Chủ tiệm nail người Việt dành 12 tiếng mỗi ngày may khẩu trang tặng bác sĩ và viện dưỡng lão Đức
Người mẹ Pháp gửi thư cảm ơn bác sĩ Bệnh viện Việt Đức |
Mẹ Việt ở Séc chăm 3 con vẫn cùng kiều bào may hàng ngàn khẩu trang tặng nước sở tại chống COVID-19 |
Bà chủ Hồng Anh cùng team của mình, hăng say may khẩu trang để tặng cho người Đức. |
Nguyễn Hồng Anh sinh năm 1986 tại Hải Phòng. Vợ chồng cô hiện định cư và làm việc tại thành phố Celle, thuộc bang Niedersachsen, Cộng hòa Liên bang Đức. Cô sở hữu một cửa hàng làm móng, một tiệm mi và một công ty đào tạo do chính cô đứng lớp. Trong khi đó, ông xã của Hồng Anh kinh doanh nhà hàng.
Khi đại dịch COVID-19 lan đến Đức, công việc kinh doanh của hai vợ chồng cô chịu ảnh hưởng nặng và buộc phải đóng cửa theo lệnh phong tỏa của chính phủ Đức vào ngày 18/3. Riêng chồng cô còn duy trì một nhà hàng nhưng chỉ bán online chứ không được đón khách.
Ngay khi đóng cửa hàng, việc đầu tiên mà Hồng Anh nghĩ đến là đem tặng lại khẩu trang cho những người đang cần.
Do đặc thù công việc, nghề làm mi móng phải đeo khẩu trang, găng tay và rửa tay bằng nước sát trùng liên tục. Tiệm của Hồng Anh tích trữ khá nhiều những thứ này để sử dụng cho nhân viên.
Từ khi dịch bệnh bùng phát tại Đức, khẩu trang y tế loại dùng một lần vô cùng khan hiếm và đội giá từ 6-7Euro lên trên 100 Euro/hộp 50 chiếc. Khi chứng kiến mấy phòng khám nơi cô sinh sống phải đóng vì không có đủ đồ bảo vệ cho y bác sĩ, các viện dưỡng lão mỗi người già chỉ được phát 1 cái khẩu trang cho 1 tuần, nhân viên siêu thị, nhà băng phải đi làm mà không có bất kỳ đồ bảo hộ nào, Hồng Anh quyết định mang cả 6 hộp khẩu trang đi tặng.
Trong vài tiếng, cô đã phát hết 300 chiếc. Một nhân viên y tế nói với Hồng Anh rằng: "Bạn là một người hùng đã cứu chúng tôi". Trở về nhà, Hồng Anh bàn với chồng mua ít vải về để may khẩu trang tặng cho những người đang phải đi làm mỗi ngày, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh từng giờ. Ngay lập tức, chồng cô ủng hộ ý tưởng này.
Cả nhà cùng tham gia may khẩu trang từ thiện
Mất cả một đêm mày mò trên mạng để tìm các thông tin về khẩu trang vải y tế. Từ chất liệu vải thế nào thì đúng tiêu chuẩn, vải gì dành cho lớp ngoài, vải gì dành cho lớp trong, may mấy lớp để đảm bảo an toàn, cách may ra sao, dây chun loại gì, rồi chỗ nào bán giá hợp túi tiền, lại có thể gửi hàng online nhanh chóng... Bởi đại đa số các cửa hàng vải cũng phải đóng cửa vì dịch.
"Em phải nghiên cứu cả hai loại khẩu trang, loại dùng cho bác sĩ phòng khám và loại dùng cho bác sĩ trong bệnh viện. Rồi tìm hiểu cách may khẩu trang có khe để nhét miếng kháng khuẩn vào, nhưng bác sĩ họ bảo không cần, vì cũng có miếng kháng khuẩn đâu mà dùng. Chỉ cần hai lớp vải cotton 100% là đủ.", Hồng Anh chia sẻ.
Hồng Anh tận dụng chiếc máy may mini mua 8 năm trước, lúc mới sinh em bé. Chưa bao giờ may vá chuyên nghiệp, càng chưa bao giờ may khẩu trang y tế, chiếc khẩu trang đầu tiên được hoàn thành tốn rất nhiều thời gian.
Do khẩu trang được tặng cho người Đức nên phom dáng phải khác với khẩu trang mà người Việt vẫn dùng. Người châu Âu mũi cao, chiếc khẩu trang phải may sao cho vừa vặn, ôm được sát mặt họ và không bị hơi mờ khi đeo kính, giặt 95 độ (nhiệt độ khử trùng) không bị hỏng dáng.
Thế vẫn chưa đủ, chiếc khẩu trang còn phải mềm mại, dễ chịu khi đeo cả ngày và... đẹp nữa.
"Em biết mình kỹ tính, cầu toàn. Nhưng không phải vì thứ miễn phí mà qua loa được. Càng là đồ đem tặng thì càng phải đẹp", Hồng Anh giãi bày.
Hồng Anh may hỏng nhiều chiếc đầu, cô hình dung ra gương mặt của những người bạn Đức mà mình hay làm việc để đi đường cắt. Cũng phải cắt đi cắt lại, thử đi thử lại cả chục dáng mới ra được chiếc khẩu trang ưng ý.
