Cầu nối cho các du học sinh Việt Nam tại tỉnh Fukuoka (Nhật Bản)
Trần Hạnh - Tào Đạt 06/11/2022 21:39 | Bốn phương kết nghĩa


![]() |
Ông Hoàng Văn Nhận - Chủ tịch FVAJA phát biểu tại sự kiện. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Văn Nhận, Chủ tịch FVAJA cho biết, FVAJA là ngôi nhà chung của các Cựu lưu học sinh Việt Nam đã từng học tập và sinh sống tại Fukuoka, là sợi dây gắn kết giữa các Cựu lưu học sinh Việt Nam với tỉnh Fukuoka, người dân Nhật Bản cũng như với cộng đồng Cựu lưu học sinh của nhiều nước tại Fukuoka. Đồng thời, đây cũng là nhịp cầu kết nối, mang đến cơ hội cho các sinh viên Việt Nam đang có nguyện vọng được du học tại Nhật Bản.
FVAJA được thành lập ngày 08/09/2011 dưới sự hỗ trợ của Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Ban Quốc tế tỉnh Fukuoka. Đến nay, mạng lưới hội viên Câu lạc bộ ngày càng được mở rộng, từ hơn 30 hội viên ban đầu, đến nay lên đến hơn 160 người từ khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Nhìn lại 10 năm hoạt động, ông Hoàng Văn Nhận cho biết FVAJA đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực và mang nhiều ý nghĩa như: Tổ chức các cuộc gặp mặt hàng năm của Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Fukuoka; hỗ trợ các cuộc triển lãm du học do tỉnh Fukuoka tổ chức hàng năm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; phát học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của Trường PTCS Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình; phối hợp với Trường Đại học Kyushu (Nhật Bản) và Đại học Thủy Lợi (Việt Nam) tổ chức cuộc Hội thảo “Sức mạnh nghiên cứu”; hỗ trợ Trường Đại học Kyushu tổ chức lễ thành lập Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Đại hoc Kyushu…
Đặc biệt, những hoạt động trên, FVAJA luôn được Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Fukuoka và Hội cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản quan tâm, giúp đỡ, đồng thời được ghi nhận và đánh giá cao.
![]() |
Ông Fukushima Akihiko, Giám đốc trung tâm hỗ trợ lưu học sinh tỉnh Fukuoka trao bằng khen của FISSC cho các cá nhân FVAJA. |
Theo bà Okamoto Noriko, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, nền tảng được cho là tốt nhất cho mối quan hệ Việt - Nhật là “giao lưu giữa con người với con người”. Tất cả các cựu du học sinh tại Nhật Bản chính là cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam. Mọi người đang hoạt động tích cực tại nhiều địa phương và đang đóng góp to lớn vào việc xây dựng và duy trì mối quan hệ giữa hai nước.
Năm 2021, tỉnh Fukuoka đã đón khoảng 5000 lưu học sinh Việt Nam sang học tập. Vào năm 2013, con số này chỉ khoảng 700 người cho thấy số lượng lưu học sinh đã tăng lên đáng kể. Bà Okamoto Noriko cho rằng, sự gia tăng này là do những nỗ lực chung của FVAJA và Trung tâm hỗ trợ lưu học sinh tỉnh Fukuoka trong việc thúc đẩy các hoạt động thu hút sinh viên nước ngoài. Ngoài ra, phải kể đến sự hỗ trợ nhiệt tình của những cực lưu học sinh đang sinh sống tại cả Việt Nam và Fukuoka. Qua đó, bà bày tỏ lòng biết ơn về những mối quan hệ và tình bạn với Nhật Bản của các thành viên FVAJA.
![]() |
Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Fukuoka chụp ảnh kỷ niệm. |
Về phương hướng hoạt động trong thời gian tới, FVAJA sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới để thu hút thêm nhiều hội viên tham gia nhằm tăng cường sức mạnh cho Câu lạc bộ; đẩy mạnh các hoạt động trong khuôn khổ Điều lệ, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Câu lạc bộ, nhằm thắt chặt mối quan hệ gắn kết giữa cộng đồng Cựu lưu học sinh Việt Nam và tỉnh Fukuoka nói riêng và nước Nhật nói chung; tăng cường hoạt động ngoại giao nhân dân để góp phần xây dựng và củng cố tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc và quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản.
FVAJA là câu lạc bộ thành viên của Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (VAJA). VAJA được thành lập vào tháng 5/2001. Đến nay, VAJA có số lượng thành viên cá nhân gần 2500 người và gần 10 thành viên tập thể. Bà Ngô Minh Thủy, chủ tịch VAJA chia sẻ: “Hơn ai hết, các cựu lưu học sinh có sự hiểu biết sâu sắc và tình cảm gắn bó, thân thiết với đất nước mà mình du học sẽ dễ dàng giới thiệu về đất nước đó với người dân ở nước mình. Đồng thời trên nền tảng hiểu biết đó, cộng với việc sử dụng ngôn ngữ của nước bản địa một cách thành thạo, các lưu học sinh cũng dễ dàng đưa hình ảnh của đất nước, dân tộc mình đến với thế giới. Chính vì lý do đó, các thành viên trong VAJA nói chung và FVAJA nói riêng đã và đang là một nhịp cầu quan trọng trong cây cầu nối hai nước Việt Nam - Nhật Bản". |
Truyền hình

Ngắm hoa kèn hồng đẹp rạng ngời những con đường thành phố Hồ Chí Minh
Đáng chú ý
Việt Nam có thể đón 4,5 triệu du khách Trung Quốc trong năm 2023

Bài viết mới
Năm 2023 - dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Pháp

Chuyên gia: Quan hệ Việt Nam - Singapore giúp gắn kết ASEAN

Chuyên đề

Biểu tượng văn hóa của Việt Nam là hoa sen, của Nhật là hoa anh đào. Sự hòa hợp của nhân dân hai nước được ví như hòa hợp của hai loài hoa. Quan hệ hữu nghị của nhân dân sẽ bền vững, thực chất và hiệu quả khi bắt nguồn từ sự đồng cảm, hợp tác về văn hóa.

Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhưng hợp tác kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc luôn phát triển mạnh mẽ, thực chất, là điểm sáng và trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác hai nước.