Đọc báo "ảo", trả tiền thật
Xử lý tin giả giống như... gỡ bom! Mong báo chí luôn đồng hành, sát cánh cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Lời chúc ngày Nhà báo Việt Nam hay và ý nghĩa nhất |
Các ấn phẩm của New York Times. Ảnh: NYT |
Một trong những cách làm đã và đang được nhiều tòa báo lớn trên thế giới thử nghiệm để cứu vãn tình thế khó khăn là thu phí độc giả trực tuyến.
New York Times, The Guardian: Những phép thử thành công
Từ những năm 2000, doanh thu báo in của New York Times bắt đầu đi xuống. Chỉ trong vòng 4 năm (2006-2010), doanh thu hàng năm đã giảm 27% (từ 3,3 tỷ USD xuống còn 2,4 tỷ USD). Việc tăng giá bán cũng không mang lại triển vọng sáng sủa hơn để cứu vãn tình thế. Trong khi đó, doanh số quảng cáo trực tuyến cũng chưa đủ để bù đắp cho khoản lỗ của quảng cáo trên báo in.
Để khắc phục khủng hoảng, từ tháng 9/2005, New York Times bắt đầu thu phí đối với các bài bình luận chuyên sâu trong gói TimesSelect. Trong 2 năm, TimesSelect thu phí 7,95 USD một tháng hoặc 49,95 USD một năm. Trên báo in, những bài viết trong gói này vẫn được đăng tải đều đặn và miễn phí cho sinh viên và các trường Đại học.
Tuy nhiên vào tháng 9/2007, New York Times đã dừng việc thu phí này, vì lý do lượng truy cập miễn phí báo điện tử đang tăng mạnh, đem lại nguồn doanh thu hấp dẫn từ quảng cáo trực tuyến, “vượt mặt” phí thu từ độc giả.
Những năm sau đó, do doanh thu từ báo giấy tiếp tục sụt giảm, New York Times bắt đầu xoay sang mô hình “thu phí linh hoạt” từ tháng 3/2011.
Mô hình thu phí của New York Times chủ yếu “nhắm” tới người đọc thường xuyên. Họ được phép truy cập miễn phí tối đa một số lượng bài viết nhất định mỗi tháng (20 bài, sau giảm còn 10 và hiện tại là 5 bài). Và khi đã đạt đến hạn mức này, để có thể tiếp tục đọc, họ sẽ phải trả phí.
Cụ thể, cước phí để đọc New York Times điện tử hàng tháng dao động từ 15 USD đến 35 USD, tùy gói lựa chọn. Song song với đó, để kích cầu lượng tiêu thụ báo in, độc giả của ấn phẩm này được ưu đãi miễn phí truy cập vào tất cả các bài viết online của New York Times.
Biểu đồ tăng trưởng của New York Times |
Chỉ 1 năm sau, chiến lược của New York Times đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Vào tháng 3/2012, trang báo đã thu hút được hàng trăm nghìn độc giả diện trả phí và thu về khoảng 100 triệu USD.
Tháng 1/2013, biên tập viên phụ trách của New York Times, bà Margaret M.Sullivan đã phấn khởi tuyên bố: lần đầu tiên sau nhiều thập kỉ, doanh thu từ việc thu phí báo online đã vượt qua doanh thu quảng cáo.
Đến tháng 12/2017, New York Times đã sở hữu tổng cộng 3,5 triệu độc giả trả phí, gồm cả báo giấy và báo điện tử. Số lượt người đọc mỗi tháng đã vượt ngưỡng 130 triệu, nhiều hơn gấp đôi lượng độc giả hai năm về trước.
Theo Dự báo xu hướng Nghề báo, Truyền thông và Công nghệ năm 2019 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, tính tới đầu năm 2019, New York Times đã có 4 triệu độc giả diện thu phí, đến từ hơn 200 quốc gia, đem về doanh thu 1 tỉ USD.
Trong khi đó, tuy không thành công vượt trội như New York Times, tờ The Guardian (Anh) cũng đang chứng tỏ được tính đúng đắn của các hình thức thu phí đa dạng đang áp dụng. Cụ thể, với gói cước cho dịch vụ thông tin cao cấp, độc giả của the Guardian sẽ được đọc báo với độ tiện ích, tính thẩm mỹ cao nhất, không bị gián đoạn bởi quảng cáo, tiếp cận những bài điều tra chuyên sâu,…
Bên cạnh đó, Guardian còn triển khai hình thức thu phí tự nguyện, với quyền quyết định nộp phí “ủng hộ” thuộc về người đọc. Nếu đồng ý, người đọc có thể chọn lựa đóng phí theo gói lẻ một lần (từ 25 tới 250 bảng Anh), theo tháng (từ 5- 20 bảng) hoặc theo năm (60-500 bảng). Việc trả phí được thực hiện thuận lợi thông qua thẻ tín dụng (credit), thẻ ghi nợ (debit card), hoặc qua dịch vụ thanh toán phổ biến PayPal.
