Chợ Lê Hồng Phong: Hòa quyện tinh hoa ẩm thực Việt Nam - Campuchia
Sự kết hợp hài hòa
Trời vừa tờ mờ sáng, tôi men theo con hẻm nhỏ dẫn vào chợ Lê Hồng Phong (phường 1, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh), nơi thường được người dân địa phương gọi với cái tên thân thuộc - “chợ Campuchia”. Giữa những gian hàng nhộn nhịp, tôi bị thu hút bởi quầy hàng của bà Út Miên bởi đôi tay thoăn thoắt đang tỉ mẩn sơ chế từng con cá lóc bông.
Cổng vào chợ Lê Hồng Phong. (Ảnh: Tâm Linh) |
Bà Út Miên là người gốc Campuchia nhưng trước năm 1970 đã theo gia đình sang miền Tây Nam Bộ sinh sống, định cư cho đến bây giờ. Thấy tôi, bà giới thiệu: “Cá này là cá ở Biển Hồ Campuchia. Môi trường nước ở đó mênh mông lại giàu phù sa nên cá lớn lên bằng thức ăn tự nhiên như cá linh, tôm nhỏ. Thịt cá vì thế chắc, ngọt, không bở, có vị thơm đặc biệt”.
Vừa nói, bà vừa dùng dao nhỏ nhanh nhẹn đánh vảy, làm sạch ruột rồi rửa kỹ dưới dòng nước lạnh. Bà bảo, làm cá phải kỹ từ đầu, để khi chế biến, thịt không bị tanh. Sau khi làm xong phải bỏ ngay vào thau nước pha chanh, muối hơi lạnh cho thịt săn lại, để vào ngăn đá ăn lâu dài, để lâu mấy cũng được.
Theo bà Út Miên, cá vùng Biển Hồ có hương vị tự nhiên, nhưng cần nêm gia vị miền Trung Việt Nam mới làm nó tròn vị, tạo nên món ngon độc đáo, không giống bất cứ nơi nào. Phải có mắm ruốc, nghệ, tỏi, ớt, thêm chút đường thốt nốt để ngọt thanh, hành tím băm nhuyễn… ướp ít nhất nửa tiếng thì cá mới thấm đều.
“Người Campuchia hay dùng mắm Prohok để ướp cá, hương vị khác hẳn nhưng tôi thấy mắm ruốc Việt phù hợp hơn khi kho hoặc nướng, tạo độ đậm đà mà vẫn giữ được cái ngọt tự nhiên của cá Biển Hồ. Đó chính là sự hòa hợp giữa ẩm thực Campuchia và Việt Nam”, bà Út Miên nói.
Không chỉ quầy hàng của bà Út Miên mà hầu hết các gian hàng tại chợ Lê Hồng Phong đều có sự giao thoa văn hóa ẩm thực hai nước. Ở một góc chợ, mùi thơm của nồi bún cá thu hút đông người qua lại. Chủ quán là chị Giàu - người gốc Campuchia đã sống ở thành phố Hồ Chí Minh hơn 20 năm cho biết: “Bún cá theo kiểu Campuchia thì nước dùng phải có mắm Prohok, nhưng tôi thêm chút nước mắm Việt và gia vị miền Nam để vị thanh hơn. Khách Việt Nam thích kiểu này hơn, dễ ăn mà vẫn giữ được hương vị gốc”.
Quán chè Campuchia của bà Huỳnh Thị Huôi. (Ảnh: Thái Lộc) |
Ngoài những món ăn mặn, hàng ăn vặt đậm hương vị Campuchia cũng hiện hữu tại đây. Đó là hàng chè nhỏ của bà Huỳnh Thị Huôi, gần 70 tuổi, từ Campuchia theo gia đình sang Việt Nam sinh sống từ những năm 1970. Quán chè của bà có nhiều món Khmer đặc trưng như chè thốt nốt, chè hột me, chè bí đỏ chưng, chè trứng…
Bà Huôi kể, ban đầu bà chỉ bán chè theo từng món một. Sau đi các nơi, thấy mấy quán chè người Việt bán chè thập cẩm có năm bảy món, trông vừa thích mắt vừa ngon miệng. Thế là bà cải tiến chè Campuchia thập cẩm có cả bí chưng, hột me, nhân trứng, thốt nốt, nước cốt dừa… được thực khách rất ưa chuộng. “Đúng là chè Campuchia bán theo kiểu Việt Nam thì đắt hàng hơn nhiều đó!”, bà Huôi nói.
