Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng doanh nghiệp viết nên câu chuyện thành công
Tọa đàm thu hút sự tham dự của khoảng 100 Đại sứ/Trưởng các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, 300 chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam.
Tại tọa đàm, các đại biểu chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập; đề xuất các giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư, tận dụng các xu hướng mới, mở ra các ngành, lĩnh vực mới. Các doanh nghiệp và các Đại sứ/Trưởng Cơ quan đại diện cũng trao đổi trực tiếp nhằm đưa ra những kiến nghị, đặt hàng cụ thể, thực chất...
Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm. (Ảnh: Thế giới & Việt Nam) |
"Đặt hàng" từ doanh nghiệp
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết, trong suốt 10 năm đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn, các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là chỗ dựa và luôn hỗ trợ rất lớn cho FPT.
Ông gửi gắm mong muốn: "Chính phủ hãy coi người dân, doanh nghiệp là khách hàng của mình, bởi vì chúng tôi đóng thuế cho Chính phủ. Chúng tôi cũng mong Bộ Ngoại giao coi doanh nghiệp là khách hàng, bởi tôi tin khi đã xem doanh nghiệp là khách hàng, lãnh đạo bộ sẽ có KPI cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài". Ông cũng đề nghị các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài có thể chia sẻ thêm thông tin sâu sát hơn về văn hóa, quy định sở tại với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng ban Điện và Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thu hút được nguồn vốn từ bên ngoài, đặc biệt là các đối tác có nền khoa học phát triển như các nước G7.
Ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 kiến nghị các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giúp đưa mô hình của các doanh nghiệp nước ngoài về nước; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo chuyên đề; tìm hiểu thông tin về khách hàng lớn để tư vấn cho doanh nghiệp trong nước.
Còn ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các Cơ quan đại diện cần có dữ liệu phù hợp để giúp các doanh nghiệp nắm được tình hình, thông tin về thị trường, hiểu về thị trường. Các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ các Đại sứ để tìm kiếm các đối tác đủ lớn, vận động bên lề để giúp gỡ các rào cản thương mại áp đặt với sản phẩm Việt Nam.
Hiện ngành thủy sản Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hơn thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông. Do đó Hiệp hội mong nhận được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao để có các thông tin thị trường, giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030.
Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp
Chia sẻ về thị trường Trung Quốc, ông Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) nhận định về 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để doanh nghiệp Việt có thể chinh phục thị trường rộng lớn này.
Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp. (Ảnh: Thế giới & Việt Nam) |
Về thiên thời, hiện quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp, nhất là sau hai chuyến thăm tới nhau của hai Tổng Bí thư. Hai nước đều là thành viên của nhiều hiệp định như RCEP, Trung Quốc-ASEAN; sau 3 năm đại dịch hai nước đang mở rộng cửa và phục hồi mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu Trung Quốc chiếm tỷ lệ tương đối, là nhóm khách hàng chính sử dụng hàng Việt.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng coi trọng thi trường 100 triệu dân Việt Nam, hai bên đề cao việc xuất khẩu nông sản sang thị trường của nhau. Do đó Việt Nam có thế để đàm phán trao đổi ở vị thế ngang bằng với bạn.
Về địa lợi, đó là sự gần gũi về mặt địa lý giữa hai nước, điều này tạo thuận lợi cho vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Về nhân hòa, Trung Quốc và Việt Nam có sự tương đồng về văn hóa, trong khi thương mại nông sản 2 nước được lãnh đạo cấp cao 2 bên quan tâm thúc đẩy.
Tuy nhiên, thách thức cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào thị trường tỷ dân này cũng không nhỏ. Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính mà ngày càng hướng tới tiêu chuẩn cao, thương mại điện tử đang phát triển. Nông sản Trung Quốc ngày càng có chất lượng tốt, điều đó đòi hỏi Việt Nam cũng cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Tốc độ lưu thông hàng hóa đôi khi chưa được nhanh trong khi hai nước láng giềng.
Theo Đại sứ - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và EU Nguyễn Văn Thảo, trong thế giới ngày càng phát triển với xu thế xanh hóa, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, nếu doanh nghiệp không thích ứng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Trong khi đó, các đối tác có rất nhiều quy định, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu và thích ứng. Với nhiệm vụ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài luôn sẵn sàng đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các doanh nghiệp, địa phương nên chủ động tiếp cận các đối tác, tham gia các diễn đàn, hội thảo, hội chợ để tìm hiểu đối tác về năng lực, nhu cầu của họ. Các doanh nghiệp cũng cần phải thực tế, soi vào điều kiện của mình để nhận ra mình có gì, thiếu gì để khắc phục. Các bộ ngành sẽ phối hợp với nhau, phối hợp với địa phương để tháo gỡ vướng mắc.
Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tin tưởng với sự chủ động, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các bộ, ngành, đặc biệt là qua kết quả của tọa đàm, ngành ngoại giao và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những định hướng cụ thể để đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế. Qua đó góp phần giúp các doanh nghiệp “biến nguy thành cơ”, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng hiệu quả cơ hội để không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và thế giới, tiếp tục viết nên nhiều câu chuyện thành công trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.