Câu chuyện máy ATM bị thất sủng ở chính quê hương phát minh ra chúng và nghịch lý tiền mặt vẫn là vua
Ngày 27/6/1967 là một ngày đáng nhớ của người dân Anh khi chiếc máy rút tiền tự động (ATM) đầu tiên trên thế giới được đưa vào sử dụng bởi ngân hàng Barclays tại thủ đô London.
Trên thực tế, ý tưởng về một chiếc máy rút tiền tự động đã có từ năm 1939 bởi nhà sáng chế Luther George Simjan và phát minh này của ông đã được ngân hàng City Bank chi nhánh New York thực hiện trước đó. Tuy nhiên chỉ những khách hàng như gái làng chơi hay kẻ cờ bạc thích rút tiền ở ATM thời kỳ này còn người bình thường vẫn muốn đến chi nhánh ngân hàng. Hệ quả là phát minh của Simjan bị ngừng chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa vào hoạt động.
Từ Anh, những chiếc máy ATM bắt đầu lan rộng dần ra toàn thế giới trước sự phát triển của công nghệ. Tính đến năm 2016, số liệu của ngân hàng World Bank cho thấy bình quân mỗi 1.000 người trưởng thành sử dụng 0,4 máy ATM.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là tại chính quê hương của ATM, người dân lại dần không còn mặn mà với chúng mà chuyển sang dùng các loại hình thanh toán khác. Báo cáo của LINK cho thấy Anh có khoảng 69.600 máy ATM năm 2017 thấp hơn mức đỉnh 70.600 máy của năm 2015.
Số lượng máy ATM tại Anh chững lại
Số liệu của Bộ tài chính Anh năm 2017 cho thấy người tiêu dùng Anh đã thanh toán 13,2 triệu giao dịch bằng thẻ ngân hàng, cao hơn mức 13,1 triệu giao dịch bằng tiền mặt.
Ngoài ra, số giao dịch bằng tiền mặt năm 2017 cũng giảm 15% so với cùng kỳ năm trước đó. Hiện hơn 3 triệu người tại Anh được cho là chưa bao giờ sử dụng tiền mặt trong đời.
Tiền mặt đang bị thất sủng?
Không riêng gì Anh, số liệu của BIS cho thấy mức thanh toán bình quân bằng thẻ trên toàn thế giới đã giảm từ 61 USD xuống 36 USD, cho thấy người dân hiện nay thậm chí sử dụng thẻ thanh toán cho những vật phẩm có giá thành thấp. Thậm chí tại các nước như Brazil hay Nga, mức tiền bình quân cho giao dịch thẻ xuống đến 8 USD.
Điều trớ trêu là tiền mặt lại được người dân chuộng sử dụng cho những thanh toán giá trị lớn hơn. Trong khoảng 2007-2011, tỷ lệ thanh toán tiền mặt cho những mặt hàng giá trị hơn 75 USD đã tăng từ 4,5% GDP lên 6,2% GDP.
Số tiền bình quân thanh toán bằng thẻ ngân hàng đang giảm xuống, cho thấy nhiều người sử dụng thẻ cho sinh hoạt thường ngày hơn
Giải thích cho tình hình này, BIS cho rằng sự bất ổn của các cuộc khủng hoảng khiến người dân tích trữ tiền mặt nhiều hơn cho các giao dịch quan trọng nhưng sự phát triển của công nghệ lại khiến họ thích dùng thẻ ngân hàng cũng như thanh toán trực tuyến cho các giao dịch nhỏ vì nhanh và tiện lợi.
Tổng giá trị giao dịch bằng thẻ ngân hàng đã tăng từ 13% GDP năm 2000 lên 25% GDP năm 2016. Tại các nước chuộng tiền mặt như Đức, Nhật Bản, Mexico, tổng giá trị giao dịch bằng thẻ chỉ chiếm khoảng 10% GDP nhưng tỷ lệ này đạt tới hơn 40% GDP tại các nền kinh tế lớn như Anh, Hàn Quốc hay Ả Rập Xê Út.
Báo cáo của BIS cũng cho thấy số lần thanh toán bình quân đầu người bằng thẻ tín dụng đã tăng từ 60 năm 2000 lên 85 năm 2016.
Dẫu vậy, tiền mặt vẫn chưa hề bị thất sủng và trên thực tế, loại hình thanh toán này vẫn thống trị nền kinh tế toàn cầu.
Tiền mặt trong lưu thông theo % GDP
Tiền mặt vẫn là vua
Trong thời gian gần đây, mọi người vẫn thường nói đến tiền ảo và thanh toán trực tuyến như một yếu tố giết chết các loại hình thanh toán truyền thống. Trớ trêu thay, nghiên cứu của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) cho thấy tiền mặt vẫn là vua trên thế giới khi lượng sử dụng chúng tăng khắp toàn cầu.
Tính tổng chung, lượng tiền mặt đưa vào lưu thông đã tăng từ 7% GDP năm 2010 lên 9% GDP năm 2016. Nghiên cứu này được thực hiện theo một nhóm các nước chiếm 80% nền kinh tế toàn cầu. Điều thú vị là những nền kinh tế phát triển như Hong Kong hay Nhật Bản có sự tăng trưởng mạnh về tiêu dùng tiền mặt (tương ứng tăng 9 và 7 điểm phần trăm GDP) thì thị trường số 1 thế giới Trung Quốc lại có sự suy giảm loại hình thanh toán truyền thống này (giảm 5 điểm phần trăm GDP).
Tiền mặt trong lưu thông theo %GDP trên toàn cầu
Theo báo cáo của BIS, không có nền kinh tế nào thực sự tăng mạnh lượng tiền mặt lưu thông mà đây là xu thế chung của nhiều quốc gia. Kể từ năm 2007, lượng tiền mặt bơm vào nền kinh tế đã tăng ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Như một hệ quả tất yếu, số lượng máy ATM đã tăng 50% từ năm 2007 ở mức 0,4 máy/ 1.000 người lên hơn 0,6 máy/1.000 người. Tổng lượng tiền mặt rút từ các máy ATM cũng đã tăng từ 12% lên 20% GDP trên toàn cầu trong khi số liệu của Retail Banking Research (RBR) cho thấy số máy ATM đã tăng 3% năm 2016 lên 3,26 triệu máy.
Tổng số máy ATM trên toàn cầu dự báo đến năm 2022 (triệu)
Quay trở lại Anh, quê hương của ATM, dù thanh toán bằng thẻ và trực tuyến đã vượt tiền mặt nhưng loại thanh toán truyền thống này vẫn chiếm 34% lượng giao dịch ở đây. Khoảng 2,2 triệu người dân Anh vẫn sử dụng tiền mặt là loại hình thanh toán chính của họ.
Nói chung đối vói người tiêu dùng, tiền mặt không chỉ là công cụ thanh toán mà còn mang khái niệm "tài sản an toàn" trong bối cảnh có nhiều biến động trong nền kinh tế. Bất chấp việc tiền mặt theo khía cạnh nào đó chỉ là tấm giấy ghi nợ của chính phủ nhưng đối với nhiều người dân, tiêu tiền cầm được bằng tay vẫn an toàn hơn là các tấm thẻ và mã vạch thanh toán.
Tiền mặt được chi tiêu cho các giao dịch lớn hơn là chi tiêu nhỏ (%GDP)
AB