Cần tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, đấu thầu cơ sở vật chất cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Đây là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Phiên giải trình "Việc thực hiện các quy định của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài và các văn bản pháp luật liên quan trong việc bảo đảm cơ sở vật chất cho cơ quan đại diện và chế độ cho cán bộ công tác tại cơ quan đại diện" do Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức vào ngày 13/10 tại Hà Nội.
Thảo luận tại Phiên giải trình, các đại biểu cũng cho rằng cần được nâng lên phù hợp với thực tế và mặt bằng chung các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, thủ tục liên quan đến đầu tư, mua sắm, đấu thầu cơ sở vật chất giữa trong nước và nước sở tại còn chênh lệch nên cần có cơ chế chính sách đặc thù liên quan đến đầu tư, mua sắm, đấu thầu cơ sở vật chất để bảo đảm đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời. Một số đại biểu đề nghị, Bộ Ngoại giao đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những cơ chế đặc thù trong đầu tư, mua sắm, đấu thầu cơ sở vật chất cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Phiên giải trình nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các quy định của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong việc bảo đảm cơ sở vật chất cho cơ quan đại diện và chế độ cho cán bộ công tác tại cơ quan đại diện. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan đại diện thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.
Phiên giải trình "Việc thực hiện các quy định của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài và các văn bản pháp luật liên quan trong việc bảo đảm cơ sở vật chất cho cơ quan đại diện và chế độ cho cán bộ công tác tại cơ quan đại diện". (Ảnh: quochoi.vn) |
Phát biểu tại Phiên giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết: Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài được Quốc hội ban hành năm 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam tại quốc gia và tổ chức quốc tế tiếp nhận. Nhìn chung việc bảo đảm cơ sở vật chất và chế độ cho cán bộ công tác tại cơ quan đại diện đã được triển khai tương đối đồng bộ, toàn diện, tạo điều kiện cho các cơ quan hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Theo Bộ Ngoại giao, đến nay mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được duy trì tại 69 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm 94 cơ quan đại diện, trong đó có 67 Đại sứ quán, 22 Tổng Lãnh sự quán, 4 Phái đoàn đại diện thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế và 01 Văn phòng. Đội ngũ cán bộ bao gồm 1.200 biên chế cán bộ, nhân viên ngoại giao từ 16 bộ, ngành, cơ quan liên quan cùng khoảng 2.300 phu quân, phu nhân và con chưa thành niên đi theo. Độ tuổi bình quân của cán bộ hiện tại là 43 tuổi, trong đó tỉ lệ nam chiếm 55%, tỉ lệ nữ chiếm 45%. |
Tuy nhiên, các báo cáo bằng văn bản và kết quả giám sát, khảo sát thực tế cho thấy, cơ sở vật chất của cơ quan đại điện tại một số địa bàn và chế độ cho cán bộ công công tác tại cơ quan đại diện còn khó khăn, vướng mắc.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực liên tục biến động nhanh chóng, phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, áp lực công việc ngày càng lớn, thực trạng cơ sở vật chất tại cơ quan đại viện và chế độ đãi ngộ đối với thành viên cơ quan đại diện đang xuất hiện một số bất cập cần được tháo gỡ.
Bộ Ngoại giao mong muốn cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội xem xét, có một số giải pháp đồng bộ về cơ chế, thể chế nhằm bảo đảm cơ sở vật chất cho cơ quan đại diện và chế độ cho cán bộ công tác tại cơ quan đại diện.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga Nguyễn Thanh Sơn phát biểu. (Ảnh: quochoi.vn) |
Kết luận Phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, Thường trực Ủy ban Đối ngoại sẽ đề nghị Quốc hội giao Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tiếp tục rà soát nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Trước mắt, Thường trực Ủy ban Đối ngoại sẽ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc xây dựng một Nghị quyết riêng hoặc đưa nội dung này vào dự thảo Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong vấn đề bảo đảm cơ sở vật chất và chế độ cho cán bộ của cơ quan đại diện.
Cùng với đó, Ủy ban Đối ngoại sẽ tiếp tục, tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các quy định và văn bản có liên quan; thúc đẩy các bộ, ngành liên quan nhằm phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện tốt Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Ông Tiến đề nghị, Bộ Ngoại giao tham mưu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 166/2017/NĐ-CP của Chính phủ; nghiên cứu mô hình quản lý mua sắm, sửa chữa, vận hành các cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất của cơ quan đại diện.