Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là ưu tiên cao
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vừa được bổ nhiệm, nhiệm kỳ 2023-2026, chiều 16/3. |
Tham dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 16 Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vừa được bổ nhiệm.
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu thay mặt đoàn báo cáo với Thủ tướng chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ. Đại diện một số Trưởng cơ quan đại diện đã có các ý kiến, kiến nghị với Thủ tướng.
Sau khi lắng nghe báo cáo, ý kiến, kiến nghị từ đoàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ngành Ngoại giao luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Ngành Ngoại giao đã trưởng thành, lớn mạnh rất nhanh, luôn có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho các trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. |
Thủ tướng đề nghị các Trưởng cơ quan đại diện phát huy truyền thống của ngành, truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, đất nước nỗ lực hóa giải khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước giao phó.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, mỗi Cơ quan đại diện phải luôn quán triệt sâu sắc và triển khai tốt các nhiệm vụ, định hướng lớn của công tác đối ngoại đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất (tháng 12/2021) và mới đây là Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9/1/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, các Cơ quan đại diện cần nắm vững các định hướng lớn trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hoàn cảnh nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi. Với quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển, Việt Nam không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.
Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; tăng cường, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu chiến lược; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đất nước, của công dân.
Nhắc lại quan điểm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc: "Phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm" của công tác đối ngoại, Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi Trưởng cơ quan đại diện cần xác định ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, góp phần vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả là một ưu tiên cao trong nhiệm kỳ công tác của mình.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các Trưởng cơ quan đại diện cần tập trung làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác; củng cố hơn nữa sự tin cậy, chân thành; tăng cường hơn nữa sự gắn kết lợi ích thực chất. Trong đó, cần xác định được trọng tâm hợp tác đối với từng đối tác.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần quán triệt sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, trong đó có chủ quyền biển đảo, góp phần triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 của Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, là nhiệm vụ trọng yếu của mỗi cơ quan đại diện. Trong đó, vận động, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với lợi ích chính đáng và lập trường chính nghĩa của đất nước.
Về công tác bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác ngoại giao văn hóa, Thủ tướng nêu rõ, cần phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng, tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Trong đó, các cơ quan đại diện cần dành sự quan tâm thích đáng, làm tốt hơn nữa công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, trên tinh thần trách nhiệm, tình cảm, xem bà con như người nhà, ruột thịt của mình, để đồng bào, kiều bào thực sự hướng về, sẻ chia, đóng góp cho quê hương, đất nước, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng yêu cầu các Trưởng cơ quan đại diện cần nêu gương cho các cán bộ, nhân viên về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp và nhất là phải kiên định, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; hết sức quan tâm công việc và đời sống của cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện; chú trọng đào tạo và rèn luyện cán bộ, nhân viên có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và tuyệt đối trung thành với Tổ quốc.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách với các cơ quan đại diện và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, từ đó, hoàn thành tốt nhất các trọng trách của mình.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thay mặt các trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vừa mới được bổ nhiệm tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. |
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, các Trưởng cơ quan đại diện mới được bổ nhiệm luôn quán triệt sâu sắc và triển khai tốt các nhiệm vụ, định hướng lớn của công tác đối ngoại đã được Đảng nêu rõ. Đặc biệt là quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc là “phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm” của công tác đối ngoại.
Đồng thời, các Trưởng cơ quan sẽ tập trung phát triển các hoạt động ngoại giao ở tất cả các mặt, trong đó lấy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là trọng tâm; chú trọng đẩy mạnh công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh quốc gia bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú…
Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định, các Cơ quan đại diện Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc tinh thần nâng cao bản lĩnh chính trị, đoàn kết nội bộ; phát huy truyền thống của ngành Ngoại giao, đồng thời giữ liên hệ chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong nước để từ đó kịp thời phối hợp, đóng góp tốt nhất cho công cuộc đối ngoại của đất nước.
Nghệ An chú trọng ngoại giao kinh tế trong năm 2023 Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tranh thủ ngoại lực và điều kiện quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh. Đây là một trong những nội dung Chương trình số 113/CTr-UBND về hoạt động đối ngoại của tỉnh Nghệ An trong năm 2023 vừa được tỉnh ban hành. |
Thủ tướng: Tranh thủ xu hướng thời đại đẩy mạnh ngoại giao kinh tế Chiều tối 9/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế và những trọng tâm ngoại giao kinh tế năm 2023. |