Theo The Guardian, mô hình tự nguyện được đưa ra để giữ được tính độc lập của tờ báo, không bị chi phối bởi những nhãn hàng quảng cáo hay những ông chủ tỉ phú, chính trị gia hoặc cổ đông. “Không ai có quyền can thiệp vào việc biên tập của chúng tôi. Không một ai!”, tờ báo khẳng định.
Mới đây, the Guardian đã công bố một tin vui: Sau 3 năm áp dụng việc thu phí, trang báo hiện có một triệu độc giả ủng hộ, và nhờ đó đã chuẩn bị hòa vốn sau nhiều năm chật vật chống chọi với thua lỗ.
Bloomberg, Straits Times: Hiệu ứng ngược
Nằm trong xu hướng thu phí, trang tin tức tài chính Bloomberg của Mỹ cũng đã tung ra các gói đọc báo tính phí. Việc thu phí được triển khai theo năm và thường xuyên có những ưu đãi hấp dẫn. Gói điện tử có giá gốc 415 USD, giảm còn 290 USD; gói trọn bộ có giá gốc 475 USD, giảm còn 330 USD. Với gói điện tử, người dùng được truy cập vào tất cả các tin bài của Bloomberg trên trang điện tử, trong khi đó gói trọn bộ “tặng” thêm cho người đọc nhiều đặc quyền như báo in hàng tuần, các chương trình trực tiếp đặc biệt của Bloomberg...
Bloomberg vẫn "ăn nên làm ra" nhờ dịch vụ tài chính. Ảnh: Richard Levine/Corbis via Getty Images |
Tuy nhiên, hình thức tính phí của Bloomberg không hề được “hưởng ứng” hay “thông cảm” như cách người đọc “đối xử” với New York Times hay the Guardian.
Lý do đưa ra là bởi Bloomberg không hề đứng trước nguy cơ tồn vong như đa số các tờ báo khác. Đơn giản vì báo chí chỉ là một phần nhỏ trong công việc kinh doanh của tập đoàn Bloomberg. Trên thực tế, sản phẩm tạo doanh thu cốt lõi của Bloomberg là dịch vụ tài chính béo bở.
Cùng cảnh ngộ với Bloomberg, tại Singapore, The Straits Time, tờ báo lâu đời nhất và có doanh số bán cao nhất đảo quốc Sư Tử cũng không được số đông ủng hộ khi áp dụng việc thu phí, dù được đánh giá là khá cởi mở.
Chính sách thu phí của Straits Times không giới hạn số tin bài miễn phí tối đa, mà thay vào đó là tạo ra một hệ thống tin bài “đẳng cấp” (Premium). Những tin bài gắn mác Premium sẽ chỉ hiện lên với đầu đề, ảnh đại diện, sa-pô. Để “mở khóa”, người đọc bắt buộc phải đăng ký trả phí. Những gói dịch vụ này cũng đi kèm nhiều tiện ích như quyền truy cập ứng dụng đọc Straits Times trên nhiều thiết bị cùng lúc, các món quà tặng, voucher bữa tối, mua sắm, giải trí...
Để thuyết phục người đọc tham gia mua gói trả phí, Straits Times từng mạnh dạn quảng cáo những bài viết gắn nhãn Premium có nội dung đặc sắc nhất, được đầu tư công phu bởi những nhà báo, phóng viên kỳ cựu.
Tuy nhiên, chính hình thức thu phí này lại khiến tờ báo “nhận” không ít “đá gạch” từ người dân. Trên các mạng xã hội, người ta tẩy chay Straits Times, với nhiều lý do: nội dung không tương xứng với số tiền, ra giá quá cao (15 đô Sing 1 tháng, so với 1 USD 1 tuần của New York Times), tạo ra sự phân biệt đối xử với các tác giả…
Người ta thậm chí còn bảo nhau tìm những lựa chọn thay thế, những trang báo khác, với diện bao quát rộng hơn, và quan trọng nhất là…miễn phí. Tuy nhiên, gần giống với trường hợp của Bloomberg, với Straits Times, chuyện người đọc yêu hay ghét mô hình thu phí cũng không quá quan trọng, bởi nhiều năm qua, Straits Times vẫn dẫn đầu Singapore về lượng báo in bán ra cũng như tỉ lệ người truy cập!
Trao giải giải báo chí viết về công tác giảm nghèo TĐO-Chiều nay, 12/10, tại hội trường tầng 1, nhà B, Bộ Thông tin và Truyền thông đã diễn ra lễ trao giải, nhắn tin “Cả ... |
Khai mạc triển lãm Tư liệu báo chí về Hoàng Sa tại Đà Nẵng Vừa qua, đông đảo người dân và học sinh, sinh viên Đà Nẵng đã đến chiêm ngưỡng các tác phẩm trong triển lãm Tư liệu ... |
Báo chí Ai Cập tiếp tục phản ánh đậm chuyến thăm của Chủ tịch nước Chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tới Ai Cập là một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước. |