Đại sứ Philippines: Nỗ lực của Việt Nam trong ASEAN là một minh chứng cho trường phái "ngoại giao cây tre"
Đại sứ Philippines tại Việt Nam Meynardo Los Banos Montealegre cho rằng, cách ASEAN ứng phó với những thách thức này sẽ quyết định liệu ASEAN có thực sự quan trọng trong thế kỷ XXI hay không. (Ảnh: QT) |
Đại sứ kỳ vọng như thế nào về Diễn đàn tương lai ASEAN 2024 khi có thể cảm nhận rõ sức nóng của Diễn đàn trong những ngày qua với hàng trăm đại biểu từ các giới khác nhau ở trong và ngoài khu vực đăng ký tham dự?
Theo quan điểm của tôi, ASEAN là một tổ chức khu vực có trách nhiệm, kiên cường, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm, tích cực tham gia giải quyết các thách thức khu vực.
Các quyết định được đưa ra ở quy mô khu vực thường xuất phát từ quá trình tham vấn và đồng thuận. ASEAN thường xuyên có các cuộc thảo luận về việc định hình tương lai. Những cuộc đối thoại này rất quan trọng để duy trì sự thống nhất, xác định kim chỉ nam cho các quốc gia thành viên hướng tới một con đường chung.
Với Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, tôi kỳ vọng vào những cuộc thảo luận thực chất và cởi mở về lợi ích và mục tiêu chung của ASEAN. Những trao đổi này sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về quan điểm chính sách của mỗi quốc gia thành viên đối trước các vấn đề hiện tại. Thông qua những tương tác này, ASEAN sẽ được trang bị tốt hơn để tìm ra điểm chung và giải quyết hiệu quả các thách thức.
Đại sứ đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025 và đâu là những trọng tâm ASEAN cần thúc đẩy?
Lực lượng đặc nhiệm cấp cao lần thứ 45 về hội nhập kinh tế ASEAN (HLTF-EI) được triệu tập vào ngày 21/2 vừa qua tại Vang Vieng (Lào) là một sự kiện quan trọng, tập trung thảo luận các khía cạnh chiến lược của hội nhập kinh tế khu vực, bao gồm tập trung vào các ưu tiên hợp tác kinh tế (PED) của Lào, tìm hiểu các khía cạnh mới trong Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN+1 cũng như các sáng kiến bền vững của ASEAN.
Philippines hoàn toàn ủng hộ 14 PED do Lào đưa ra nhằm cải thiện luồng hàng hóa tự do, các quốc gia thành viên ASEAN (AMS).
Đánh giá giữa kỳ (MTR) của Kế hoạch chi tiết AEC 2025 đã đưa ra một bảng điểm về tiến độ trong 5 năm đầu thực hiện Kế hoạch. Những khoảng trống được xác định và các khuyến nghị sẽ là công cụ giúp hình thành một kế hoạch chi tiết hơn cho Chương trình nghị sự sau năm 2025 của AEC.
Cộng đồng ASEAN đang ở trong một môi trường địa chính trị phát triển nhanh chóng, đòi hỏi những phản ứng hiệu quả và sáng tạo để đảm bảo tương lai của ASEAN và người dân trong khu vực. Những thách thức cũng như cơ hội do môi trường địa chính trị mang lại có thể là cơ sở để ASEAN xây dựng Tầm nhìn sau năm 2025 thực sự phù hợp và đáp ứng được sự phát triển của Cộng đồng ASEAN. Cách ASEAN ứng phó với những thách thức này sẽ quyết định liệu ASEAN có thực sự quan trọng trong thế kỷ XXI hay không.
