Đẩy nhanh tiến độ cấp “hộ chiếu vaccine” cho người dân
Người dân dùng ứng dụng PC-COVID để quét mã QR. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Trước đó, biểu mẫu và quy trình cấp "hộ chiếu vaccine" đã được Bộ Y tế ban hành tại quyết định 5772/QĐ-BYT (ngày 20/12/2021). Quy trình cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước.
Trong đó, "Hộ chiếu vaccine" được cấp cho người đã tiêm đủ 2 mũi với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép. Chứng nhận "Hộ chiếu vaccine" được cấp sử dụng định dạng mã QR, hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày mã QR này được khởi tạo.
Về việc cấp "hộ chiếu vaccine", Bộ Y tế có nêu một số yêu cầu. Cụ thể, chức năng ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 phải ký được cả dữ liệu định dạng JSON (JavaScript Object Notation), là một kiểu định dạng dữ liệu mà hầu hết các ngôn ngữ lập trình hiện nay đều có thể đọc được. Trong khi đó, hiện các chữ ký số mới ký được định dạng tệp pdf (pdf là một loại định dạng tập văn bản điện tử khá phổ biến).
Sau 2 tháng ban hành Quyết định, Bộ Y tế chưa thể cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân phục vụ đi lại, giao thương quốc tế. Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các hệ thống, đảm bảo cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Về quy trình ký số, Bộ Y tế cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định đơn vị ký tập trung (Sở Y tế hoặc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh) hoặc các cơ sở tiêm chủng ký tùy theo khả năng, tình hình thực tế ở mỗi địa phương.
Hiện nay, chữ ký số mới xây dựng chức năng ký số sử dụng chữ kỹ số của Viettel. Bộ Y tế yêu cầu cho phép sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp khác nhau. Đồng thời, cần bổ sung chức năng hiển thị "hộ chiếu vaccine" trên ứng dụng PC-Covid trên cơ sở kết nối dữ liệu với hệ thống cấp chứng nhận "hộ chiếu vaccine" của Bộ Y tế.
Việt Nam đã tạm công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng của 78 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, hộ chiếu vaccine Việt Nam cũng đã được một số nước công nhận như Nhật, Mỹ, Anh, Australia và Belarus. Đồng thời, Việt Nam vẫn đang tiếp tục trao đổi với hơn 80 đối tác về việc công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vaccine"