Đồng bằng sông Cửu Long cần tích cực huy động các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu
Đây là nhận định của ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên – Môi trường tại Hội nghị “Tăng cường nguồn lực hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long”. Hội nghị được phối hợp tổ chức bởi Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Quỹ hỗ trợ chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) vào ngày 28/11.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên – Môi trường phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Phi Yến)
Theo số liệu của Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), trong giai đoạn 2013-2017, cả nước nhận được 140,6 triệu USD giá trị viện trợ từ các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, tại khu vực Tây Nam Bộ, trong đó có 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá trị nhận được vẫn rất khiêm tốn. Viện trợ đối với ĐBSCL đang xếp trong top cuối (chỉ cao hơn khu vực Tây Nguyên) trong khi chính ĐBSCL lại đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về BĐKH.
ĐBSCL đang chịu nhiều thách thức do BĐKH (Ảnh: Phi Yến)
Trong bối cảnh này, những phương pháp, chiến lược để huy động hiệu quả các nguồn lực cần thiết trong ứng phó với BĐKH là hết sức cần thiết đối với Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó trưởng PACCOM, ưu điểm của các TCPCPNN nằm ở cách tiếp cận mới, hệ thống nhỏ gọn, triển khai nhanh, có nhiều đóng góp trong việc nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ địa phương, cũng như phối hợp chặt chẽ với các nguồn lực của Nhà nước để giải quyết một số vấn đề cụ thể của địa phương. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra những hạn chế của các TCPCPNN như: hầu hết dự án có quy mô vừa và nhỏ, lĩnh vực quan tâm của các TCPCPNN còn hẹp (thiếu dự án trong lĩnh vực bảo vệ nguồn nước, dự án vận động chính sách về môi trường còn hạn chế); đa phần các dự án mang tính ngắn hạn; tỷ lệ các dự án liên vùng, liên khu vực chưa cao và chưa tạo ra được sự kết nối cần thiết giữa các khu vực…
Dựa trên những ưu điểm và hạn chế trên, PACCOM đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng hiệu quả trong công tác vận động các nguồn lực để ứng phó với BĐKH.
Theo đó, ĐBSCL cần tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan và các TCPCPNN, các tổ chức quốc tế, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức xã hội Việt Nam để triển khai huy động nguồn lực hiệu quả. Đồng thời, ĐBSCL cũng cần nâng cao tính chủ động của địa phương, đảm bảo khả năng làm việc một cách độc lập, trực tiếp với các nguồn lực hỗ trợ. Vĩnh Long và An Giang là hai ví dụ điển hình về nỗ lực chủ động duy trì liên kết với các TCPCPNN, nhờ vậy giá trị hỗ trợ từ các TCPCPNN trong ứng phó với BĐKH đối với hai tỉnh đã gia tăng đáng kể trong 5 năm trở lại đây.
Ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu về vai trò của việc chia sẻ thông tin trong vận động các nguồn lực ứng phó với BĐKH (Ảnh: Phi Yến)
Đồng thời, để việc thu hút các nguồn lực hỗ trợ, trong đó có các TCPCPNN được xúc tiến mạnh hơn, ĐBSCL cần đặc biệt chú trọng công tác chia sẻ thông tin. Theo ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, việc xây dựng chuyên trang điện tử cập nhật, chia sẻ thông tin về các cơ hội viện trợ, các mô hình ứng phó với BĐKH, liên kết các bộ, ngành, địa phương là một trong những hình thức hữu ích để đẩy mạnh vận động các nguồn lực hỗ trợ ứng phó với BĐKH.
Đại diện PACCOM cũng khuyến nghị ĐBSCL cần đa dạng hóa các mô hình dự án, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH, nhấn mạnh vai trò của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam (VNGO) trong việc triển khai các hoạt động viện trợ nhân đạo nói chung và trong lĩnh vực môi trường nói riêng.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm về công tác gây quỹ, vận động viện trợ. Theo bà Phạm Minh Thảo, đại diện tổ chức WWF, các đơn vị cần chủ động nắm bắt sớm các cơ hội, nhằm đảm bảo quỹ thời gian thích hợp để chuẩn bị xây dựng ý tưởng và đề xuất.
Để tạo được sức thuyết phục đối với nhà tài trợ, bà Thảo cho biết, trong nội dung đề xuất vận động viện trợ cần lưu ý đến các yếu tố: tác động và kết quả cụ thể, tính bền vững và nhân rộng, khả năng hỗ trợ cộng đồng, các vấn đề về giới, cũng như sự hợp tác và đóng góp của các đối tác dự án đến từ khu vực công cộng và tư nhân.
Phi Yến