Đổi ATM sang thẻ chip có tránh được mất tiền trong tài khoản?
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm VND/USD Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm VND/USD Ngân hàng xác định lộ trình đổi thẻ từ sang thẻ chip |
Hình ảnh minh họa |
Hạn chế rủi ro
Theo các chuyên gia khi chuyển sang thẻ chip, lợi ích các ngân hàng thu được khi thực hiện chuyển đổi về lâu dài; hạn chế được rủi ro các giao dịch giả mạo, đảm bảo an ninh an toàn thanh toán cho khách hàng, gia tăng tính cạnh tranh của thẻ thanh toán tại thị trường Việt Nam.
Theo thống kê ở một số thị trường, tỉ lệ giao dịch bị giả mạo đã giảm mạnh khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Đặc biệt, các đối tượng ”ATM skimmer” dùng các thiết siêu nhỏ ăn cắp dữ liệu thẻ ATM của khách hàng bất cẩn khi nhập mã PIN tại máy (khách hàng chủ yếu dùng hiện nay là thẻ từ), sau đó làm thẻ giả “móc túi”.
Đã có một số vụ việc mà khách hàng bị “cuỗm” tiền trong tài khoản, trong khi có vài ngân hàng phải “âm thầm” đền tiền cho khách vì không may bị loại tội phạm này tấn công.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thanh toán quốc gia (NAPAS) cho biết, sau khi ra thị trường, các thẻ chip, giao dịch sẽ hỗ trợ tích cực cho các khoản thanh toán dịch vụ công, các dịch vụ công ích khác và đặc biệt thanh toán trong giao thông, là cơ hội mở rộng dịch vụ cho cả ngành ngân hàng và giao thông, giảm chi phí cho xã hội.
Với chủ thẻ, với các khoản giao dịch nhỏ (tuỳ theo quy định mỗi ngân hàng) khách hàng không cần nhập mã PIN, giảm các thao tác khi thanh toán, tiết kiệm thời gian cũng như tránh rủi ro khi lộ mã PIN...
NAPAS đề xuất ngưỡng thanh toán không xác thực chủ thẻ (chỉ cần chạm vào máy quét) mỗi lần có giá trị tối đa 1 triệu đồng. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, ngưỡng giá trị thanh toán sẽ do mỗi ngân hàng phát hành thẻ quy định. Để đảm bảo an toàn cho chủ thẻ, NAPAS đề nghị thẻ được sau khi chạm (quét) liên tiếp tối đa là 3 lần thì mới phải nhập lại mã pin và chủ thẻ.
Lộ trình chuyển đổi
Về lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, NAPAS đã chuẩn bị hạ tầng và sẵn sàng nguồn lực, quy trình, nghiệp vụ cũng như kỹ thuật để hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi khoảng 75 triệu thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip.
Trong năm 2019, khoảng 30% số lượng thẻ ATM trên thị trường sẽ được chuyển đổi sang thẻ chip và đến năm 2021, toàn bộ 75 triệu thẻ ATM được đổi sang thẻ chip. Lộ trình này phù hợp với lộ trình chuyển đổi của các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Philippines (Việt Nam có xuất phát chậm hơn).
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, NHNN yêu cầu việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip theo đúng lộ trình và các ngân hàng đang tích cực triển khai.
Đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng chuyển đổi trong đợt đầu, gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank, TienphongBank và An Bình, với số lượng thẻ ATM chiếm khoảng 70% tổng số thẻ trên cả nước, chưa kể một số ngân hàng khác cũng đang đăng ký chuyển đổi với NAPAS.
Các ngân hàng được lựa chọn đang triển khai các khâu kỹ thuật, chuyển đổi hệ thống ATM, POS, hệ thống kết nối, phôi thẻ… sẵn sàng cho việc phát hành thẻ ghi nợ (thẻ ATM) theo tiêu chuẩn VCCS, với công nghệ không tiếp xúc (contactless) và thanh toán được qua phương thức QR chuẩn EMV.
Về vấn đề dư luận băn khoăn, đó là chi phí chuyển đổi. Tính toán của một số ngân hàng thương mại, trong lộ trình chuyển đổi, một trong những khó khăn là chi phí. Nếu giá phôi thẻ từ khoảng 4.000-5.000 đồng/thẻ thì phôi thẻ chip khoảng 40.000 đồng/thẻ, chưa kể các chi phí khác. Nếu nhân với số lượng lớn hàng chục triệu thẻ thì chi phí lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nhưng quan điểm của NHNN là hài hoà lợi ích các bên cả ngân hàng và khách hàng, hạn chế tối đa việc tăng các loại chi phí, đặc biệt là phí chuyển đổi.
Lãnh đạo NHNN cho biết, các ngân hàng sẽ phải tính toán phù hợp với mục tiêu kinh doanh của mình. Hơn nữa, để cạnh tranh, các ngân hàng cần hạn chế mức thấp nhất chi phí phát sinh cho khách hàng. Theo thị trường, tăng thu phí cao, thì khả năng cạnh tranh của ngân hàng đó sẽ giảm. NHNN chỉ đưa ra hướng dẫn về lộ trình chuyển đổi, cũng như các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa...
Qua khảo sát, quan điểm của các ngân hàng về vấn đề phí cũng khác nhau. Theo đó, có ngân hàng cho biết sẽ miễn phí chuyển đổi cho các chủ thẻ. Trong khi đó, một số ngân hàng lại cho biết mức phí chuyển đổi sẽ căn cứ vào mối quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng chứ không miễn phí cho toàn bộ khách hàng.
Theo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, khó khăn lớn nhất là quá trình chuyển đổi bị kéo dài, vượt quá ra lộ trình đặt ra ban đầu, dẫn đến hạ tầng không đồng bộ và không xử lý triệt để được vấn đề bảo mật, chống gian lận trong giao dịch thanh toán. Do vậy các bên tham gia cần cam kết việc chuyển đổi bám sát theo lộ trình đã được đưa ra.