Đảng Cộng hòa "nội chiến" trước ngày ông Trump định "lật kèo" bầu cử
Sự chia rẽ nghiêm trọng từ nội đảng
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Thomas Massie tại thủ đô Washington hồi tháng 7/2014. Ảnh: Reuters |
Đã có ít nhất 12 thượng nghị sĩ dự định cùng với khoảng 140 hạ nghị sĩ thách thức chiến thắng của ông Joe Biden. Căng thẳng leo thang tới mức chính các thượng nghị sĩ của Cộng hòa tự đấu đá lẫn nhau.
Thượng nghị sĩ Pennsylvania Pat Toomey cáo buộc một số thành viên Cộng hòa phá hoại quyền tham gia bầu cử trực tiếp, trong khi Thượng nghị sĩ Missouri Josh Hawley chỉ trích lập luận của Toomey cùng "các cuộc công kích cá nhân vô liêm sỉ".
Cuộc đấu đá qua lại này đã tóm lược cuộc chiến nội bộ lớn hơn về cách các thành viên Cộng hòa thân cận sẽ ủng hộ Tổng thống - người kiên trì bám trụ với nỗ lực thách thức kết quả bầu cử trong hai tháng qua và dự định duy trì quyền lực sau khi rời Nhà Trắng.
"Tôi lo ngại về sự chia rẽ ở Mỹ, đó là vấn đề lớn, nhưng rõ ràng nó không tốt cho đảng Cộng hòa", Thượng nghị sĩ Nebraska Ben Sasse than phiền. "Rất tệ cho cả đảng này và nước Mỹ".
Theo kế hoạch, cuộc "lật kèo" sẽ diễn ra ngày 6/1 khi Thượng viện tổ chức các cuộc tranh luận kéo dài hai giờ về bất kỳ lá phiếu đại cử tri nào bị phản đối. Chiến thắng của Biden không dễ gì đảo ngược nhưng nhiều nhà lập pháp ở cả hai đảng cảnh báo nỗ lực sẽ gây tổn hại cho Mỹ.
Các thượng nghị sĩ cho biết đa số thành viên Cộng hòa sẽ phản đối nỗ lực này và các thành viên Dân chủ cũng nói rằng họ tin cuộc tranh luận ngày 6/1 sẽ chứng kiến các đảng viên Cộng hòa phản bác đồng nghiệp của họ.
Trump có thể phạm luật khi ép quan chức "tìm phiếu"
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Thomas Massie tại thủ đô Washington hồi tháng 7/2014. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Trump đã đưa chiến dịch gây sức ép của ông lên một tầm cao mới hôm 2/1, khi gọi cho Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger và yêu cầu "tìm" đủ số phiếu để giúp ông giành lại chiến thắng ở bang này.
Việc Trump yêu cầu quan chức bang Georgia "tìm 11.780 phiếu" có thể phạm luật bầu cử với hình phạt lên tới 5 năm tù, theo giới chuyên gia.
Tờ Washington Post hôm nay đăng tải bản ghi âm cuộc gọi kéo dài một tiếng của Tổng thống Donald Trump với Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger ngày 2/1, trong đó ông chủ Nhà Trắng đe dọa và cầu xin Raffensperger tác động để quan chức bầu cử Georgia thay đổi kết quả bầu cử.
"Tôi chỉ muốn tìm 11.780 phiếu, nhiều hơn một phiếu mà chúng ta có. Bởi vì chúng ta đã thắng ở Georgia", Trump nói, thêm rằng Raffensperger có thể bị truy tố hình sự trừ khi tìm đủ số phiếu để lật ngược kết quả.
Các chuyên gia cho rằng hành động của ông chủ Nhà Trắng có thể cấu thành tội gian lận bầu cử theo Chương 52 Bộ luật Mỹ, với mức án tối đa lên tới 5 năm tù. Việc đe dọa cáo buộc hình sự nhằm vào Raffensperger cũng có thể bị coi là tội uy hiếp, được đề cập trong Chương 41 mục 18 của bộ luật.
Andrew Weissmann - giáo sư ngành luật ở Đại học New York và cựu luật sư Bộ Tư pháp Mỹ, cho rằng nỗ lực của Trump cũng tương đồng với những cuộc gọi nhằm gây áp lực, buộc chính phủ Ukraine điều tra Joe Biden và con trai Hunter hồi năm ngoái.
Cuộc gọi của Trump cũng đặt nghi vấn về tội nổi loạn, được định nghĩa là "hành động hoặc lời nói kích động người dân nổi dậy chống chính quyền".
Bob Bauer, cố vấn cấp cao của Biden, cho rằng bản ghi âm là "bằng chứng không thể chối cãi cho thấy Tổng thống gây áp lực, đe dọa một quan chức trong chính đảng của ông ấy nhằm tìm cách hủy bỏ một cuộc kiểm phiếu hợp pháp, đã được chứng nhận và ngụy tạo một kết quả kiểm phiếu khác".
Hiện chưa rõ cuộc gọi của Trump có dẫn tới vấn đề pháp lý sau khi ông rời Nhà Trắng hay không. Tuy nhiên, Michael Bromwich, cựu tổng thanh tra Bộ Tư pháp, cho rằng Tổng thống Trump sẽ có một cách bào chữa nếu bị cáo buộc những tội danh trên.