Thi thoảng một hai nhân viên tiệm mi và móng tới trợ giúp các công đoạn luồn chun, cắt chỉ thừa, đóng gói. Ông xã của Hồng Anh cũng sẵn sàng xắn tay vào may vá mỗi khi có thời gian.
Một hai ngày đầu, "team" 3 người của Hồng Anh may được 35 chiếc khẩu trang. 3-4 hôm sau tăng tốc độ lên 60 chiếc một ngày. Và giờ là 100 chiếc một ngày.
Hồng Anh và chồng đăng thông tin may tặng lên mạng xã hội. Nhiều bác sĩ, phòng khám, viện dưỡng lão, ngân hàng, siêu thị, hãng bảo hiểm... vào hỏi thăm, khen ngợi và đặt hàng. Hai vợ chồng đặt một chiếc thùng ở quán ăn để bất kỳ ai thuộc nhóm có nguy cơ cao có thể qua lấy, đồng thời đóng gói gửi đi các nơi đã đặt.
Hăng say làm từ thiện
Ban đầu, Hồng Anh chỉ đặt mua 4 mét vải, dự định là may hết số vải này thì thôi. Nhưng giờ cô đã phải tích thêm 100 mét vải dự trữ. Việc đặt mua nguyên liệu gặp nhiều khó khăn do khan hiếm. Chỉ riêng dây chun cô tìm mua tới 10 cửa hàng trên mạng vẫn không đủ.
Nhiều ngày nay, Hồng Anh cùng mẹ và nhân viên làm việc từ 10 giờ sáng đến 12 giờ đêm để những đơn hàng không phải chờ quá lâu. Những lúc mệt mỏi, cô nghĩ tới hàng ngàn người đang phải nỗ lực chống dịch để người dân như cô được ở nhà, nghĩ về những lời khen ngợi, cảm ơn và cầu nguyện mà người nhận khẩu trang dành cho vợ chồng cô, lại thấy có thêm động lực tiếp tục ngồi may vá.
Vất vả là vậy, Hồng Anh vẫn cầu kỳ may tên của hãng đặt hàng lên khẩu trang để họ có chiếc khẩu trang đồng phục. "Không nghĩ nó lại thoải mái và thời trang như thế này" là một trong những tin nhắn phản hồi khiến Hồng Anh mất ngủ cả đêm vì hạnh phúc.
Dù khẩu trang được tặng miễn phí, rất nhiều người muốn gửi tiền cho Hồng Anh để trả công cô. Từ chối không được, Hồng Anh mua một con lợn đất, ai muốn trả tiền thì bỏ vào đó. "Có người bỏ tận 20 Euro dù họ chỉ lấy duy nhất một chiếc khẩu trang", Hồng Anh cho hay.
Hồng Anh bảo, toàn bộ số tiền nhận được từ con lợn đất này cô sẽ dùng để quyên góp cho những trẻ em thiếu may mắn, đang cần giúp đỡ.
Hỏi Hồng Anh về việc tại sao công việc đang gặp khó khăn, cô không tranh thủ kiếm tiền từ việc may khẩu trang, món hàng siêu lợi nhuận hiện tại, cô trả lời: "Không bao giờ tôi kinh doanh khẩu trang trong hoàn cảnh này".
Team của Hồng Anh có thể may 100 chiếc khẩu trang 1 ngày để tặng miễn phí cho mọi người. |
Nhiều người Đức cũng thể hiện sự cảm kích vì cửa tiệm, cửa hàng, quán ăn bị đóng hết mà Hồng Anh vẫn may tặng khẩu trang miễn phí. Nhưng cô bảo: "Bang của tôi hiện có gần 3000 người bị nhiễm virus rồi. Nên tôi nghĩ mình giúp được ai thì giúp, bảo vệ được ai thì bảo vệ."
Hồng Anh chia sẻ lên trang cá nhân của cô tất cả các địa chỉ để mua vải online, chỉ dẫn chi tiết về loại vải, loại dây chun, công thức may để mọi người đều có thể tự làm cho mình và may cho người khác nếu có điều kiện và thời gian. Hành động của Hồng Anh được hàng trăm người ủng hộ, hưởng ứng. Một hai nhóm người Việt đã bắt đầu làm theo để có thêm nhiều khẩu trang vải đến được với cộng đồng. "Điều tôi mong muốn là truyền cảm hứng tới mọi người, khiến nhiều người chung tay chung sức hành động trong đại dịch này", bà chủ tiệm nail bày tỏ.
Người Việt ở Mỹ may khẩu trang tặng các bệnh viện phòng chống Covid-19 Người Việt ở Mỹ tự làm khẩu trang vải để cung cấp cho các bệnh viện với tinh thần “bảo vệ cho các bác sỹ ... |
Khách Ba Lan dùng Google dịch, viết thư tay bằng Tiếng Việt cảm ơn nhân viên y tế Sau khi kết thúc thời gian 14 ngày cách ly phòng dịch Covid-19, ngày 20/3 các du khách người Ba Lan tại Hội An đã ... |
Sugoi phát miễn phí 2000 khẩu trang cho người Việt Nam trong vùng tâm dịch tại Nhật Bản Trước tình hình dịch bệnh do virus COVID-19 gây ra ngày càng lây lan khó kiểm soát tại Nhật Bản, Cộng đồng người Việt Nam ... |