Cựu binh Paul Cox - người mang sự thật về cuộc chiến thảm khốc tại Việt Nam cho người dân Mỹ
Paul Cox (giữa) tại lễ trao Kỷ niệm chương Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc. Ảnh: P.Y |
Hành trình thức tỉnh
Năm 1969, Paul Cox quyết định nhập ngũ bởi đó là "cứu cánh" duy nhất trong khi mất phương hướng sau khi rời Đại học. Tham chiến tại Việt Nam chỉ để thỏa nguyện khát khao được "khoác lên mình bộ quân phục thật "ngầu", sát cánh với những người tài giỏi nhất".
Tới Việt Nam, Paul Cox chính thức gia nhập lực lượng lính thủy đánh bộ đóng quân ở tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam. Hành trình của một "chiến sĩ bảo vệ tự do" (theo những gì chính phủ Mỹ vẫn tuyên truyền) chính thức bắt đầu.
Nhiều lính Mỹ giống như Paul Cox đã sớm "vỡ mộng" sau khi tới Việt Nam. Ảnh minh họa: CNN |
Thế nhưng Paul đã sớm "vỡ mộng", khi nhận ra bản chất của cuộc chiến... Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng chuỗi ký ức đen tối vẫn bủa vây tâm trí Paul. Mỹ tuyên bố đưa quân tới Việt Nam để giải phóng, cứu giúp người dân, nhưng thực tế, những gì mà Paul và đồng đội làm là "xua đuổi dân lành ra khỏi thôn làng, đốt phá nhà cửa, giết hại gia súc, đổ chất độc xuống giếng nước…”
“Trong một căn nhà tranh, tôi trông thấy một bà cụ đang hấp hối vì trúng đạn, bước sang ngôi nhà thứ hai, là một đám trẻ nhỏ, một người phụ nữ và hai ông bà già cũng chịu chung số phận…” Paul nhớ về một vụ thảm sát xảy ra vào năm 1969 mà ông đã chứng kiến, "nhỏ hơn về quy mô, song mức độ dã man thì không kém thảm sát Mỹ Lai".
Trải nghiệm gây sốc này đã khiến Paul bàng hoàng nhận ra mình đã quá ngu dại khi dấn thân vào cuộc chiến tại Việt Nam.
Rất nhiều năm sau này, Paul vẫn không thể thoát khỏi sự dằn vặt, ân hận vì: “Dù không đủ sức ngăn chặn thảm kịch đó, nhưng lẽ ra tôi đã có thể lựa chọn lên tiếng, thay vì im lặng. Đáng lẽ, tôi phải nhìn thẳng vào mắt chỉ huy của mình và hét lên “Các anh đang làm trò khốn nạn gì vậy?”
Sự bất lực, uất ức và hổ thẹn dồn nén đó đã khiến Paul lựa chọn đứng về hòa bình, về Việt Nam trong suốt phần đời còn lại.
50 năm phá tan sự im lặng
Trở về Mỹ vào năm 1972, Paul Cox và đồng đội đã cùng nhau bí mật xuất bản một tờ báo mang tên RAGE (Cơn thịnh nộ). Trong ấn phẩm này, những người lính yêu hòa bình đã phơi bày chân tướng về cuộc chiến thảm khốc tại Việt Nam cho người dân Mỹ, nhất là những thanh niên trẻ, lực lượng tiềm năng tham chiến.
Những năm sau đó, Paul hăng hái tham gia vào đội ngũ cựu binh phản đối sự can thiệp của Mỹ vào các nước Trung Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông, ngăn chặn sự lặp lại của những thảm kịch tương tự Việt Nam. Trong thập niên 1980, Paul Cox đã đến nói chuyện tại hàng trăm trường học về những trải nghiệm sai lầm khi tham chiến ở Việt Nam, cảnh tỉnh lớp trẻ không đi theo "vết xe đổ" của mình.
Sau chiến tranh, Paul cất công trở lại Việt Nam nhiều lần, trực tiếp tham gia những chuyến đi tìm hiểu về hậu quả của chất độc da cam và vật liệu nổ sót lại, gặp gỡ các nhà lãnh đạo, cơ quan chức năng và nạn nhân chất độc da cam để tìm giải pháp đương đầu với "bóng đen" hậu chiến.
