Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII: Bàn thảo về 3 khâu đột phá
Chiều 22/11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức thông tin về Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.
Đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng hơn 25 %
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Kiên - Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, người lao động cả nước.
Đại hội lần thứ XIII của Công đoàn Việt Nam diễn ra vào thời điểm đoàn viên, người lao động cả nước cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Cũng theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Kiên, nhiệm kỳ đã qua (Đại hội XII) của Công đoàn Việt Nam đã có nhiều kết quả tốt đẹp. Theo đó, nhiệm kỳ đã có trên 300 văn bản góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và hoạt động công đoàn.
“Trong 5 năm qua, Công đoàn Việt Nam đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34 %. Hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể được tăng cường, có nhiều đổi mới”, ông Nguyễn Mạnh Kiên nói.
Ông Nguyễn Mạnh Kiên - Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng LĐLĐ Việt Nam - phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: N.H). |
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp đã được ký mới, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỷ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở; 22 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp với 224 doanh nghiệp, đơn vị tham gia và 119.336 người lao động được thụ hưởng.
Hoạt động tư vấn pháp luật được đẩy mạnh với hơn 333.200 vụ tư vấn cho hơn 1,13 triệu lượt đoàn viên, người lao động; tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án cho hơn 12.300 người; trong đó hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ tại tòa án cho hơn 7.700 người lao động; đại diện người lao động khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân cho gần 4.700 người, giúp người lao động nhận lại hoặc được bồi thường hơn 64 tỷ đồng.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII sẽ diễn ra từ ngày 1-3/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP Hà Nội. Đại hội triệu tập 1.100 đại biểu chính thức. |
Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam đã triển khai nhiều mô hình mới trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng hành với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để lại nhiều dấu ấn. Các phong trào thi đua yêu nước cũng được triển khai sâu rộng, tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức, bám sát thực tiễn.
Trong 5 năm qua, cả nước kết nạp mới 4.460.933 đoàn viên công đoàn, thành lập 24.320 công đoàn cơ sở. Tính đến tháng 6/2023, cả nước có hơn 123.100 công đoàn cơ sở và 11.072.214 đoàn viên công đoàn, tăng hơn 1 triệu đoàn viên so với đầu nhiệm kỳ. Hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, chúc Tết, động viên, tặng quà nhân dịp “Tết Sum vầy” với trên 28.000 tỷ đồng.
Xác định đột phá trong thương lượng tập thể
Cũng tại cuộc họp, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - khẳng định, nhiệm kỳ 2018-2023 là nhiệm kỳ rất đặc biệt với Công đoàn Việt Nam. Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động đến mọi mặt của đời sống việc làm của người lao động. Nhiều xung đột quốc tế diễn ra với những tác động có tính toàn cầu. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội ban hành Bộ Luật lao động năm 2019 với nhiều điểm thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức với tổ chức công đoàn, trong đó có nội dung cho phép các đơn vị thành lập tổ chức đại diện cho người lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cung cấp thông tin tại cuộc họp (Ảnh: N.H). |
“Tuy nhiên, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng, nhất là trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động”, ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định.
Đánh giá về những nội dung có tính đột phá sẽ được thảo luận tại Đại hội Công đoàn lần thứ XIII, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: “Công đoàn sẽ đẩy mạnh đối thoại, thương lượng, trong đó trọng tâm là đối thoại lương lượng về tiền lương. Đây là 1 trong 3 điểm đột phá được bàn thảo tại Đại hội”.
Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, tình trạng thiếu việc làm đã và đang ảnh hưởng lớn tới đời sống của người lao động. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có chiều hướng gia tăng. “Vì vậy, một nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của tổ chức công đoàn là phải tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tiếp đó là giải quyết vấn đề tiền lương, nhà ở cho người lao động”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Nhiều thông tin về hoạt động của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII được công bố (Ảnh: N.H). |
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định: “Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng cần phải kiên trì, khéo léo, tùy thuộc tình thực tế để đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó các cấp công đoàn cũng chú trọng tới thương lượng tiền thưởng, chế độ phúc lợi cho người lao động”.
Ngoài nội dung về thuơng lượng tập thể, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XIII sẽ tập trung bàn thảo 2 nội dung khác được xác định là có tính đột phá, gồm: Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII sẽ có 10 diễn đàn chuyên đề thảo luận về các vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức công đoàn, như: Đổi mới công tác tập hợp, vận động người lao động vào tổ chức công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở; Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại công đoàn, phát huy vai trò công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế… |
Ông Ngọ Duy Hiểu tái đắc cử Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Chiều 1/10, Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI đã ra mắt Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam gồm 12 người. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiêm Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa V tái đắc cử Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2023-2028. |
Hơn 2 triệu sáng kiến của đoàn viên công đoàn, người lao động làm lợi 33.000 tỷ đồng Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai thành công Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” trên 3 phương diện: phát động, tổ chức thực hiện; kết quả cao và hiệu ứng lan tỏa sâu rộng. |