“Đỡ đầu lưu học sinh Campuchia như một lẽ tự nhiên”
Đều là con cháu trong nhà
Một ngày cuối tháng 10, ông Tuyến tiếp tôi trong phòng khách treo đầy ảnh, huân, huy chương và các kỷ vật liên quan đến những năm tháng hoạt động trên nước bạn Campuchia. Đặc biệt, ông làm hẳn 3-4 cuốn album lưu giữ ảnh chụp cùng 9 lưu học sinh Campuchia mà gia đình ông nhận đỡ đầu trong 10 năm qua, trong đó có Pu Thia - người con đỡ đầu đã kết hôn với một cô gái Việt. Nhiều năm qua, thiệp mời, bài phát biểu trong hôn lễ Pu Thia vẫn được ông kẹp trong cuốn album ảnh cưới của vợ chồng người con đỡ đầu.
Ông Phạm Tuyến cùng ba con đỡ đầu người Campuchia trong một dịp thăm quan Đền Hùng (Phú Thọ) (Ảnh: NVCC). |
Lần giở từng tấm ảnh, ông Tuyến giới thiệu đây là ảnh ngày đầu các con đỡ đầu người Campuchia đến nhà; đây là ảnh các con cùng ông đi thăm quan Đền Hùng; ảnh Pu Thia dẫn người yêu đến "báo cáo", ảnh Pu Thia và vợ đang chọc khế bên hiên nhà...
Ông Tuyến có gần 10 năm kề vai sát cánh cùng nhân dân Campuchia, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, hy sinh trong công cuộc hồi sinh dân tộc, xây dựng lại đất nước Campuchia.
“Mùa khô ở Campuchia rất nóng nực. Một lần trên đường từ Phnom Pênh về tỉnh Tà Keo chúng tôi nhìn thấy một hồ nước. Ngay lập tức chúng tôi dừng xe, định ào xuống để múc nước uống và tắm thì từ xa các bà, các chị người Campuchia đang làm ruộng vẫy khăn liên tục và gọi to bằng tiếng Khmer. Dịch ra tiếng Việt hóa ra bà con bảo: Bộ đội Việt Nam đừng xuống đấy mà cá sấu cắn chết. Nghe câu ấy tôi vô cùng xúc động. Những việc làm của bà con Campuchia thể hiện tình cảm gắn bó, yêu thương bộ đội và chuyên gia Việt Nam”, ông kể.
Trở về Việt Nam vào năm 1989, sợi dây tình cảm của ông Tuyến với đất nước, con người Campuchia tiếp tục được nối dài khi gia đình ông nhận đỡ đầu các lưu học sinh Campuchia sau khi Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, với sự đồng thuận của Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam, phát động phong trào đỡ đầu lưu học sinh Campuchia ở Việt Nam với ý nghĩa Ươm mầm hữu nghị vào tháng 2/2012.
"Gia đình tôi coi các cháu như con cháu trong nhà. Vì vậy mà các cháu nhanh chóng bớt đi sự e ngại, lạ lẫm ban đầu để thân thiết, hòa đồng cùng gia đình một cách tự nhiên", ông nói.
Các lưu học sinh Campuchia thường đến thăm gia đình ông Tuyến vào ngày chủ nhật cuối cùng trong tháng. Ông nhớ nhất là lần gặp gỡ các cháu vào đúng dịp kỷ niệm sự kiện 40 năm ngày Thủ tướng Hun Sen dẫn các đồng đội vượt rừng, lội suối với bao rủi ro giữa cái chết và sự sống chỉ trong gang tấc để tìm sự giúp đỡ từ Chính phủ Việt Nam (21/6/1977 - 21/6/2017). Nhờ đó đã làm nên thắng lợi của cuộc chiến tranh lật đổ chế độ Khmer Đỏ, giải phóng Campuchia, cứu những người dân vô tội thoát khỏi họa diệt chủng tàn bạo chưa từng có trong lịch sử đất nước Chùa Tháp.
“Hôm ấy, bốn cháu đến đông đủ, tôi tặng mỗi cháu một tờ báo Tuổi trẻ tường thuật đầy đủ chuyến đi thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen và đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Campuchia ngày 21/6/2017. Các cháu hào hứng đọc các tin, bài tường thuật của báo về chuyến thăm và bàn luận rất sôi nổi. Các cháu nói với tôi: "Bản thân sự kiện này đã nói lên tất cả. Thủ tướng Hun Sen đã khẳng định nhờ có sự giúp đỡ vô điều kiện của chính phủ và nhân dân Việt Nam mà con đường và sự nghiệp cứu nước của ông và đồng đội mới thành công. Chúng cháu tin là tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia sẽ mãi phát triển bền vững".
