Đài Loan (Trung Quốc): Quy định xây dựng nghiêm ngặt góp phần giảm thiểu thiệt hại động đất
Chú trọng chất lượng xây dựng
Ngày 3/4, trận động đất mạnh nhất trong vòng 25 năm qua làm rung chuyển Đài Loan. Nhà chức trách Đài Loan xếp hạng trận động đất này thuộc "Cấp 6" - cấp độ cao thứ hai trên thang đo từ 1 đến 7. Đây là trận động đất lớn nhất tại Đài Loan kể từ sau trận động đất 7,6 độ Richters năm 1999, khiến khoảng 2.400 người thiệt mạng và làm hư hại hoặc phá hủy 50.000 tòa nhà.
Ít nhất 9 người đã thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương, 143 người vẫn mắc kẹt trong thảm họa động đất. Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực đưa người bị mắc kẹt khỏi các tòa nhà bị hư hại.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát
|
Theo ông Ngô Kiện Phú - Giám đốc Trung tâm địa chấn thuộc Sở Khí tượng Đài Loan (CWA), trận động đất mạnh 7,4 độ Richters đã làm rung chuyển nhiều khu vực của Đài Loan. Hình ảnh hiện trường cho thấy những tòa nhà không đổ sụp hoàn toàn, mà lún sập một phần và ngả nghiêng, còn kết cấu phía trên vẫn trụ vững.
Đài Loan nằm dọc theo một phần của Vành đai núi lửa Thái Bình Dương, nơi xảy ra hầu hết các trận động đất trên thế giới. Vành đai này dài khoảng 40.000 km và có hình dạng tương tự vành móng ngựa. Theo thống kê từ kênh National Geographic, khoảng 90% các trận động đất trên toàn cầu xảy ra dọc theo vành đai này. Nơi đây cũng chiếm đến 75% số núi lửa còn hoạt động trên thế giới.
Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, Đài Loan và các vùng biển xung quanh đã ghi nhận khoảng 2.000 trận động đất có cường độ từ 4,0 độ trở lên kể từ năm 1980, trong đó có hơn 100 trận động đất có cường độ trên 5,5 độ.
Giới chức hòn đảo đã siết chặt các quy định xây dựng để sống chung với động đất trong những thập kỷ qua. "Công tác chuẩn bị cho các trận động đất ở Đài Loan thuộc hàng tiên tiến hàng đầu thế giới", nhà địa chấn học và giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri (Mỹ) Stephen Gao nhận định.
Giáo sư Gao còn cho biết, Đài Loan đã áp dụng các quy định xây dựng nghiêm ngặt, sở hữu một mạng lưới địa chấn đẳng cấp thế giới và các chiến dịch giáo dục cộng đồng về an toàn trong động đất.
Sau thảm họa động đất năm 1999, Đài Loan đã thông qua Đạo luật Phòng chống và Ngăn ngừa Thiên tai, cũng như thành lập hai trung tâm quốc gia để điều phối và đào tạo nhằm đối phó với động đất.
Theo Viện Nghiên cứu thực nghiệm Đài Loan (NARLabs), để đảm bảo chất lượng, tất cả dự án xây dựng ở Đài Loan cần phải tuân thủ các quy định do chính quyền đưa ra. Đánh giá và điều chỉnh các quy định an toàn đối phó địa chấn cho các tòa nhà là một trong những cách hiệu quả nhất để nâng cao khả năng chống động đất.
Các tòa nhà không đổ sụp hoàn toàn, mà lún sập một phần nhưng kết cấu phía trên vẫn trụ vững |
Năm 2018, chính phủ Đài Loan đã công bố đánh giá hơn 34.000 tòa nhà, đồng thời yêu cầu các chủ sở hữu của những tòa nhà này phải hoàn thành việc cải tạo để đảm bảo độ an toàn. Người dân cũng được trợ cấp khi họ muốn kiểm tra mức độ chống chịu động đất của tòa nhà mình sống.
Tháng 10/2022, cơ quan nội vụ Đài Loan tiếp tục điều chỉnh quy định và hướng dẫn thiết kế xây dựng chống chọi động đất trên hòn đảo. Họ đẩy mạnh kiểm tra các công trình có dấu hiệu cơi nới hoặc xây thêm gác tạm sai thiết kế ban đầu.
