Chi hội Cựu chiến binh vì hòa bình tại Việt Nam: Trở lại Quảng Trị chuộc lỗi
Ngày càng nhiều cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam sinh sống Chi phí sinh hoạt thấp, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ được cải thiện, chính sách mở cửa của Việt Nam là những lý do ... |
Quảng Trị dự kiến tổ chức Festival 'Vì hòa bình' 2 năm/lần Đề án tổ chức Festival Vì hòa bình, nếu trở thành hiện thực, sẽ cùng với Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình đã ... |
Đoàn thăm xưởng sản xuất chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình của Bệnh viện đa khoa Quảng Trị. Ảnh: B.B/Báo Quảng Trị |
Trong chuyến đi lần này cũng chuyến đi thứ 8 của Chi hội Cựu chiến binh vì hòa bình tại Việt Nam, lần đầu tiên đoàn được đến thắp hương tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Tại đây, các cựu binh đã trang trọng dành một phút mặc niệm và đi thắp hương lên từng phần mộ liệt sĩ.
Ông Chuck Searcy, Trưởng đoàn, Phó Chủ tịch Chi hội Cựu chiến binh vì hòa bình tại Việt Nam chia sẻ lý do đoàn lựa chọn đến Quảng Trị là bởi vì chính mảnh đất này sẽ kể cho mọi người câu chuyện về chiến tranh và sự ảnh hưởng khốc liệt của nó đối với người dân ở đây và cả với người Mỹ.
Ông nói: “Chúng tôi là những lính Mỹ từng đến tham chiến tại Việt Nam và thực sự rất hối tiếc vì điều đó. Nhiều cựu binh quay trở lại đây là để chuộc lỗi, để có cơ hội nói với nhân dân Việt Nam rằng họ rất hối tiếc vì những gì đã xảy ra”.
Tuy nhiên, theo ông Chuck những chuyến đi không phải chỉ để ôn lại kí ức đau thương mà còn góp phần hàn gắn những vết thương chiến tranh để lại còn chưa lành, mà chúng “mang mục đích giáo dục để các cựu chiến binh hiểu hơn về cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam và chính sách sai lầm của Chính phủ Mỹ lúc bấy giờ. Đồng thời, để tận thấy sự thay đổi và phát triển của Việt Nam ngày nay và để cảm nhận sự rộng lượng của con người Việt Nam khi chào đón chúng tôi với những nụ cười thân thiện, ấm áp. Điều này thật tuyệt vời vì đó là cả một quá trình hàn gắn. Chúng tôi cũng học hỏi được nhiều điều từ người Việt Nam.”
Ông Chuck cũng hi vọng các thành viên trong đoàn khi trở về Mỹ sẽ trở thành những sứ giả đại diện cho hòa bình và thiện chí cũng như góp phần thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai dân tộc từng một thời là kẻ thù tại hai bên bờ chiến tuyến.
Một cựu binh Mỹ chụp lại những tấm áp phích tuyên truyền về sự nguy hiểm của bom mìn còn sót lại từ chiến tranh, tại Trung tâm trưng bày khắc phục hậu quả bom mìn. Ảnh: B.B/Báo Quảng Trị |
Tham gia chuyến đi này, các thành viên trong đoàn đóng góp mỗi người 1.000 USD (hơn 23 triệu đồng), số tiền dành tài trợ cho các dự án tại Việt Nam như xưởng sản xuất chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị do Dự án RENEW hỗ trợ.
Đến nay, tổng cộng số tiền thu được từ các chuyến đi như thế này là hơn 200.000 USD (hơn 4,6 tỷ đồng), chúng được dành hết để hỗ trợ cho các dự án khắc phục hậu quả chiến tranh.
Ông James Wade, một cựu binh từng đóng quân tại Đồi 881, Khe Sanh (Quảng Trị) đã không cầm được nước mắt bật khi chứng kiến ông Trần Quang Đống – một thương binh nỗ lực tập đi lại trên chiếc chân mới. James không kiềm chế được cảm xúc, tiến đến ôm chặt lấy ông Đống.
