Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét bổ sung thêm các hành vi bạo lực gia đình
Ngày 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng, hiện nay bạo lực rất đa dạng, có thể là bạo lực của cha mẹ với con cái, con cái với cha mẹ già, chồng với vợ, đồng thời cũng không loại trừ trường hợp bạo lực của vợ với chồng.
"Tôi vừa mới xem clip trưa nay là người phụ nữ đập chồng không còn ra gì hết. Ông chồng chỉ biết ôm đầu bỏ chạy", đại biểu An Giang chia sẻ.
Theo đại biểu Sinh, có thể khái quát hành vi bạo lực thể xác và bạo lực bằng tinh thần. Bạo lực thể xác thì có thể có dấu vết có thể chứng minh được nhưng bạo lực tinh thần gây ra khủng hoảng cho những người bị bạo hành rất lớn.
Từ đó, đại biểu Sinh đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm các hành vi bạo lực gia đình.
"Tôi lướt ngang xem thì chắc chưa đủ đâu, còn nhiều lắm. Nhiều dạng khó nói được. Ví dụ hành vi bạo lực tinh thần. Hai vợ chồng không có con vì lý do nào đó, người chồng không ly hôn hay rời bỏ mà vẫn ở vợ, nhưng tối ngày đi nhậu với bạn để giải buồn, để vợ ở nhà, đó có phải hành vi bạo lực tinh thần không?", đại biểu Sinh nêu và cho rằng đây là vấn đề cần nghiên cứu để bổ sung.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phân tích, có những hành vi bạo lực biểu hiện cụ thể, nhận thấy rõ, tuy nhiên có những hành vi mà "chúng ta không nghĩ nó là hành vi nhưng lại gây ra khủng hoảng về tâm lý, tinh thần" thì đó cũng là bạo lực gia đình.
"Ví dụ khi về nhà chồng im lặng suốt không nói gì, hoặc là không chê vợ nhưng suốt ngày cứ khen hàng xóm chu đáo, xinh đẹp, giàu có hoặc là "giận cá chém thớt" tức là không hành động gì với người bị bạo hành cả nhưng cứ đánh chó, đánh mèo... lâu dài cũng làm cho thành viên bị tác động sẽ bị khủng hoảng về tâm lý", đại biểu Long An nêu.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội. |
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) nhận xét, tình trạng bạo lực gia đình đang gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Và thấy rằng nạn nhân khiến xã hội đau lòng nhất từ các vụ bạo lực gia đình chính là trẻ em. Trẻ em là tương lai của xã hội, được nuôi nấng trong gia đình và sau này sẽ trở thành những người công dân trong xã hội. Nếu có được một gia đình tốt, gia đình hạnh phúc thì sẽ có những con người hạnh phúc trong xã hội, có những công dân đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Từ những phân tích trên, đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu rõ, trẻ em có một tầm quan trọng đối với tương lai của xã hội, đất nước, vì vậy cần nhấn mạnh hơn nữa về bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong dự thảo luật, cần có quan điểm xuyên suốt là cần phải bảo vệ trẻ em hoặc vì quyền trẻ em, vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Để từ đó giải quyết được vấn đề liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng đây là một luật rất cần thiết để đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội hiện nay trong bối cảnh tình trạng bạo lực gia đình đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, luật đã có từ năm 2007 và cũng đưa ra nhiều giải pháp, nhưng làm sao để các quy định đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình mới là vấn đề quan trọng.
Để không dám và không thể thực hiện hành vi bạo lực gia đình
Nêu rõ mục tiêu lớn nhất khi sửa đổi luật lần này là làm rõ hơn nữa vấn đề phòng bạo lực gia đình hơn là chống, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: phòng là cơ bản, đi trước, chống phải cương quyết. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định rõ các giải pháp cho việc phòng ngừa bạo lực gia đình mà mới chỉ đề cập đến công tác thông tin tuyên truyền. Trong khi thực tế có nhiều cách để không dám và không thể thực hiện hành vi bạo lực gia đình. Để không thể thực hiện bạo lực gia đình đòi hỏi luật phải chặt chẽ; để không dám thì chế tài phải nghiêm. Chủ tịch Quốc hội lưu ý lần sửa đổi luật lần này cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa phòng và chống để khi luật ra đời tạo được sự chuyển biến căn bản về tình hình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ các nội dung nhằm tăng cường phòng ngừa bạo lực gia đình, đề cao vai trò, trách nhiệm của nhà trường và toàn xã hội; nhấn mạnh luật cần chặt chẽ, bám sát thực tiễn sinh động của cuộc sống để khi ban hành tạo được sự chuyển biến thực chất.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng bên cạnh việc xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, huy động các nguồn lực trong nước hư xây dựng nhà an toàn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình… là rất cần thiết để duy trì các thành quả hiện có cũng như nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Song cũng cần có các quy định để nâng cao trách nhiệm của các địa phương và thu hút sự tham gia, đóng góp của xã hội, cộng đồng và cá nhân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó thể hiện rõ mối quan hệ giữa gia định với nhà trường, các tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các hội, liên hiệp hội liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình. Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, trên thực tế có nhiều vụ việc phức tạp nghiêm trọng về bạo lực gia đình được phát hiện chủ yếu nhờ các cơ quan thông tấn báo chí, trong khi đó vai trò của các thiết chế trong hệ thống chính trị lại chưa nổi bật rõ ràng.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận quy định về các hành vi bạo lực gia đình trong dự thảo luật lần này đã có sự thay đổi nhiều so với các dự thảo trước, theo đó nhiều hành vi bạo lực gia đình đã được bổ sung, cập nhật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan như người trong gia đình ép buộc học tập quá mức gây trầm cảm dẫn đến phản ứng tiêu cực. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề ngoài bạo lực thể chất còn bạo lực tinh thần, hay ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi… là những vấn đề cần được nghiên cứu. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào trong luật các loại hành vi bạo lực gia đình, tránh bỏ sót hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp.