Cuộc cạnh tranh mới của Mỹ - Trung ở Biển Đông
Mỹ lên án Trung Quốc lập "đế chế hàng hải" ở Biển Đông |
Biển Đông không chỉ có Mỹ - Trung |
Oanh tạc cơ B-1 Lancer (trên) và máy bay chiến đấu JH-7 ẢNH: PACOM - CHINAMIL.COM.CN |
Tăng cường máy bay chiến đấu ở Biển Đông
Hôm qua (24.7, theo giờ Việt Nam), website của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Mỹ) đưa tin 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer thuộc không quân nước này ngày 21.7 đã cất cánh từ đảo Guam để thực hiện sứ mệnh hoạt động ở Biển Đông.
Trước đó, đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) thông báo "Một lữ đoàn không quân hải quân trang bị cường kích JH-7 thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam, đóng quân tại đảo Hải Nam, đã diễn tập bắn đạn thật nhằm vào mục tiêu trên biển hôm 15-16/7". Cuộc diễn tập có nội dung tấn công mục tiêu trên biển và triển khai chiến đấu cơ đến một đảo ở Biển Đông trong lúc chiến đấu cơ và chiến hạm Mỹ tập trận ở khu vực. Tuy nhiên, bản tin trên không nói các chiến đấu cơ JH-7 đến nơi nào ở Biển Đông.
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng cuộc diễn tập chống hạm bằng máy bay này là động thái đáp trả các đợt diễn tập hiệp đồng của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan trên Biển Đông hồi đầu tháng 7.
Trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định sau các diễn biến trên mặt biển, Mỹ - Trung dường như đang cạnh tranh cả trên không.
Cụ thể hơn, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson) nhận định sự hiện diện của máy bay tiêm kích J-11B tại đảo Phú Lâm và thông tin máy bay tiêm kích - ném bom JH-7 tập trận, thể hiện khả năng sức mạnh tấn công của Trung Quốc nhằm vào tàu chiến Mỹ đang được triển khai ở Biển Đông.
Tương tự, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng: “Xét về khía cạnh chính trị, việc Trung Quốc điều động máy bay JH-7 tập trận mang thông điệp Bắc Kinh đang củng cố khả năng triển khai chiến đấu cơ xuất kích từ đảo Hải Nam để tấn công các tàu chiến ở các vùng biển lân cận. Kết hợp cùng với hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì có lẽ Bắc Kinh sẽ nỗ lực phát triển khả năng tác chiến của không quân tại đây”.
Ở một diễn biến khác, thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ sáng 17-7 (giờ VN) cho biết sau nhiều ngày hoạt động trên Ấn Độ Dương, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã tiến vào Biển Đông và đang tiến hành "diễn tập chất lượng cao", bao gồm hiệp đồng với nhóm tàu sân bay USS Nimitz.
Hải quân Mỹ nhấn mạnh việc triển khai nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan (bao gồm 2 tàu tuần dương và khu trục khác) là một nỗ lực của Mỹ nhằm "hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở".
Theo Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tiếp tục sử dụng tổng cộng 12.000 thủy thủ, lính thủy đánh bộ và hơn 120 máy bay để tiến hành các cuộc tập trận phòng không chiến thuật, nhằm duy trì khả năng sẵn sàng tác chiến.
Bên cạnh đó, Mỹ sẽ triển khai hai đơn vị đặc nhiệm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2021.
Trong động thái đáng chú ý gần như cùng lúc, giới quan sát cho rằng Trung Quốc đã đưa ít nhiều máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Tạp chí Forbes (Mỹ) dẫn ảnh vệ tinh chụp ngày 15-7 cho thấy có ít nhất 4 tiêm kích Trung Quốc tại Phú Lâm.
Tạm thời chưa rõ số lượng tiêm kích thực sự là bao nhiêu, trong khi giới quan sát nói rằng nhóm tiêm kích này bao gồm J-11, loại từng xuất hiện ở Phú Lâm.
Theo ông Nagao, so sánh tương quan và chỉ bàn đến sức mạnh chiến đấu cơ hiện đại gồm thế hệ 4 và 5, thì Trung Quốc có khoảng 1.300 máy bay. Còn Mỹ ở khu vực thì với 3 tàu sân bay ở Thái Bình Dương mang theo khoảng 150 máy bay tiêm kích F/A-18, và tàu tấn công đổ bộ chở 7 chiếc F-35. Tính thêm 130 máy bay chiến đấu mà Mỹ đang triển khai ở các căn cứ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam, Washington có tổng số khoảng 300 máy bay chiến đấu có thể nhanh chóng hiện diện ở Biển Đông.
