Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam: Mong có nhiều chính sách lợi quyền cho đoàn viên, người lao động
Chiều ngày 1/12, tại Hà Nội, trong lịch trình làm việc của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13, các đại biểu đã được phân công về 10 trung tâm thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội. Ghi nhận của PV Thời Đại tại Trung tâm thảo luận số 4.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại Trung tâm thảo luận số 04, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13.
Cần có hướng dẫn về nghiệp đoàn nghề cá
Theo bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Đà Nẵng, cần có sự tổng kết và đánh giá có tính hệ thống về mô hình nghiệp đoàn nghề cá sau hơn 10 năm hoạt động.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, điều hành phiên thảo luận. |
Cụ thể, nghiệp đoàn nghề cá là mô hình tập hợp người ngư dân. Thông qua hoạt động của nghiệp đoàn, ngư dân vừa là người lao động trên biển và là công dân có trách nhiệm gìn giữ bờ cõi của đất nước.
Bà Định Thanh Hà băn khoăn, đặc thù công việc trên biển của ngư dân không thể hiện rõ các yếu tố của quan hệ lao động như các công việc trong đất liền. Việc liên kết hoạt động nghiệp đoàn đối với ngư dân trong bối cảnh công việc độc lập và lênh đênh trên biển tới hàng tháng cũng là điều không đơn giản.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng chia sẻ thêm, trong xu hướng hiện nay, nhiều dạng lao động mới cũng xuất hiện trong xã hội như lái xe công nghệ, shipper. Tuy nhiên việc xác định mối quan hệ lao động theo kiểu truyền thống về nhóm lao động này vẫn còn gây tranh cãi.
Bà Đinh Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng. |
Với các LĐLĐ tỉnh, thành đã có triển khai nghiên cứu vấn đề này, bà Đinh Thị Thu Hà cho rằng cần sớm đúc rút những kinh nghiệm xây dựng nghiệp đoàn, tập hợp nhóm đối tượng không thuộc khu vực có quan hệ lao động.
“Chúng ta cần sớm có những nghiên cứu, tọa đàm để rút ra kinh nghiệm, xây dựng mô hình tiêu biểu. Từ đó nâng lên thành một hướng dẫn chung cho các nghiệp đoàn sau này…”, bà Đinh Thị Thu Hà đề xuất. |
Nêu kiến nghị, bà Đinh Thị Thu Hà nói: “Ngay sau Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tổng hợp các kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai, qua đó xây dựng một hướng dẫn đặc thù nhằm phổ biến cho các LĐLĐ khác khi có tình huống tương tự”.
Trăn trở về rút BHXH 1 lần
Liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, ông Phạm Minh Thành - Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đại biểu LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - trăn trở về tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần vẫn gia tăng trong những năm gần đây.
Dẫn chứng số liệu trên địa bàn Đồng Nai, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Năm 2021, toàn tỉnh có hơn 48.000 người rút BHXH 1 lần. Tới năm 2023, số liệu trên tăng lên hơn 52.000. Nhưng chỉ trong 11 tháng đầu năm 2023, số liệu trên đã tăng hơn 60.000 người.
Ông Phạm Minh Thành - Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, đại biểu LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - phát biểu. |
“Nhiều người đã làm việc tới 16-17 năm có đóng BHXH nhưng vẫn rút BHXH 1 lần. Điều này tác động lớn về vấn đề an sinh xã hội”, ông Phạm Minh Thành nhận xét.
Ông Phạm Minh Thành cũng khuyến nghị, các cấp công đoàn cần có ý kiến về mức đóng BHXH trên tiền lương khi góp ý xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Bên cạnh đó, tình trạng các doanh nghiệp có hiện tượng lách luật để giảm tiền đóng BHXH bằng cách đưa ra nhiều khoản phụ cấp. Giám đốc BHXH Đồng Nai ước tính, tiền đóng BHXH mới chỉ trên 60% tiền lương.
Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến có giá trị về hoạt động công đoàn. |
Cũng tại Trung tâm thảo luận số 4, đại diện Công đoàn Y tế nêu ra đề xuất thành lập tổ chức công đoàn ghép của các phòng khám tư trong cùng một khu vực.
Lý giải về đề xuất này, đại diện Công đoàn Y tế cho rằng, chỉ tiêu của Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn cần phát triển lên 15 triệu đoàn viên, cao hơn con số hiện tại là 4 triệu đoàn viên.
Trong khi đó, các phòng khám tư còn nhiều “dư địa” để phát triển đoàn viên công đoàn. Đó cũng là một giải pháp đứng ở góc độ công đoàn ngành y tế để đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển đoàn viên công đoàn.
Xây dựng hệ số, phụ cấp cho cán bộ chuyên trách Ông Dương Công Thành, Chủ tịch công đoàn Bộ Tài Nguyên và Môi trường kỳ vọng: “Chúng ta cần xây dựng chế độ về hệ số, phụ cấp cho cán bộ công đoàn chuyên trách ở các đơn vị. Qua đó phần nào giúp người cán bộ công đoàn chuyên trách yên tâm cống hiến nhiều hơn với tổ chức công đoàn”. Liên quan tới công tác kiểm tra công đoàn, ông Dương Công Thành cũng kiến nghị cần quy định mô hình uỷ ban kiểm tra ở các cả các cấp công đoàn. “Điều lệ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 hiện chỉ quy định, mô hình uỷ ban kiểm tra chỉ xuất hiện từ cấp công đoàn cơ sở. Nhưng ở các công đoàn cơ sở thành viên thì không được nói tới. Tôi mong muốn sau Đại hội Công đoàn lần thứ 13, tất cả các cấp công đoàn đều có mô hình uỷ ban kiểm tra”. |
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII: Bàn thảo về 3 khâu đột phá Một trong 3 khâu đột phá sẽ được bàn thảo tại Đại hội Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. |
4 gợi mở trong công tác đối ngoại Công đoàn giai đoạn 2023-2028 “Đối ngoại nhân dân là một trong những sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam. Việc quán triệt sâu sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về đối ngoại nhân dân là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bài học kinh nghiệm quan trọng hàng đầu, đúc rút được từ thực tiễn cách mạng nước ta và hoạt động đối ngoại nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước”. |