Chúng ta sẽ thua nếu cố gắng thay đổi bản thân theo xu hướng công nghệ
Mặt trái của mạng xã hội, chính là mặt phải của báo chính thống "Nội dung là Vua, nhưng công nghệ cũng là Nữ hoàng” Xử lý tin giả giống như... gỡ bom! |
Nhà báo Phạm Trung Tuyến. |
-Giữa sự thay đổi chóng mặt của báo chí 4.0 anh thấy mình và các đồng sự “buộc/nên” phải thay đổi thế nào?
Tôi nghĩ là nếu chúng ta cố gắng thay đổi bản thân mình theo các xu hướng công nghệ thì chúng ta sẽ luôn thua. Bởi chúng ta không thể thi tính nhẩm với một cái máy tính. Công nghệ báo chí càng thay đổi thì chúng ta càng nên hiểu đúng về bản chất của báo chí để bình tĩnh tận dụng các thành tựu công nghệ, các tác động của công nghệ đối với đời sống, để phục vụ công việc làm báo của mình. Nếu chúng ta chạy theo những bước tiến công nghệ với tâm thế lo sợ, đối phó, chúng ta sẽ rất nhanh hụt hơi.
Ngược lại, nếu chúng ta nhìn vào sự đổi thay của công nghệ để tìm các lợi thế cho nghề nghiệp của mình, cho những giá trị cốt lõi của báo chí, chúng ta sẽ tiến lên cùng với các bước tiến của công nghệ.
Tôi nghĩ bản chất của báo chí là một dịch vụ đáp ứng nhu cầu được biết của công chúng. Trước kia, công chúng nắm bắt tin tức qua báo chí, ngày nay không cần báo chí thì công chúng cũng có thể nắm bắt tin tức qua các phương thức chia sẻ thông tin khác nhau. Vậy người ta cần báo chí để làm gì? Công chúng cần báo chí kiểm chứng tin tức, bình luận tin tức, giải thích những vấn đề xung quanh tin tức. Điều đó có nghĩa là báo chí cần phải nâng cấp các giá trị cốt lõi của mình như độ tin cậy, chính xác, và chi tiết.
Bên cạnh đó, hãy luôn xác định các nền tảng truyền tải tin tức không bao giờ tồn tại vĩnh viễn mà luôn thay đổi. Vì thế, giấy in, sóng phát thanh truyền hình, hay internet chỉ đơn thuần là phương tiện mà ta có thể thay đổi như thay vì cưỡi ngựa thì chuyển sang đi xe thôi.
Trở lại câu hỏi của bạn, nhà báo phải thay đổi như thế nào? Tôi nghĩ rằng nếu bạn đang đi xe máy thì hãy tập lái ô tô. Vậy thôi. |
Anh có viết rằng: “Trước khi là nhà báo, tôi đã từng đi áp tải hàng cho một nhóm buôn lậu xuyên biên giới, từng đóng than tổ ong và mang đi bán khắp thành phố, từng đi viết thuê… những công việc khác nhau, hợp pháp có, bất hợp pháp có”, vậy thì anh có trường đời dạy cũng nhiều, phải chăng những thứ đó làm cho gia vị các bài vở của anh khá “mặn”?
Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều đang sống, ứng xử, lao động bằng những kinh nghiệm từ cuộc sống của bản thân thôi. Cuộc sống càng có nhiều trải nghiệm phong phú thì mình sẽ càng có them những bài học. Điều đó cũng giống như nguyên lý của trí tuệ nhân tạo (AI). Chúng ta nạp càng nhiều dữ liệu thì qua thời gian trí tuệ nhân tạo càng trở nên thông minh hơn.Vì thế tôi luôn trân trọng những khoảnh khắc sống mà mình đã trải qua, dù nó vui, hay buồn thì cũng là dự liệu để tạo nên tương lai của bản thân.
-Có ai đã dùng tiền để tác động bài viết “nguy hiểm” của anh hay chưa?
Làm báo hơn 20 năm, không thể không có những tình huống như vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tôi không quá nguy hiểm để phải đối mặt với những tác động đủ mạnh khiến tôi phải thay đổi các quan niệm sống, hay nguyên tắc nghề nghiệp của bản thân mình. Tôi dễ bị tác động bởi tình cảm, và tri thức hơn.
-Hoặc giả anh đã từng ăn gạch đá nhiều vì một vài chủ đề đã viết hay chưa?
Dĩ nhiên, khi bạn nêu quan điểm về một vấn đề nào đó, sẽ có những người đồng tình, nhưng cũng sẽ có những người phản ứng. Đó là điều bình thường của cuộc sống và tôi không để tâm lắm tới cái gọi là gạch đá của dư luận khi mình tin tưởng vào quan điểm của bản thân. Nếu ngại gạch đá, tôi nghĩ, tốt nhất là không nên có quan điểm gì.
-Một số cách viết của anh là luôn tìm cách đi ngược hoặc hiểu theo góc độ khác của vấn đề, điều gì đã tạo cho anh phản xạ và kỹ năng như vậy?
Tôi không có ý thức là mình đang đi ngược hay đi xuôi. Tôi chỉ quan tâm mình đi có đúng luật hay không thôi. Nếu cả đoàn người đi ngược chiều trên một con đường thì tôi vẫn sẽ đi đúng luật. Còn việc nhìn nhận vấn đề theo một góc độ khác, mới mẻ hơn thì tôi cho rằng đó là một trong những phẩm chất bắt buộc phải có của người làm báo. Nếu như đối diện với một vấn đề, nhiệm vụ của nhà báo là phải đặt câu hỏi, và đi tìm câu trả lời chứ không phải là nương theo đám đông mà viết sao cho dễ đọc, dễ nghe để nhận được nhiều sự ủng hộ của công chúng.
Nếu làm báo mà không chịu đặt câu hỏi và tìm câu trả lời mà chỉ dùng khả năng ngôn ngữ của mình để phụ họa thì bạn không phải là nhà báo, mà chỉ có thể là một thợ chữ mà thôi. |
-Với các bạn trẻ làm báo, anh có nhời khuyên nào không? (Ví dụ: Kỹ năng, sách báo nào nên đọc, ai nên học, cách quăng quật vào đời?)
Tôi nghĩ mọi lời khuyên đều chỉ mang ý nghĩa tham khảo thôi, bởi kinh nghiệm của mỗi người rất khác nhau, và khả năng xử lý những kinh nghiệm để chuyển hóa thành kỹ năng cũng rất khác nhau. Vì thế, tôi sẽ không đưa ra lời khuyên, chỉ xin chia sẻ với các bạn là cuộc sống rất đáng quý, vì thế hãy trân trọng mọi khoảnh khắc sống của mình, hãy ghi nhớ mọi chi tiết xuất hiện trong cuộc đời, hãy xử dụng các trải nghiệm của bản thân như dùng bigdata.
"Nội dung là Vua, nhưng công nghệ cũng là Nữ hoàng” Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam – nguyên TBT VietnamPlus đã có những đánh giá chi tiết, cụ thể về việc các ... |
Xử lý tin giả giống như... gỡ bom! Vấn nạn tin giả lâu nay vốn là một cái bẫy nguy hiểm với báo chí và công chúng. Thông thường, những thông tin này ... |