Người thân trong gia đình gây ra hơn 70% vụ bạo hành trẻ em
Theo Cục Trẻ em, năm 2021, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận trên 500.000 cuộc gọi, tăng gần 100.000 cuộc so với năm 2020; tư vấn trên 35.000 ca, tăng 20% so với năm 2020.
Năm 2021, số vụ xâm hại trẻ em giảm 1,6% nhưng diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ảnh minh họa: Internet |
Báo cáo của Tổng đài 111 cho biết, trong năm 2021, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 72,84%, tăng 5,3% so với năm 2020.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2021, trên toàn quốc phát hiện xảy ra 1.914 vụ xâm hại trẻ em, với 2.198 đối tượng, xâm hại 1.987 em, giảm 31 vụ so với năm 2020, song tại 19 tỉnh số vụ lại tăng trên 15% số vụ và 15 tỉnh, thành phố số vụ tăng dưới 15%.
Ở cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vụ việc trẻ em xâm hại, trẻ em cần hỗ trợ, can thiệp. Riêng TP Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố có số vụ trẻ em cần hỗ trợ, can thiệp cao nhất cả nước.
Các dịch vụ hỗ trợ, trợ giúp tâm lý chiếm tỷ lệ cao nhất (41,45%), thứ hai là trợ giúp pháp lý (37,23%) và các hỗ trợ khác như tài chính, trợ giúp xã hội, trợ giúp y tế, trợ giúp giáo dục...
Cục Trẻ em đánh giá, tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 dù giảm 1,6% số vụ xâm hại nhưng diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em, đặc biệt là việc phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức, để xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm tọng gây bức xúc trong xã hội như vụ mẹ đẻ bạo hành con gái 6 tuổi ở Hải Dương; vụ bé gái 8 tuổi bị người tình của bố bạo lực ở TP.HCM dẫn tới tử vong; vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị cha dượng bạo hành, đóng đinh vào đầu; vụ người bố dùng dao cứa cổ 2 con...
Cũng theo Cục Trẻ em, việc thông tin, thông báo, tố giác các trường hợp trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại thực hiện chưa tốt, vẫn còn một bộ phân dân cư thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, thờ ơ, vô cảm, không thông tin, thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ trẻ em. Việc phối hợp cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em còn lúng túng, chưa kịp thời; mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em một số nơi, một số thời điểm bị gián đoạn, ảnh hưởng đến cung cấp, kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em và gia đình các em.
Thiếu kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, giáo dục, bảo vệ trẻ em
Sự xuống cấp về đạo đức, chệch hướng chuẩn mức đạo đức của một nhóm xã hội và gia đình là một trong những nguyên nhân sâu xa được Cục Trẻ em chỉ ra.
Bên cạnh đó, xuất hiện các vấn đề bất ổn về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trong một bộ phận người dân nhưng chưa được phòng ngừa, phát hiện và chăm sóc kịp thời do thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, giáo dục, bảo vệ trẻ em của cha mẹ và các thành viên gia đình, cộng đồng vẫn còn thiếu hụt; quan điểm dạy con bằng xử phạt, đòn roi chưa được điều chỉnh; việc phát hiện nguy cơ, thông tin, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em vẫn còn hạn chế.
Cục Trẻ em cũng chỉ ra trách nhiệm của phía các cơ quan, tổ chức. Theo đó, công tác chỉ đạo về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đầu tư nguồn lực cho công tác trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại một số địa phương, trường học, cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mức.
Việc hướng dẫn kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, tăng cường phòng chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa trong gia đình và cho thanh thiếu niên, học sinh chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đẩy mạnh, chưa hiệu quả.
Năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về thực hiện quyền trẻ em ở nhiều địa phương thiếu và yếu, nhất là cấp cơ sở chưa thực sự chủ động trong tham mưu, đề xuất thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hướng dẫn gia đình, cộng đồng kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn. Đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp chưa định hình nên vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc thực thi pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em.
Nguồn lực nhà nước dành cho công tác bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021-2025 có xu hướng giảm do lĩnh vực an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực trẻ em không được đưa vào các Chương trình mục tiêu quốc gia. Một số chương trình, đề án về trẻ em chưa được bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư đúng mức.
Bên cạnh đó, có nguyên nhân khách quan là đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, xã hội, trong đó có vấn đề thực hiện quyền trẻ em, làm gia tăng nguy cơ trẻ em bị xâm hại, đặt ra nhiều vấn đề, yêu cầu mới phức tạp hơn đối với công tác bảo vệ trẻ em, việc triển khai các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch trong thời gian dài ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về trẻ em (nâng cao năng lực, các nghiên cứu điều tra, khảo sát cần thực hiện tại địa phương; hoạt động kiểm tra, thanh tra liên ngành...).
Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Vũ Thị Kim Hoa, 100% đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và các vụ việc do báo chí phản ánh có liên quan đến xâm hại trẻ em đều được Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ, can thiệp hoặc hướng dẫn, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đối với vụ việc phức tạp, Bộ chủ động có văn bản, trực tiếp hướng dẫn, đôn đốc địa phương nơi xảy ra vụ việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xác minh, có biện pháp hỗ trợ, can thiệp, kịp thời bảo vệ an toàn cho trẻ em là nạn nhân, đồng thời phối hợp với cơ quan công an trong việc điều tra, xử lý hành vi xâm hại trẻ em. |