Doanh nghiệp đồng lòng kêu gọi lãnh đạo G20 hành động vì hành tinh
Các CEO cho rằng, G20 đại diện cho khoảng 90% GDP toàn cầu, gần 80% hoạt động thương mại và phát thải khí nhà kính (GHG). Do đs, G20 có trách nhiệm chung và cơ hội duy nhất, thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu nhằm giải quyết dứt điểm biến đổi khí hậu trong khi không để ai bị bỏ lại phía sau.
Những chính sách đúng đắn được thực hiện ngày hôm nay có thể thúc đẩy đầu tư nhiều hơn nữa và khuyến khích các phương án kinh doanh thực hiện các giải pháp khí hậu trên toàn bộ lãnh thổ các quốc gia G20. “Chúng ta có thể phát triển các nền kinh tế mạnh mẽ, công bằng và linh hoạt hơn: mang lại sự thịnh vượng, tạo công ăn việc làm tốt trong khi bảo vệ sức khỏe và hành tinh”, thư viết.
Roberto Marques – CEO của Natura & Co, một tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu mỹ phẩm và chăm sóc cơ thể nổi tiếng cho biết: “Natura & Co. kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 mở rộng quy mô giải quyết khủng hoảng khí hậu. Tương lai của hành tinh phụ thuộc vào những lựa chọn ngay bây giờ. Chúng tôi kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tăng cường đóng góp quốc gia (NDC) để đảm bảo giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đẩy nhanh việc loại bỏ các nguồn năng lượng phi tái tạo và điều chỉnh tài chính công với mục tiêu 1,5°C".
Tháng 10/2021, các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí về sự cần thiết phải đảm bảo cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 ° C. |
Các doanh nghiệp cũng thấy rõ một môi trường chính sách hài hòa trong G20 sẽ cho phép loại bỏ các-bon trong các chuỗi giá trị, sản phẩm và dịch vụ, đồng thời hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững và môi trường. Các chính phủ có thể kích thích các khoản đầu tư lớn hơn và giảm thiểu rủi ro mắc kẹt tài sản thông qua các kế hoạch rõ ràng và đáng tin cậy, các chính sách nhất quán và các biện pháp hỗ trợ phát triển bền vững song hành với 1,5 ° C.
Để đạt được những điều này, thư ngỏ kêu gọi các quốc gia G20: tăng cường đóng góp quốc gia (NDC) nhằm giảm ít nhất một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 và cam kết đạt mức không quá phát thải ròng vào năm 2050; cam kết chấm dứt phát triển điện than mới, xây dựng kế hoạch loại bỏ điện than vào năm 2030 đối với các nền kinh tế tiên tiến và năm 2040 đối với các quốc gia khác, đồng thời thúc đẩy điện khí hóa trong ngành giao thông và năng lượng tái tạo trong các ngành khác; điều chỉnh tài chính công, chi tiêu phục hồi COVID-19 và các chính sách tài khóa với “quỹ đạo” 1,5 °C.
Các biện pháp tài chính đề xuất bao gồm: Thực hiện các cam kết tài chính công về khí hậu như 100 tỷ đô la Mỹ cho các nước đang phát triển. Tài chính quốc tế về khí hậu có thể góp phần phát triển các thị trường tài chính tư nhân mới thông qua kích thích các gói hỗ trợ cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với khí hậu và các giải pháp dựa vào thiên nhiên; loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch vào năm 2025 và định giá carbon phản ánh toàn bộ chi phí biến đổi khí hậu, kết hợp chính sách hỗ trợ đầu tư và đổi mới công nghệ sạch; công khai tài chính liên quan đến khí hậu như các rủi ro, cơ hội và tác động là yêu cầu bắt buộc đối với các tập đoàn, để tăng tính minh bạch và hỗ trợ định giá và phân bổ nguồn vốn, góp phần khuyến khích các dòng đầu tư hướng tới các hoạt động bền vững hơn.
Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên đang trở thành ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển của các quốc gia |
Thư ngỏ cũng cho biết, các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang đặt mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học đầy tham vọng, đầu tư vào các giải pháp khí hậu và công bố lộ trình giảm phát thải. Vì thế, họ tin tưởng có thể làm được nhiều hơn nữa nếu môi trường đầu tư thuận lợi và mong đợi những tham vọng chính sách cao nhất từ các nhà Lãnh đạo G20 sẽ thúc đẩy hành động
Alan Jope, CEO Unilever tuyên bố: “Thời gian sắp hết để giữ 1,5 °C trong tầm tay. Khu vực tư nhân đã có những hành động táo bạo vì những cơ hội kinh doanh hướng tới xây dựng một nền kinh tế có khả năng chống chọi và không phát thải là rất rõ ràng. Nhưng chúng tôi chỉ có thể đạt được điều đó nếu các chính phủ đặt ra các mục tiêu khí hậu tham vọng nhất.
Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 nỗ lực hết mình vì mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030, với các mục tiêu, chính sách và đầu tư công tương xứng với quy mô của thử thách này. Nếu làm được như vậy, họ có thể đưa thế giới vào một kỷ nguyên mới về tăng trưởng bền vững, toàn diện và có khả năng chống chọi, vào đúng thời điểm cần thiết hơn bao giờ hết”.
Được biết 778 doanh nghiệp có tên trong thư ngỏ có doanh thu 2,7 nghìn tỷ đô la hàng năm và đang sử dụng 10 triệu lao động. Trong thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo G20, các CEO cho biết, doanh nghiệp nhận thức rõ những lợi ích của hành động vì khí hậu.