Việt Nam nỗ lực bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Nằm trong nhóm 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên Việt Nam sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng phó nhằm đảm bảo quyền con người. |
Chính phủ Việt Nam có cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc ứng phó với mối lo chung toàn cầu về tình trạng biến đổi khí hậu. Trên các diễn đàn hợp tác về chống biến đổi khí hậu hoặc các cuộc tiếp xúc ngoại giao, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định thực thi các cam kết quốc tế, triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế liên quan và mong muốn hợp tác với các quốc gia trong lĩnh vực này.
Tại phiên họp lần thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) diễn ra tháng 9 vừa qua tại New York (Mỹ), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo thế giới lên tiếng ủng hộ sự ra đời của một bản Thỏa thuận mới khẩn cấp về con người và thiên nhiên. Trong một đoạn phim ngắn chiếu tại sự kiện “Các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên và con người”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Việt Nam đang rất nỗ lực chung tay cùng với thế giới thực hiện các quá trình chuyển dịch hướng tới mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững, luôn đặt ứng phó với biển đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở vị trí quan trọng trong nghị quyết và định hướng phát triển”.
Một dấu ấn khác của Việt Nam là tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 47 diễn ra tháng 7 vừa qua, Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) đã thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam chủ trì cùng Bangladesh và Philippines soạn thảo và đề xuất, trong đó chú trọng bảo đảm quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi.
Từ năm 2014, Việt Nam cùng các thành viên nhóm nòng cốt giới thiệu nghị quyết hàng năm về biến đổi khí hậu và quyền con người để Hội đồng Nhân quyền xem xét và thông qua, với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng nhóm cụ thể như quyền trẻ em, quyền sức khoẻ, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và giới thiệu nghị quyết này cũng như trong các hoạt động của nhóm nòng cốt của nghị quyết phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. |
Phát biểu tại nhiều phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đề cao chủ trương nhất quán, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; khẳng định Việt Nam ủng hộ các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc, ủng hộ tiến hành đối thoại thực chất, mang tính xây dựng về các vấn đề nhân quyền.
Đại sứ cũng nêu bật về nỗ lực cao nhất của Việt Nam bảo vệ quyền con người trong ứng phó với đại dịch COVID-19, để đảm bảo việc thụ hưởng các quyền con người cơ bản của người dân với ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế; kêu gọi các nước nỗ lực để tăng cường sản xuất vaccine COVID-19, bảo đảm tiếp cận kịp thời và công bằng đối với vaccine COVID-19 nhằm ứng phó hiệu quả đại dịch và phục hồi bao trùm và bền vững.
Nằm trong nhóm 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên Việt Nam sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng phó, trong đó đặc biệt chú trọng lồng ghép các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các nhóm yếu thế trong xã hội, bảo đảm quyền lương thực, nhà ở, giáo dục vào các chương trình và chính sách quốc gia về đối phó với biến đổi khí hậu.
Đây là minh chứng cho chính sách nhất quán, xuyên suốt về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, như quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể”; đồng thời là động lực, mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn sau đại dịch COVID-19.