Chính sách tiền tệ năm 2024: Sẽ cập bến thành công
Thế khó của chính sách tiền tệ
Sau đại dịch Covid-19, có thể hy vọng vào sự khởi sắc từ năm 2023 với mức tăng trưởng GDP đạt 5,05%, cho dù không đạt mức đề ra, và một trong những điểm nhấn của thành công là chính sách tiền tệ năm 2023 đã đưa mặt bằng lãi suất về mức dễ chịu với doanh nghiệp.
Đây là nỗ lực và cố gắng của không riêng các nhà băng, bởi để có được câu nói ngắn gọn “mặt bằng lãi suất thấp” thì đi cùng với nó là những gian nan trong điều hành CSTT. Muốn cho vay lãi suất thấp thì lãi suất huy động cũng phải thấp theo, nhưng nếu lãi suất tiền gửi thấp thì tiền sẽ không vào ngân hàng mà đi vào những kênh khác có lời hơn.
Xử lý mâu thuẫn này không hề đơn giản, nhất là khi bước sang năm 2024 bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới có nhiều biến động khó lường. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn giữ nguyên lãi suất cao, và chỉ hạ chút xíu (0,5 điểm %) vào ngày 18/9 vừa qua. Nói vậy để thấy, trong xu hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới, NHNN vẫn duy trì được mức lãi suất hợp lý để kích thích tín dụng là 1 thành tích rất đáng ghi nhận trên nhiều phương diện.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà bày tỏ sự tin tưởng vào mục tiêu kiểm soát được lạm phát cũng như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm nay của chính sách tiền tệ. |
Sở dĩ nói nhiều phương diện là bởi, ngoài khía cạnh quốc tế khi FED kiên quyết giữ lãi suất cao trong một thời gian dài, một số thị trường xuất khẩu sụt giảm nhu cầu, chi phí xuất khẩu tăng cao khi vận tải gặp khó khăn do chiến tranh ở một số nơi…thì các vấn đề trong nước cũng rất khó xử. Như mọi người đều biết, tín dụng muốn tăng trưởng được thì các nút thắt về thể chế trong nền kinh tế cần được tháo gỡ. Nếu không được gỡ nhanh và kịp thời thì bản thân doanh nghiệp dù có vay được vốn ngân hàng cũng khó sử dụng hiệu quả.
Thực tế thì các điểm nghẽn này đã được nói đến ở nhiều diễn đàn và bởi những người có ảnh hưởng. Đó là những tồn tại từ Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước…Vướng cơ chế, doanh nghiệp bị nghẽn đầu ra nên ko phải ai cũng hào hứng với tín dụng. Vì vay để làm gì khi công việc chưa chạy!
Thực tế này không chỉ khiến các ngân hàng mắc kẹt, mà bản thân NHNN cũng khó xử vì nếu hạ lãi suất xuống nữa cũng không chắc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong khi lại đối mặt rủi ro từ áp lực tỷ giá.
Khởi sắc
Tuy nhiên, theo những kết quả mới nhất thì tình hình hiện đã thuận lợi cho điều hành kinh tế vĩ mô. Tuần trước Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết chỉ số USD dù có tăng so với đầu năm nhưng áp lực đã dịu bớt, qua đó tạo thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Cũng theo bà Hồng, do các ngân hàng tích cực đẩy mạnh tín dụng nên đến 30/9/2024, tín dụng đã tăng 9% so với cuối năm 2023, và tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng 15% năm nay là rất có cơ sở để đạt được trong những tháng còn lại.
Để có được những thành quả trên thì có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó, phải nhắc đến lý do từ CSTT như là một trong những nguyên nhân nổi bật. Bình quân lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,5%, đồng Việt Nam mất giá khoảng 1,66%, một tỷ lệ được nhiều chuyên gia đánh giá là hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ.
Sở dĩ phải nói chi tiết về việc đồng Việt Nam mất giá bao nhiêu phần trăm vì trong thời gian vừa qua, có những lúc câu chuyện tỷ giá trở nên khá căng thẳng, nếu không được NHNN xử lý nhịp nhàng, khéo léo giữa các công cụ như lãi suất liên ngân hàng, OMO…thì rất khó giữ được tỷ giá hợp lý, đặc biệt là trong hoàn cảnh chịu áp lực liên tục từ chênh lệch lãi suất đồng Việt Nam và USD.
Cuối cùng, sự kiên trì nhưng linh hoạt trong các giải pháp điều hành đã cho kết quả tích cực, giờ đây nhìn chung các chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế đều rất sáng sủa, và kỳ vọng về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho cả năm 2024 có thể nói là trong tầm với. Hiện tại một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, và nói như Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà thì đây là điều đáng mừng vì ngân hàng đã tiêu được tiền!
Có lẽ, với những người làm chính sách thì không có gì đem lại sự vững tin hơn là dòng chảy thông suốt của tiền tệ. Ngân hàng tiêu được tiền thì có nghĩa doanh nghiệp vay vốn kinh doanh hiệu quả, mà kinh doanh hiệu quả thì sẽ nộp thuế đều đặn cũng như người lao động có công ăn việc làm ổn định…tất cả những yếu tố này khâu nối lại với nhau để làm đà cho tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế.
Mục tiêu lớn nhất của CSTT là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, tất nhiên, khẳng định sự thành công cho cả năm 2024 vào lúc này thì vẫn hơi sớm, nhưng dù vậy, với những kết quả đã cân đong bóc tách được bằng con số thì cũng không quá lời khi nói rằng năm nay sẽ có rất nhiều kết quả đáng ghi nhận từ nỗ lực của NHNN.