Cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò tại các diễn đàn đa phương
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ từ ngày 16/1/2024.
Các chuyên gia quốc tế nhận định: chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dịp để Việt Nam khẳng định đóng góp và vai trò tại các diễn đàn đa phương.
Ông Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam bày tỏ: thật ý nghĩa khi Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham gia tích cực vào Hội nghị WEF Davos năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF (thứ hai, từ trái sang) hồi tháng 6/2023. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Ông bày tỏ ấn tượng với bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thường niên lần thứ 14 các nhà lãnh đạo mới của WEF diễn ra từ ngày 27-29/6/2023 tại Thiên Tân, Trung Quốc. Theo đó, Thủ tướng đã đề cập, trước các "cơn gió ngược", cộng đồng quốc tế cần" có sự đoàn kết toàn cầu và chủ nghĩa đa phương cũng như cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm".
"Lãnh đạo Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin phát biểu tại Hội nghị WEF Davos 2024 lần này vì Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu và xứng đáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận cho những nỗ lực đó", ông Thomas Gass nói.
Theo Đại sứ, là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ổn định và hợp tác khu vực. Việt Nam cũng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới, trong đó có Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Việt Nam cũng đã thực hiện một số bước tiến quan trọng để giảm lượng khí thải carbon, với cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam đang nỗ lực tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, thông qua triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện biện pháp bảo vệ cộng đồng dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện an ninh năng lượng bằng cách đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Do vậy, diễn đàn năm nay sẽ mang đến cho Việt Nam một cơ hội tuyệt vời để thể hiện cam kết của mình với các giải pháp cụ thể và giành được sự ủng hộ của cộng đồng các nhà đầu tư cho những nỗ lực của mình, ông Thomas Gass nhấn mạnh.
Trao đổi với TTXVN, ông Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức và Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam ở Thụy Sĩ nhận định: Việt Nam có những đóng góp rõ rệt tại các diễn đàn đa phương thời gian qua.
Ông cho biết: “Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao, trong đó có nhiều đại diện doanh nghiệp, dự Hội nghị Thường niên của WEF tại Davos sắp tới là một cột mốc quan trọng. Hoạt động của đoàn sẽ là một thành công nữa trong chuỗi những sự kiện đối ngoại nổi bật của Việt Nam thời gian qua. Bằng những hoạt động như này, Việt Nam chứng tỏ cho bạn bè quốc tế thấy rằng mình là một quốc gia có thế mạnh trong các kế hoạch kinh tế định hướng tương lai, tập trung mạnh vào tăng trưởng bền vững và số hóa, trong tất cả các ngành từ thực phẩm, nông nghiệp, sản xuất đến các dịch vụ và giải pháp kỹ thuật số".
Ông Ivo Sieber, nguyên Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam kỳ vọng chuyến công tác sắp tới của đoàn đại biểu do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu sẽ là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong khi đó, ông Ewald Beivi, quan chức phụ trách quan hệ và phát triển kinh doanh tại Đại học Zurich, cho rằng hội nghị tại Davos là cơ hội để lãnh đạo các nước, cùng các tập đoàn và tổ chức gặp nhau, trao đổi quan điểm, xây dựng kế hoạch hành động.
“Hội nghị của WEF tại Davos là cơ hội rất lớn để Việt Nam có thể tìm kiếm những ý tưởng mới và tìm hiểu về những xu hướng mới. Điều quan trọng là cần phải tới đó để lắng nghe và kết nối. Có thể nói nếu không bắt kịp những xu hướng mới của thời đại, bạn sẽ gặp bất lợi trong quá trình cạnh tranh trên toàn cầu hiện nay”, ông nói.
Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên năm 2024 (WEF 2024) sẽ diễn ra từ ngày 15-19/1/2024, tại thị trấn nghỉ mát Davos nổi tiếng của Thụy Sỹ. Với chủ đề "Xây dựng lại niềm tin", WEF 2024 tập trung trao đổi và đề xuất các giải pháp đối với 4 nhóm vấn đề gồm: thúc đẩy an ninh và hợp tác cùng có lợi trong một thế giới phân mảnh; xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với kỷ nguyên mới; chiến lược dài hạn đối với khí hậu, tự nhiên và năng lượng; trí tuệ nhân tạo là động lực cho phát triển kinh tế và xã hội. WEF năm nay dự kiến quy tụ nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới tới đối thoại và họp bàn hợp tác, nhằm giải quyết nhiều vấn đề cấp bách toàn cầu, bao gồm tăng trưởng kinh tế, hành động về khí hậu và thiên nhiên, an ninh năng lượng, quản trị công nghệ và phát triển con người. Theo công bố, WEF 2024 đã nhận được khẳng định tham dự của khoảng 3.000 đại biểu, trong đó gồm 70 nhà lãnh đạo quốc gia, 250 bộ trưởng, 2.500 lãnh đạo các tập đoàn, các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia, học giả uy tín. |