Chuyên gia châu Âu đánh giá tích cực về quan hệ EU-ASEAN
Truyền thông Mỹ đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam Mới đây, trang Seeking Alpha (Mỹ) đã đăng bài viết cho rằng Việt Nam có triển vọng kinh tế vĩ mô tươi sáng với nhu cầu tiêu dùng nội địa mạnh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và duy trì thặng dư trong cán cân thương mại với các nước khác. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU và thăm Luxembourg, Hà Lan, Bỉ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU lần thứ 10 (Ảnh: Dương Giang/TTXVN). |
Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tiến hành Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ trong ngày 14/12 tại thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ.
Đây là một sự kiện chưa từng có của EU và ASEAN - hai dự án hội nhập khu vực thành công nhất trên thế giới.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Brussels, ông Pierre Gréga, Giám đốc Trung tâm Phát triển-Phục hồi-Hội nhập và An ninh (DRIS), nhấn mạnh mối quan hệ đầu tiên giữa ASEAN và EU (khi đó là Cộng đồng kinh tế châu Âu - EEC) bắt đầu vào đầu thập niên 1970. Năm 1980, một thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa hai tổ chức quốc tế này. Mối quan hệ hợp tác đã trở nên sâu sắc hơn từ kể từ Hội nghị cấp bộ trưởng EU-ASEAN lần thứ 16 vào năm 2007. Quan hệ hợp tác EU-ASEAN hiện bao gồm nhiều khía cạnh như thương mại, kinh tế, chính trị và văn hóa.
Theo ông Gréga, hội nghị cấp cao đầu tiên giữa lãnh đạo các nước EU và ASEAN nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ sẽ đưa ra một khuôn khổ chính trị cho quan hệ lâu đời giữa hai tổ chức đại diện của hai châu lục. Hội nghị cấp cao sẽ củng cố những định hướng của khuôn khổ chiến lược đã được thông qua vào năm 2020. Khuôn khổ này xác định mối quan hệ giữa hai tổ chức khu vực dựa trên các giá trị và nguyên tắc chung như một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, hiệu quả và chủ nghĩa đa phương bền vững, thương mại tự do và công bằng.
Ưu điểm của quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức khu vực này, theo ông Gréga là việc củng cố sự ổn định chính trị toàn cầu, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và từ đó thúc đẩy quan hệ thương mại.
Bên cạnh những thuận lợi, quan hệ EU-ASEAN cũng đang phải đối mặt với những thách thức là duy trì một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc chung và chủ nghĩa đa phương được tất cả các bên chấp nhận. Trong bối cảnh hiện nay, với những tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và áp dụng các quy tắc quốc tế được chấp nhận rộng rãi là một vấn đề và thách thức thiết yếu đối với sự ổn định trên thế giới và hòa bình.
Đề cập đến triển vọng hợp tác EU-ASEAN trong tương lai, ông Gréga nhận định viễn cảnh của quan hệ này rõ ràng là dựa trên việc tăng cường hợp tác hiện có, chẳng hạn như Hiệp định Vận tải Hàng không Toàn diện (ASEAN-EU CATA) được ký kết tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN lần thứ 28 diễn ra tại Bali hồi tháng 10 vừa qua, nhằm tăng cường kết nối giữa hai khu vực bằng cách hiện đại hóa các quy tắc và tiêu chuẩn áp dụng cho vận tải hàng không.
Tuy nhiên, theo ông Gréga, viễn cảnh chính của quan hệ EU-ASEAN là sự hỗ trợ việc chuyển đổi của tất cả các nước thành viên sang hướng phát triển ngày càng bền vững. Hợp tác EU-ASEAN, trong tương lai, sẽ thúc đẩy đầu tư của các nước thành viên vào sản xuất và tiêu dùng bền vững, kích thích nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là trong những hành động toàn cầu để bảo vệ môi trường, dựa trên vị trí địa lý, bằng cách giải quyết rác thải biển và ô nhiễm nhựa.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và EU, ông Pierre Gréga cho biết Việt Nam cần tận dụng quan hệ tốt đẹp với hầu hết các nước thành viên EU hiện nay để thúc đẩy sự hợp tác giữa ASEAN và EU, như khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020.
Sự năng động của nền kinh tế quốc gia, quan hệ thương mại chặt chẽ với các nước thành viên EU đã mang lại cho Việt Nam những luận cứ quan trọng để có được sự tham gia của cộng đồng quốc tế quanh những mục tiêu và thách thức được thúc đẩy bởi sự hợp tác liên khu vực này.