“Nên xét về tương quan 2 bên thì Trung Quốc có ưu thế trong ngắn hạn. Nhưng ưu thế này của Bắc Kinh cũng có thể mất đi nếu các bên trong khu vực ủng hộ Washington. Cụ thể hơn, Mỹ có những đồng minh và đối tác trong khu vực như Nhật Bản (có khoảng 300 máy bay chiến đấu), Úc (có khoảng 100 máy bay chiến đấu) và Ấn Độ (có khoảng 600 máy bay chiến đấu)… Không những vậy, Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền với Tokyo ở biển Hoa Đông, với New Delhi ở biên giới Ấn - Trung. Nên thực tế, Trung Quốc cũng phải dàn trải sức mạnh không quân ra nhiều hướng”, TS Nagao phân tích và cho rằng: “Toàn bộ lực lượng không quân của Mỹ có đến khoảng 3.000 chiến đấu cơ, nên xét về dài hạn thì Trung Quốc khó có thể so bì, nhất là khi Washington có thể điều động các oanh tạc cơ từ bên kia Thái Bình Dương để hướng về Bắc Kinh như những lần triển khai gần đây”.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ diễn tập trên Biển Đông hôm 6/7. Ảnh: US Navy. |
Dè chừng tránh xung đột quân sự
Biển Đông là một trong những biển giá trị nhất thế giới. Mỗi năm, 1/3 hoạt động vận tải hàng hải toàn cầu đi qua đây, với lượng hàng hóa thương mại trị giá hơn 3.000 tỷ USD. Các ngư trường phong phú cùng tiềm năng cực lớn về dầu khí là một trong nhiều lý do khiến nơi đây trở thành một trong những khu vực bị tranh chấp nặng nề nhất thế giới.
Hải quân Mỹ với các căn cứ ở Nhật Bản, Philippines, và Guam, thống trị nhiều nơi ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc đã cố gắng trong thời gian dài chống lại ảnh hưởng này bằng chiếm đóng (trái phép) nhiều đảo ở Biển Đông hoặc tự tạo ra (trái phép) các đảo nhân tạo, sử dụng các yêu sách lịch sử (phi pháp) đối với khoảng 90% Biển Đông.
Hải quân Mỹ thường xuyên thực hiện các hoạt động tự do hàng hải qua các khu vực mà Trung Quốc cố kiểm soát, khiến lực lượng hải quân 2 bên nhiều khi ở rất sát nhau. Chính quyền Mỹ đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc sau khi Ngoại trưởng Mỹ vào hôm 13/7/2020 ra thông cáo bác bỏ hầu hết các yêu sách của Bắc Kinh đối với Biển Đông, đồng thời tuyên bố rằng Mỹ sẽ “không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế của mình trên biển”.
Về mặt địa lý, Trung Quốc có lợi thế so với Mỹ do ở gần Biển Đông hơn. Tuy nhiên, nếu xung đột quân sự kéo dài thì lợi thế lại nghiêng về Mỹ, vì Trung Quốc ở gần nơi xung đột nên sẽ bị thiệt hại nhiều hơn.
Phân tích về tương quan hai bên, cựu đại tá Schuster đánh giá: “Xét về so sánh chiến lược thì Trung Quốc chiếm ưu thế khi có lực lượng đồn trú thường trực, nhưng lại có nhược điểm là hạ tầng ở Hoàng Sa và Trường Sa chưa đủ sức hỗ trợ lâu dài. Trong khi đó, Mỹ có thể phát huy ưu thế từ tàu sân bay có tính cơ động cao, đồng thời có thể tận dụng hạ tầng của các đồng minh trong khu vực mà điển hình là Philippines”.
“Thời gian qua, tàu chiến Mỹ thường xuyên viếng thăm các đối tác trong khu vực, nhưng sẽ càng có ý nghĩa hơn khi máy bay chiến đấu Mỹ cũng có hoạt động tương tự. Với cách này, Washington sẽ gửi thông điệp có sức mạnh lớn hơn khi thể hiện ưu thế cả trên biển lẫn trên không”, ông Schuster đề xuất.
Michael Auslin, một nhà nghiên cứu tại Viện Hoover (Đại học Stanford) ở California (Mỹ) cho biết, cả Mỹ và Trung Quốc đều dè chừng về nguy cơ leo thang xung đột quân sự vượt ngoài kiểm soát, có thể dính đến vũ khí hạt nhân.
Mỹ cấp tập điều tàu sân bay hoạt động ở Biển Đông Tàu sân bay USS Ronald Reagan đã tiến vào Biển Đông, bắt đầu tập trận từ ngày 17-7. Đây là lần tập trận thứ 2 ... |
Cuộc gọi điện của ông Tập gửi thông điệp cảnh báo chuyện Biển Đông Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gọi điện chúc mừng Thủ tướng Lý Hiển Long tái đắc cử đúng một ngày sau khi Washington bác ... |
Đối đầu Mỹ - Trung trên Biển Đông các nước ASEAN được gì Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7 đưa ra tuyên bố bao gồm 5 nội dung cơ bản bác bỏ hầu hết các yêu sách phi ... |