4 gợi mở trong công tác đối ngoại Công đoàn giai đoạn 2023-2028
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát biểu tại diễn đàn “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Công đoàn, phát huy vai trò Công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế”. Đây là 1 trong 10 diễn đàn được Tổng LĐLĐ VN tổ chức chiều ngày 30/11 tại Hà Nội, là hoạt động trước thềm Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13, giai đoạn 2023-2028.
Tới dự diễn đàn có ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, lãnh đạo, các chuyên gia Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Công Thương, đại biểu của công đoàn các ngành: Công Thương, Giáo dục, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công đoàn Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và LĐLĐ các tỉnh Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum, Điện Biên.
Khai mạc diễn đàn “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Công đoàn, phát huy vai trò Công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế”.
Phát huy vai trò công đoàn tham gia hội nhập quốc tế
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá các nội dung được bàn thảo tại diễn đàn có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ hội nhập, liên quan tới công tác đối ngoại nhằm phát huy vai trò công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế. Đặc biệt, nội dung của diễn đàn được Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định là 1 trong 10 vấn đề quan tâm trong giai đoạn mới.
Đánh giá về quá trình toàn cầu hoá phát hiện nay, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng: Quốc gia nào cũng đều phải xử lý cùng lúc 2 vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Đây là 2 vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương. |
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc”.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng mong muốn các các cấp, các ngành, các địa phương và đội ngũ cán bộ, đoàn viên cùng nhau nhìn lại quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác đối ngoại. Đây cũng là dịp để nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới; qua đó tạo ra khí thế, quyết tâm mới cho toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, từng tổ chức và cá nhân trong hoạt động đối ngoại.
Thứ trưởng hy vọng, kết quả của diễn đàn sẽ tạo ra một dấu mốc mới và bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa cho công tác đối ngoại, trong đó có đối ngoại công đoàn.
Tạo sự hiểu biết và đồng thuận
Cũng tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải khẳng định, việc kế thừa đường lối đối ngoại của Đảng tại các Đại hội Đảng là bước phát triển mới để khẳng định vai trò, vị trí và nhiệm vụ của đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng trong tình hình mới.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. |
Ông Trần Thanh Hải gợi ý 4 nội dung chính thảo luận tại diễn đàn.
Nội dung đầu tiên là cần tiếp tục khẳng định một trong những nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của cách mạng Việt Nam là đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, đoàn kết nhân dân trong nước gắn với đoàn kết nhân dân thế giới.
Bên cạnh đó, trong tình hình mới, Công đoàn Việt Nam cần tăng cường quan hệ quốc tế để thế giới hiểu đúng, sâu sắc về mình với tư cách là một tổ chức có bề dày lịch sử gần 100 năm, tạo lập bản sắc văn hóa công đoàn Việt Nam: “Trung thành với lợi ích giai cấp công nhân, luôn gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết quốc tế, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Trên cơ sở này không ngừng mở rộng mặt trận ủng hộ Công đoàn Việt Nam, đồng thời phải có tâm thể tích cực bảo vệ công đoàn Việt Nam trước mọi âm mưu, thủ đoạn chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất, sứ mệnh và bản sắc văn hoá của công đoàn Việt Nam.
Diễn đàn thu hút sự tham gia của đại diện nhiều công đoàn địa phương và công đoàn ngành. |
Nội dung thứ 3 cần bàn thảo là nhiệm vụ chia sẻ tri thức về phong trào công nhân và công đoàn, nhất là các vấn đề mang tính toàn cầu; các kinh nghiệm thực tiễn do cán bộ công đoàn chuyên nghiệp quốc tế thực hiện là những tri thức quý, cần được trân trọng, tiếp thu chọn lọc, làm phong phú hơn tư duy về tổ chức và hoạt động công đoàn.
Cuối cùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các đại biểu cần quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững trong quan hệ quốc tế; chủ động kết nối, phát triển quan hệ với các đối tác mới; tích cực chuẩn bị lực lượng để tham gia có trách nhiệm cao hơn tại các cơ chế, diễn đàn đa phương của công đoàn khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, công tác vận động, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tập trung bổ khuyết cho tổ chức và hoạt động công đoàn, nhất là tri thức mới về phong trào công nhân, công đoàn.