Độc đáo bánh khẩu xén của đồng bào Thái trắng - Điện Biên
Phụ nữ Thái trắng ở Mường Lay được biết đến với đôi bàn tay khéo léo đã tạo nên loại bánh khẩu xén thơm ngon đặc trưng hiếm nơi đâu có được. Từ món ăn đặc trưng vào ngày Tết, khẩu xén Mường Lay nay đã trở thành sản phẩm OCOP và được người tiêu dùng trên thị trường ưa thích.
Những chiếc bánh khẩu xén nhiều màu sắc. |
Bánh khẩu xén thường được các gia đình người Thái ở thị xã Mường Lay làm quanh năm, nhưng từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch thì sản phẩm này được làm nhiều hơn để phục vụ nhu cầu Tết của người dân. Khi Tết đến, Xuân về, khắp bản làng người Thái trắng ở Mường Lay lại nhộn nhịp tiếng chày, chị em phụ nữ lại cùng nhau quây quần làm bánh khẩu xén để dùng và làm quà biếu. Khẩu xén là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào Thái trắng Mường Lay.
Khẩu xén là loại bánh làm từ gạo nếp và củ sắn tươi, sau khi nấu chín sẽ được giã, xay thành bột, cho thêm trứng gà, đường hoặc muối để thêm phần gia vị cho bánh. Sau đó, những người phụ nữ khéo tay sẽ dùng "con lăn" để dàn bánh thành miếng mỏng, to hình chữ nhật rồi mang đi phơi trong bóng râm đến khi bánh se lại rồi cắt thành từng miếng nhỏ theo hình dáng tùy ý. Bánh cắt thành hình rồi lại được mang đi phơi tiếp cho đến khi thật khô là hoàn thành các công đoạn làm bánh, khi ăn sẽ mang đi rán như bánh phồng tôm. Bánh khẩu xén có bốn màu chính là: trắng, đỏ, vàng và tím.
Những năm gần đây, bánh khẩu xén không chỉ là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái trắng Mường Lay mà đã trở thành sản phẩm hàng hóa trên thị trường được đông đảo người dân ưa thích. Nắm bắt được điều này, chính quyền các cấp ở thị xã Mường Lay đã thành lập hợp tác xã và các mô hình làm bánh khẩu xén theo hình thức liên kết, để gắn kết các hộ dân làm khẩu xén hoạt động có tổ chức. Trên cơ sở đó góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bánh khẩu xén sau khi dát mỏng được mang đi phơi khô vừa phải rồi cắt. |
Bà Lò Thị Miền, bản Bắc 2, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay cho biết: Bánh khẩu xén là món ăn đặc trưng không thể thiếu của đồng bào Thái trắng Mường Lay được truyền lại từ xưa. Trước đây, bánh khẩu xén chỉ được sử dụng vào dịp Lễ, Tết trong mâm cỗ của người Thái trắng cúng tổ tiên.
Sau này, khi người thân, du khách đến Mường Lay tham quan, du lịch và ăn bánh khẩu xén hầu như ai cũng khen ngon nên người dân mới làm để bán nhỏ lẻ tại các chợ cho đến khi thị xã thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất bánh khẩu xén. Việc phát triển hình thức sản xuất bánh khẩu xén không những tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ mà còn giúp quảng bá sản phẩm món ăn đặc trưng của đồng bào Thái trắng Mường Lay đến với người dân trong và ngoài tỉnh.
Vào mùa sản xuất, mỗi ngày 1 hội viên Hợp tác xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay có thể làm từ 10 – 15kg bánh, giá bán tại nhà khoảng 30.000 đồng/kg tùy vào loại bánh. Bánh làm từ nếp cẩm giá cao nhất và làm từ sắn giá thấp nhất. Tuy nhiên, bánh làm từ sắn thường được người tiêu dùng ưa thích hơn vì giòn, đậm đà hương vị hơn các loại bánh khác.
Các hội viên Hợp tác xã Lay Nưa làm bánh khẩu chí chọp. |
Ông Lưu Văn Hoan, Giám đốc Hợp tác xã Lay Nưa cho biết: Từ khi thành lập Hợp tác xã Lay Nưa vào năm 2017, đến nay đã có hơn 20 thành viên tham gia làm làm việc theo nhóm liên kết nên năng suất, chất lượng sản phẩm cũng không ngừng tăng lên. Đặc biệt từ năm 2019, khi sản phẩm bánh khẩu xén được công nhận OCOP đã tạo tiền đề để phát triển loại bánh này. Thời gian tới, Hợp tác xã Lay Nưa sẽ kết nạp thêm thành viên, tập trung nâng cao chất lượng, sản lượng, đồng thời chú trong quảng bá sản phẩm để đưa bánh khẩu xén đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Chủ tịch UBND xã Lay Nưa Mai Văn Tài cho biết, việc thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất bánh khẩu xén đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn xã. Tuy nhiên hiện nay, mô hình sản xuất bánh khẩu xén ở Lay Nưa, bà con vẫn chủ yếu là chế biến thô. Bởi vậy, thời gian tới, chính quyền địa phương cùng hợp tác xã sẽ nghiên cứu mở rộng quy mô sản xuất, chế biến để tạo ra sản phẩm bánh khẩu xén mà người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay chứ không phải chiên, rán nữa. Như vậy sẽ nâng tầm sản phẩm và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng hơn.
Từ món ăn cổ truyền trong những ngày Tết của đồng bào Thái trắng Mường Lay, khẩu xén đã trở thành một món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực độc đáo và hấp dẫn của tỉnh Điện Biên. Không những thế, khẩu xén ngày nay đã trở thành hàng hóa giúp cho phụ nữ Mường Lay có việc làm, có thêm nguồn thu nhập.
Độc đáo công nghệ "phun sương" tạo trang phục tức thì Một công nghệ độc đáo vừa được "trình làng" tại sự kiện thời trang mới đây đã gây "sốc" cho khán giả khi các nhà thiết kế có thể tạo ra bộ trang phục cho người mẫu ngay trên sân khấu. |
Đặc sắc Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu (lễ hội Cốm mới) của đồng bào dân tộc Thái ở Lai Châu Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu, còn gọi là Lễ hội Cốm mới được tổ chức hàng năm vào lúc trời cuối Thu và đầu mùa Đông trên cánh đồng Mường So, huyện Phong Thổ. Đây là dịp để đồng bào thể hiện lòng biết ơn đối với trời đất, các vị thần linh đã ban cho bản làng, người dân mùa màng bội thu và nhiều điều tốt đẹp. |