Đầu tư nhân lực xây dựng hệ thống y tế cơ sở thông minh
Phát biểu tại hội nghị, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chia sẻ rằng đại dịch Covid-19 đã cho thấy những lỗ hổng, sự kém hiệu quả trong các hệ thống y tế cơ sở (YTCS) của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Phạm Lê Tuấn, phải tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực cho YTCS, phát triển bác sĩ gia đình, tăng chế độ phụ cấp và cải cách tiền lương cho nhân viên YTCS. Áp dụng khám, chữa bệnh từ xa; tăng sức hấp dẫn cho YTCS bằng việc mở rộng số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong đó, cần thay đổi vị trí của YTCS từ “tuyến dưới” trở thành “trung tâm” với vai trò “gác cổng”.
Về các vấn đề trên, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho rằng thành phố đã có những chính sách để bít lỗ hổng đó lại. Theo đó, TP đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng y tế thông minh; đầu tư mới và phát huy nguồn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sẵn có; phát triển nguồn nhân lực và phát huy nguồn lực y tế sẵn có. Trong đầu tư về nguồn lực, TP đã đưa bác sĩ trẻ mới ra trường về thực hành 18 tháng tại YTCS, hỗ trợ phí sinh hoạt 60 triệu đồng và miễn phí thực hành; cho phép ký kết hợp đồng với bác sĩ, y tá về hưu… làm việc tại YTCS do ngân sách trả lương. Tăng phụ cấp cho nhân viên YTCS đang làm việc…
Mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh công tại Việt Nam hiện có 39 bệnh viện (BV) tuyến T.Ư và trực thuộc Bộ Y tế; 492 BV tuyến tỉnh; 645 BV tuyến huyện; 72 BV ngành và khoảng 11.000 trạm y tế. Ngoài ra, hệ thống y tế tư nhân gồm có 231 BV và 35.000 phòng khám.