Điểm sáng du lịch ẩm thực Việt Nam - Campuchia
“Chợ Campuchia” (phường 1, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) bắt đầu từ đình chợ Lê Hồng Phong, chạy dọc theo đường Hồ Thị Kỷ. Quán xá ở đây không lớn, chủ yếu kinh doanh nhỏ lẻ và bán vỉa hè, gồm nhiều món ăn như gỏi đu đủ, bún cá, hủ tíu hay các loại chè... Những món ăn này mang hương vị Campuchia nhưng đã được biến tấu khéo léo để phù hợp với khẩu vị người Việt.
Ngoài ra tại đây cũng bày bán đa dạng những đặc sản nổi tiếng mang nguồn gốc của đất nước Chùa tháp như cá lóc, cá trèn, cá sặc, mắm Prohok, mắm ba khía, khô ếch, tôm khô, đường thốt nốt, lạp xưởng, gạo Campuchia… Sự đa dạng về mặt hàng cộng với giá cả phải chăng giúp khu chợ này ngày càng thu hút người tiêu dùng Việt.
Chợ Lê Hồng Phong bày bán đa dạng những đặc sản nổi tiếng của Campuchia. (Ảnh: Tâm Linh) |
Ông Nguyễn Huy Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận 10 (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong số nhân khẩu tại phường 1 có đến hơn nửa chuyển về từ Campuchia, chủ yếu từ trước năm 1975. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều gia đình người Việt hồi hương, có vợ hoặc chồng là người Campuchia.
Theo ông Chiến, cộng đồng dân cư ở đây là cộng đồng thân thiện, sống chan hòa và chăm chỉ làm ăn. Hầu hết tiểu thương đều đăng ký kinh doanh và thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc tập trung nhiều đặc sản Campuchia ở khu chợ này chính là điểm đặc sắc và là lợi thế của phường. Do đó, UBND phường 1 đang thực hiện đề án xây dựng nơi đây thành khu phố ẩm thực đêm, hướng đến việc đăng ký để trở thành điểm đến du lịch của thành phố Hồ Chí Minh.
Để tạo nơi buôn bán sạch đẹp, văn minh, an toàn cho người dân và du khách, tháng 12/2023, UBND quận 10 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan lắp đặt thêm trụ đèn, bảng hiệu đèn trang trí song ngữ, vẽ tranh tường, lắp đặt camera… tại tuyến đường Hồ Thị Kỷ.
Ông Nguyễn Huy Chiến mong muốn các thương nhân trên tuyến phố này tiếp tục kinh doanh thuận lợi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác phòng cháy, chữa cháy, đưa khu chợ hoạt động theo hướng văn minh, hiện đại. Từ đó biến nơi đây thành không gian giao lưu văn hóa ẩm thực Việt Nam - Campuchia, thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo cầu nối thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Tháng 12/2023, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố kết quả chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị” theo 10 hạng mục như chương trình tham quan, điểm tham quan, điểm giải trí, mua sắm, nhà hàng… Trong đó, khu chợ Lê Hồng Phong được công nhận là một trong “10 điểm mua sắm thú vị”. |
Kết nối hàng không, tạo đà cho quan hệ Việt Nam - Campuchia cất cánh Mở rộng mạng lưới đường bay, mở các chuyến bay thẳng, tăng cường hợp tác, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ….đây là những nỗ lực của các hãng hàng không và chính phủ hai nước Việt Nam – Campuchia nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, mở rộng giao thương hai nước. |
Thiếu nhi - Những đại sứ nhỏ kết nối tình hữu nghị Cùng hát múa, tham gia các hoạt động trải nghiệm tại huyện Cần Giờ, tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Không gian Bác Hồ với thiếu nhi... Đó là những hoạt động sôi nổi của Liên hoan thiếu nhi Việt Nam - Lào - Campuchia 2024 (Liên hoan). Đây là là dịp để các em thiếu nhi giao lưu, học hỏi, đồng thời tiếp nối tình hữu nghị bền chặt giữa ba nước Đông Dương. |