm trọng tại huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) và gần đây đã xuất hiện tại tỉnh Bến Tre.
Cũng theo ActionAid Việt Nam, bình quân mỗi hộ bị ảnh hưởng bởi BĐKH phải bỏ ra 73 ngày công lao động để khắc phục những thiệt hại về nguồn lực sản xuất. Bên cạnh đó, 18.6% các hộ trong diện nghiên cứu phải chịu ảnh hưởng với sự xuống cấp của nguồn nước sinh hoạt (cạn kiệt, nhiễm mặn, có mùi,…)
Tuy nhiên, hiện tại chỉ có hơn một nửa số hộ dân tham gia khảo sát đã biết về BĐKH, trong đó đa phần là những hộ đã chịu tác động trực tiếp.
Nhìn chung tỉ lệ các hộ biết về các chương trình liên quan đến ứng phó với BĐKH của Chính phủ còn thấp. Điển hình, tại huyện Chợ Mới (An Giang), chỉ có khoảng hơn 15% số hộ được khảo sát biết về các chương trình liên quan đến biến đổi khí hậu của chính phủ như 135, 134, 167.
Qua thực trạng kể trên, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp tương ứng, trong đó chú trọng nâng cao năng lực của cộng đồng trong thích ứng với BĐKH.
Bên cạnh những giải pháp có tính vĩ mô như tăng cường tiếp cận các nguồn Quỹ Toàn cầu về BĐKH, hợp tác cùng các tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế, cải cách chính sách, nhiều đề xuất cụ thể ở cấp địa phương cũng đã được đưa ra.
Theo đó, về mặt quản lý hành chính, các địa phương cần kiện toàn bộ máy, chức năng và cơ chế hoạt động của Ban chỉ đạo “Phòng chống lụt bão, thiên tai và ứng phó với BĐKH” các cấp (tỉnh, huyện và xã), trong đó bổ sung đại diện là thành viên của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để tăng cường và lồng ghép các nội dung hoạt động liên quan tới đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động - việc làm cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi BĐKH.
Về tài chính, các địa phương cần phân bổ hợp lý nguồn kinh phí hỗ trợ công tác ứng phó BĐKH, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác các nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn, nhất là các nguồn vốn/tài chính quốc tế liên quan đến hỗ trợ ứng phó với BĐKH như Quỹ Toàn cầu về “Khí hậu Xanh - GCF. Đặc biệt, các địa phương cần đảm bảo tính hiệu quả trong việc vận động và sử dụng các nguồn tài trợ của quốc tế bao gồm: tài chính, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của ActionAid Việt Nam cũng đưa ra đề xuất về việc xem xét ban hành cơ chế, chính sách cho phép chính quyền địa phương (cấp xã/phường) được giữ lại một phần (50%) nguồn Quỹ Phòng chống lụt bão, để có thể chủ động hơn trong ứng phó với BĐKH tại địa phương.
Về mặt tuyên truyền, các địa phương cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ứng phó BĐKH, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý trực tiếp làm công tác liên quan ở cấp cơ sở (xã/phường, khóm/ấp), nhằm đảm bảo việc quản lý, tuyên truyền trong cộng đồng dân cư trên địa bàn phát huy hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Trung Hưng, cán bộ Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, do đặc thù về mặt dân cư của ĐBSCL có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, cần cân nhắc, cần lưu ý lựa chọn phương thức tuyên truyền phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của người dân, để thông tin đến với bà con một cách chính xác, dễ hiểu.
Đặc biệt, trong quá trình tuyên truyền về ứng phó với BĐKH, ĐBSCL cần chú trọng tăng cường nâng cao nhận thức về sinh kế cho người dân, thông qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất để thích ứng với BĐKH, ví dụ như: phổ biến các kinh nghiệm trồng trọt tiết kiệm nước với các loại cây hành lá, dưa chuột, bắp giống, hẹ, khổ qua (Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – Đại học Cần Thơ); chuyển đổi từ ưu tiên trồng lúa sang trồng cây ăn quả (Giáo sư Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam), áp dụng mô hình mới “tưới khô ngập xen kẽ trong trồng lúa” (tổ chức GIZ).
Nông dân Bạc Liêu tham quan mô hình tưới khô ngập xen kẽ (Ảnh: Danviet.vn)
Ngoài ra, các đại biểu cũng khuyến nghị chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề/chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng, cũng như tiến hành khảo sát, đánh giá lại nhu cầu học nghề và việc làm của phụ nữ nông thôn; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp/khu công nghiệp phi nông nghiệp trên địa bàn tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, đảm bảo sinh kế mới phù hợp với điều kiện địa phương trong BĐKH.
Phi Yến