Đối với Philippines, tầm nhìn mới của ASEAN đối với Cộng đồng ASEAN - tầm nhìn sẽ có hiệu lực trong 20 năm tới - cần kiên định ưu tiên củng cố vai trò then chốt của ASEAN với tư cách là động lực chính trong việc định hình cấu trúc khu vực. Tầm nhìn này phải được trang bị đầy đủ để ứng phó và quản lý hiệu quả các căng thẳng và tranh chấp trong khu vực, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến các siêu cường và các quốc gia thành viên ASEAN. Một ASEAN gắn kết là một ASEAN nỗ lực xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, duy trì các nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và Hiến chương ASEAN. Chúng tôi kiên quyết phản đối mọi ý định nhằm làm thay đổi những nguyên tắc nền tảng này.
Để ASEAN phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ tới, điều quan trọng là ASEAN phải tập trung xây dựng các nền kinh tế hội nhập cao. Điều này phải đi đôi với nỗ lực giải quyết khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên, đồng thời thúc đẩy chương trình nghị sự phát triển bền vững, nhấn mạnh tính toàn diện, sự tham gia tích cực và các sáng kiến hợp tác.
ASEAN là một cộng đồng hướng tới tương lai với khả năng phục hồi, đổi mới và năng động, được trang bị những năng lực cần thiết để nắm bắt cơ hội và đương đầu hiệu quả với những thách thức vào những thập kỷ tới, đồng thời luôn đáp ứng sâu sắc nguyện vọng và mong muốn của người dân.
Theo Đại sứ những giá trị cốt lõi của ASEAN như đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm sẽ có giá trị như thế nào đối với ASEAN trong hành trình tương lai?
ASEAN ngày càng được thừa nhận là một trong những động lực của cấu trúc khu vực, bằng chứng là ngày càng có nhiều quốc gia và tổ chức khu vực tìm kiếm quan hệ đối tác chính thức với ASEAN. Trong khi sự quan tâm ngày càng tăng đối với ASEAN mang lại những cơ hội hợp tác lớn hơn, nó cũng có nguy cơ khiến khu vực phải đối mặt với các xung đột khu vực, xung đột ngoài khu vực, sự cạnh tranh giữa các cường quốc và các mối đe dọa đối với chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một số quốc gia thành viên ASEAN.
Việc giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh khu vực cũng là một bài toán đối với ASEAN, do vậy phải duy trì sự thống nhất và tính trung tâm của ASEAN, đồng thời tận dụng tối đa các cơ hội hợp tác.
Các nguyên tắc cốt lõi của ASEAN được ghi trong Hiến chương ASEAN và được tất cả các nước thành viên, bao gồm cả Philippines, tán thành. Những nguyên tắc này bao gồm tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN; từ bỏ hành vi xâm phạm và đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; giải quyết hòa bình các tranh chấp và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ đối ngoại.
Đâu là ấn tượng lớn nhất của Đại sứ trước những đóng góp của Việt Nam với tư cách là thành viên ASEAN?
Chúng tôi ghi nhớ những nỗ lực của Việt Nam trong việc dẫn dắt Cộng đồng ASEAN trong thời gian đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm 2020. Bất chấp những thách thức do đại dịch Covid-19 đặt ra, Việt Nam đã hợp tác hiệu quả với tất cả các quốc gia thành viên ASEAN để đảm bảo tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN được thực hiện.
Trong thời gian Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, các sáng kiến lớn của ASEAN như Quỹ ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của ASEAN, Dự trữ vật tư y tế khu vực (RRMS) cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (PHE) cùng nhiều sáng kiến khác đã được khởi xướng để giảm thiểu tác động của đại dịch. Những sáng kiến này đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối các vật tư y tế thiết yếu cho các quốc gia thành viên ASEAN cũng như tạo điều kiện cho ASEAN phục hồi sau đại dịch thông qua việc thực hiện Khung phục hồi toàn diện ASEAN.
Đóng góp có trách nhiệm và tích cực của Việt Nam cho ASEAN, ở cả phạm vi nội khối và đối ngoại cũng ghi dấu tại nhiều diễn đàn khác nhau của ASEAN, thực sự đáng ghi nhận và là một ví dụ cụ thể về “ngoại giao tre” của Việt Nam.