Paul Cox gặp gỡ một cựu chiến binh Việt Nam tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Báo Quảng Ngãi |
Từ năm 2005, Paul Cox bắt đầu làm việc với chương trình Trách nhiệm và Giảm thiểu đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAORRC), duy trì hợp tác chặt chẽ với Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) để ủng hộ vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp thuốc diệt cỏ, trong đó có chất độc da cam sử dụng ở Việt Nam.
Khi vụ kiện thất bại, Paul tiếp tục cùng VAORRC vạch ra hướng đi mới: biên soạn một bộ tài liệu lập pháp dưới sự hỗ trợ của nữ nghị sĩ tiến bộ Barbara Lee, liên quan tới tẩy sạch ô nhiễm da cam, hỗ trợ các nạn nhân da cam.
Là một thành viên trong Hội đồng quản trị tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình (VFP) chi nhánh 160, Paul đã tham gia tổ chức nhiều chuyến tham quan giáo dục tới Việt Nam, để những người cựu binh, người dân Mỹ có cái nhìn đúng đắn về chiến tranh Việt Nam cũng như nỗi đau nó để lại tại đây.
Cuộc hội ngộ không tưởng
Đầu tháng 9/2019, Paul Cox trở lại Việt Nam với tư cách là trưởng nhóm Cựu chiến binh vì Hòa bình (VFP), chi nhánh 160, và vinh dự được nhận Kỷ niệm chương Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc. Đây là lần thứ 5 Paul đến Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh chấm dứt. Trong những chuyến đi như thế, đã có những cuộc hội ngộ cảm động không tưởng.
“Nếu gặp mặt nhau vào ngày đó, chúng tôi chắc chắn sẽ chĩa súng vào nhau, nói chuyện qua làn đạn...”, cựu binh Nguyễn Thế Dũng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Quân y tại mặt trận Quảng Trị nói. Đây là lần thứ hai cựu binh Việt Nam 76 tuổi và Paul Cox gặp nhau.
Paul Cox (trái) và cựu chiến binh Nguyễn Thế Dũng trong cuộc hội ngộ lần thứ 2. Ảnh: P.Y |
Ngày 9/9 vừa qua, cựu binh Paul Cox và cựu binh Nguyễn Thế Dũng tái ngộ tại buổi giao lưu cựu chiến binh hai nước do Hội Việt - Mỹ (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) tổ chức. Lần này, người cựu chiến binh Việt Nam mang theo một món quà nhỏ: bức ảnh chụp hai người trong lần đầu gặp gỡ (tháng 3/2018), và trân trọng trao nó cho Paul Cox.
Ông Nguyễn Thế Dũng tâm sự: Gần 50 năm trước ông bị thương nặng trên chiến trường Quảng Trị, cánh tay phải và chân phải gãy nát do đạn bom Mỹ. Những cái bắt tay, những nụ cười cựu binh hai phía trao nhau là điều ông không thể tưởng tượng ra ngày ấy.
“Tháng 3/2018 tôi và Paul đã gặp nhau trong một buổi giao lưu cựu chiến binh hai nước. Được nghe những lời tâm sự chân thành về sự hối hận, sẻ chia với người Việt Nam của các cựu binh Mỹ như Paul, những nỗi niềm trĩu nặng trong lòng tôi vợi đi rất nhiều...Trước kia ở hai chiến tuyến, giờ chúng tôi đã là hai người bạn...” ông Nguyễn Thế Dũng chia sẻ.
Thêm một lần gặp mặt, họ lại cùng nhau chụp chung một bức ảnh kỷ niệm, và cùng mong mỏi: Năm sau, năm sau nữa sẽ lại có dịp hội ngộ!
Cũng giống như những vùng đất từng bị tàn phá bởi chiến tranh đang hồi sinh bằng màu xanh cây lá, lòng can đảm, sự bao dung và tình yêu hòa bình đang chữa lành những vết thương của cựu binh hai phía...
Khánh thành trụ sở Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam tại Vientiane Sau hơn 1 năm xây dựng, tòa nhà trụ sở mới của Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam đã chính thức khánh thành vào ngày ... |
Hội Hữu nghị Việt Nam - Ukraine đến Kiev, bắt đầu chuyến thăm Ukraine Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam - Ukraine tối 5/9 đã khởi hành từ Hà Nội đến thủ đô Kiev, bắt đầu chuyến ... |
Đoàn kết quốc tế cần chủ động và tích cực Đoàn kết quốc tế là tâm nguyện của Bác Hồ. Người đã căn dặn hậu thế trong di chúc của mình. Thực hiện sứ mệnh ... |