Ông chia sẻ chuyến đi này rất ý nghĩa với ông. Với tư cách một phóng viên, khi quay về Mỹ ông sẽ lên sóng đài Radio WMMB và sẽ kể lại chuyến đi này và hậu quả mà chiến tranh đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.
Không bộc phát cảm xúc mãnh liệt như James nhưng Paul Cox - cựu lính thủy đánh bộ từng tham chiến tại Việt Nam từ tháng 2/1969 - 8/1970, trong đó đóng quân ở phía bắc Cam Lộ, Quảng Trị từ tháng 2 - 10/1969 – đã đứng trầm lặng rất lâu, quan sát những hình ảnh chiến tranh ác liệt tại phòng trưng bày của Bảo tàng Khu di tích sân bay Tà Cơn.
Ông kể: “Tôi đồn trú ở đây (Quảng Trị) không lâu, sau đó được điều động đến Đà Nẵng và miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến đã làm dấy lên trong tôi nhiều hoài nghi nên sau đó tôi đã tham gia một số hoạt động phản chiến, chống lại chiến tranh tại Việt Nam. Tôi thấy điều cần thiết là phải làm cho những nhóm người Mỹ hiểu rõ về bản chất của cuộc chiến. Chúng tôi không chỉ đưa họ về lại chiến trường xưa như thế này mà còn tổ chức thăm gia đình các nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam để họ thấy được hậu quả khốc liệt của chiến tranh. Đó là những điều tôi thấy cần thiết phải làm”.
Chứng kiến nhiều tội ác của quân đội Mỹ, sau khi được chuyển về đơn vị ở Mỹ, ông đã cùng một số đồng đội tham gia một số hoạt động phản chiến: cùng bí mật ra số báo dài kì mang tên “Rage” (Sự giận dữ) và một số tờ báo bí mật khác để phản đối, đấu tranh trong nội bộ của không quân và hải quân Mỹ, phản đối các cuộc không kích Mỹ thực hiện tại Việt Nam.
Là một trong những thành viên tích cực của Chi hội Cựu chiến binh vì hòa bình tại Việt Nam, trong 5 lần quay trở lại Việt Nam, ông đã 3 lần đến Quảng Trị. Dù vậy mỗi lần đến, Paul đều cảm thấy mọi thứ thật mới mẻ. Cuộc sống của người dân thực sự thanh bình, phát triển trên những vùng đất chìm trong khói lửa như sân bay Tà Cơn, Thành Cổ Quảng Trị, như nơi đây chưa hề trải qua chiến tranh khốc liệt.
Đứng trước mốc thời gian nhập ngũ và hi sinh của các liệt sĩ rất lâu, Gerry Condon, Chủ tịch tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình tại Mỹ, chia sẻ tâm tư nặng trĩu: “Tôi cảm thấy thật tệ hại khi nước Mỹ đã có hành động xâm chiếm Việt Nam, đó là một bi kịch lớn. Có quá nhiều người đã phải thiệt mạng. Chúng tôi quá may mắn khi ngày nay được đón chào quay trở lại Việt Nam như những người bạn, cùng với những cựu chiến binh của Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả chiến tranh như vật liệu chưa nổ, nạn nhân da cam và cả những hậu quả đáng buồn khác của một cuộc chiến khủng khiếp và phi pháp mà nước Mỹ đã gây ra cho đất nước và con người Việt Nam.
Theo ông, việc Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ là một tín hiệu rất tốt. Ông cũng hi vọng, chính phủ Mỹ sẽ có trách nhiệm tập trung nhiều nguồn lực hơn để hàn gắn vết thương chiến tranh tại Việt Nam. Và những cựu chiến binh vì hòa bình như bản thân và những người ở đây trong chuyến đi này sẽ có những sáng kiến riêng để cùng làm điều đó./.
Xem thêm