Với những tòa nhà thuộc diện rủi ro động đất và đang chờ quy hoạch trùng tu hoặc phá dỡ, chủ sở hữu buộc phải xây thêm cấu trúc chịu lực để tăng an toàn.
Chương trình kiểm tra an toàn được duy trì với tất cả trường học và ký túc xá, mở rộng đến tòa nhà khách sạn, chợ và công trình công cộng. Mọi người dân được khuyến khích trình báo chính quyền nếu có cơ sở để lo ngại về độ an toàn của tòa nhà.
Quy định vào năm 2022 cũng buộc mọi tòa nhà nằm gần các đường đứt gãy địa chất phải được gia cố, tăng khả năng chống chọi động đất 20-30% so với bình diện chung. Cơ quan nội vụ Đài Loan ước tính khuyến nghị này sẽ khiến chủ các tòa nhà trung bình tốn thêm 5% chi phí xây dựng.
Hệ thống cảnh báo sớm
Đài Loan đang đẩy mạnh các cuộc diễn tập động đất tại các trường học và nơi làm việc còn các phương tiện truyền thông đại chúng thì thường xuyên gửi lời cảnh báo về động đất tới người dân. Hệ thống cảnh báo sớm tinh nhạy của Đài Loan cũng là một phần quan trọng trong hạ tầng an toàn của hòn đảo.
Cục Thời tiết Trung ương (CWB) đã phát triển hệ thống tự động xác định vị trí động đất, có thể khoanh vùng tâm chấn trong vòng vài giây sau khi bắt đầu. Tiếp theo, hệ thống ước tính quy mô địa chấn và cường độ trên khắp Đài Loan, rồi truyền thông tin này cho hệ thống cảnh báo nhanh động đất để thông báo. Trong sự kiện động đất mạnh từ 5 độ trở lên, hệ thống có thể cảnh báo trên điện thoại di động cho cộng đồng ở các quận và thành phố trong vòng 10 giây.
Dựa trên mạng lưới các thiết bị địa chấn trên toàn đảo, hệ thống sẽ gửi tin nhắn đến điện thoại người dân khi có động đất lớn. Ngay lập tức, cắt sóng các chương trình truyền hình để chuyển cảnh báo đến người dân.
Người đứng đầu Đài Loan Lại Thanh Đức khảo sát tình hình thiệt hại ở huyện Hoa Liên sau trận động đất
|
Theo ông Chen Kuo-chang, Giám đốc Trung tâm Địa chấn học thuộc CWB, với độ chính xác hơn 60% của hệ thống định vị tự động, họ hy vọng có thể giảm thời gian gửi thông báo xuống 5 giây trong tương lai. Qua đó, giúp Đài Loan cảnh báo động đất nhanh nhất thế giới, vượt qua cả Nhật Bản.
Đài Loan cũng đã lắp đặt các trạm quan sát ở đáy biển nối liền qua cáp ngầm từ Đầu Thành ở huyện Nghi Lan tới Phương Sơn và hướng về phía Nam từ Phương Sơn chạy dọc theo rìa đông rãnh Manila. Hệ thống này giúp giảm thời gian cần thiết để tính toán các thông số của động đất ngoài khơi từ 35 giây xuống 20 giây, cho phép CWB cảnh báo sóng thần. Cho tới nay, mới chỉ có Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ thiết lập mạng lưới theo dõi dưới biển như vậy.
Cộng đồng người Việt hỗ trợ đợt 3 cho các nạn nhân động đất ở Nhật Bản Chiều 19/1/2024, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka Ngô Trịnh Hà cùng đại diện Hiệp hội người Việt Nam vùng Kansai, Hiệp hội hỗ trợ Nhật Việt, Hiệp hội thương mại Nhật Việt đã đến Văn phòng tỉnh Ishikawa tại Osaka để trao tặng số tiền 60 man (hơn 100 triệu đồng) tiền mặt cho 2 thành phố Suru và Wajima. |
Nhật Bản hỗ trợ thực tập sinh, lao động nước ngoài sau động đất mạnh Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Tư pháp Nhật Bản, Tổ chức Thực tập kỹ năng Nhật Bản (OTIT) đã triển khai một số chính sách mới nhằm hỗ trợ thực tập sinh, lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. |