Ông Tuyến nhiều lần trực tiếp đến thăm các lưu học sinh Campuchia ở ký túc xá để biết rõ nơi ăn chốn ở, tình hình học tập của các cháu, kể cả lúc các cháu ốm đau. Ông cũng động viên, hỗ trợ các cháu cả về tinh thần và vật chất tốt nhất theo khả năng của mình cùng sự hỗ trợ của Trung ương Hội.
Cứ mỗi đợt các lưu học sinh Campuchia tốt nghiệp sắp về nước, ông lại tổ chức cho các cháu về thăm quê ông ở Phú Thọ, thăm di tích lịch sử Đền Hùng và có quà tặng các cháu và gia đình, từ đó thắt chặt thêm tình cảm thân thiết giữa hai gia đình.
Gia đình ở Việt Nam
Trong số các con đỡ đầu người Campuchia có Pu Thia quê ở tỉnh Soài Riêng (Campuchia), sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, đặc biệt gắn bó với gia đình ông Tuyến. Sau khi tốt nghiệp, Pu Thia lấy vợ người Việt Nam tên Lê Thị Nhàn, là kỹ sư nông nghiệp quê ở Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Ông Tuyến cùng gia đình hai bên, chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan tổ chức chu đáo lễ thành hôn cho Pu Thia theo đúng luật pháp của hai nước.
Bức ảnh ông Tuyến chụp cùng vợ con và gia đình nội, ngoại của Pu Thia (Ảnh: NVCC). |
Ông kể, ngày hôn lễ được tổ chức (5/4/2018) tại xã Hoàng Xá, cố Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Vũ Mão rất quan tâm, đến dự hôn lễ mừng hạnh phúc vợ chồng Pu Thia, lại có quà kỷ niệm cho hai gia đình ở Việt Nam và Campuchia.
Ông Tuyến xúc động khi thấy con đỡ đầu đã có một gia đình tại Việt Nam. Ông dặn dò đôi trẻ giữ đạo vợ chồng, thủy chung, luôn biết bảo vệ hạnh phúc của mình, đặc biệt cố gắng học tiếng, hiểu rõ văn hóa, tập quán mỗi nước, phải là rể hiền dâu thảo của Việt Nam và Campuchia. Ông cũng mong gia đình hai bên luôn thuận hòa, gắn bó với nhau, chung tay vun đắp hạnh phúc cho đôi trẻ.
"Chính tình cảm, trách nhiệm ấy sẽ làm cho gia đình của hai bên luôn gắn bó mật thiết để góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia theo phương châm Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài", ông Tuyến nhắc lại lời nhắn nhủ vợ chồng Pu Thia trong ngày cưới.
Sau khi về nước, Pu Thia vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm gia đình ông Tuyến. Gần đây nhất, tháng 5/2022, vợ con Pu Thia về nước, đưa bố mẹ hai bên đến thăm nhà ông, cảm ơn gia đình ông đã quan tâm, giúp đỡ Pu Thia trong thời gian anh học tập tại Việt Nam. Để kỷ niệm dịp đoàn tụ đặc biệt này, các gia đình đã chụp chung một bức ảnh và ông Tuyến đã phóng to bức ảnh ấy ra, treo trang trọng trong phòng khách, còn một bức ông lồng khung kính cẩn thận, dự định gửi tặng gia đình vợ Pu Thia.
Ông Tuyến nhận thấy, được về với các gia đình đỡ đầu, các lưu học sinh Campuchia đều rất vui mừng vì đã có một địa chỉ gia đình ở Việt Nam. Ông khẳng định, các cháu chính là "cây cầu hữu nghị" nối tình cảm đoàn kết, hữu nghị giữa gia đình ông với gia đình các cháu ở Campuchia, cũng là cơ sở góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia.
Từ đây, ông đề nghị Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tăng cường xã hội hóa hơn nữa nhằm tạo nguồn lực duy trì và phát triển phong trào đỡ đầu lưu học sinh Campuchia trong thời gian tới.
"Việc nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam rất ý nghĩa. Mình đi xa nhà, bác Tuyến luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống của mình, hướng dẫn mình cách học văn hóa Việt Nam giống như người bố quan tâm đến con. Ăn cơm với bác cảm giác như đang ở nhà mình". Pu Thia, cựu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam |