Cảnh sát biển Việt Nam: Hiệu quả thực thi pháp luật trên biển
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện kiểm tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức |
Song, cùng với hoạt động ngày càng nhộn nhịp của các ngành kinh tế biển là sự gia tăng tình hình vi phạm, tội phạm trên biển. Trước diễn biến đó, đặc biệt từ khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực thi hành, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tăng cường duy trì sự hiện diện và thực thi pháp luật trên biển hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn cho các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Vào 4 giờ 30 phút ngày 21/7, tại vùng biển giáp ranh Việt Nam - Malaysia - Thái Lan, tàu Cảnh sát biển 4035 của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện hai tàu cá có hành trình từ hướng Malaysia về Việt Nam. Khi hai tàu cá này vào đến vùng biển Việt Nam, tổ công tác đã dùng xuồng tiếp cận tàu cá để kiểm tra thì bất ngờ hai tàu cá tăng tốc bỏ chạy về hai hướng khác nhau.
Ngay lập tức, tàu Cảnh sát biển 4035 đã tiến hành truy đuổi tàu KG - 947…TS (02 số cuối bị xóa), kết hợp tuyên truyền, phát tín hiệu yêu cầu dừng tàu để kiểm tra. Nhưng tàu cá bị truy đuổi ngoan cố, không chịu dừng tàu, đồng thời có hành vi chống đối lực lượng chức năng. Thậm chí, những thuyền viên trên tàu cá này còn có hành vi đe dọa và tấn công lực lượng chức năng khi tiếp cận tàu.
Trước tình hình trên, bằng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp giữa Trung tâm chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng và biên đội tàu đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên vùng biển giáp ranh Việt Nam – Malaysia – Thái Lan, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã bắt giữ chiếc tàu cá KG - 947…TS.
Qua lời khai và xác minh, chiếc tàu cá che biển số, tháo thiết bị hành trình này có số hiệu là KG - 94793 TS. Thuyền trưởng tàu cá là Nguyễn Văn Tính (sinh năm 1996) ở Vĩnh Hòa Hiệp, Châu Thành, Kiên Giang. Tại thời điểm kiểm tra, Nguyễn Văn Tính không xuất trình được giấy tờ tùy thân, trên tàu có 18 thuyền viên.
Trước đó vào sáng 14/5, tại khu vực biển cách Đông Nam Côn Đảo khoảng 55 hải lý, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu cá số hiệu TG 91679TS có dấu hiệu nghi vấn nên đã phát tín hiệu yêu cầu dừng tàu và tiến hành kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề. Thuyền trưởng là Hồ Tiến Dũng (sinh năm 1972) trú tại Tân Phước, Gò Công Đông, Tiền Giang. Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, tàu đang vận chuyển khoảng 45.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Toàn bộ số dầu trên được thu mua trôi nổi trên biển, sau đó được vận chuyển nhằm bán cho các tàu cá thì bị bắt giữ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, dẫn giải tàu vi phạm về cảng Hải đội 301 để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tàu cá vi phạm quy định IUU hay tàu cá vận chuyển dầu DO trái phép nói trên chỉ là hai trong số nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trên biển mà lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện, xử lý vừa qua. Đáng ngại, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển có xu hướng diễn biến phức tạp trong bối cảnh dịch COVID-19.
Từ các vụ việc cho thấy, hầu hết các đối tượng khi vận chuyển hàng hóa thường không mang theo hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, các đối tượng tìm đủ mọi cách để đối phó như hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn hoặc chuẩn bị sẵn lời khai, hồ sơ tài liệu của lô hàng để hợp thức hóa lô hàng. Đặc biệt, lợi dụng sự phát triển khoa học kỹ thuật, nhiều đối tượng tội phạm đã lắp đặt những thiết bị hiện đại trên tàu để xác định phương tiện của lực lượng chức năng đến khu vực giao nhận hàng.
Ngoài ra, để đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, các tàu vi phạm thường neo đậu ở vùng biển giáp ranh đường phân định rồi lợi dụng đêm tối chuyển tải hàng hóa sang các tàu nhỏ; thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, cho phương tiện chạy lòng vòng trên biển khi không có nghi vấn mới nhanh chóng vận chuyển qua khu vực sang mạn cho các tàu cá...
Trước những phức tạp đó, Cảnh sát biển Việt Nam đã huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên vùng biển Tổ quốc. Nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng vận chuyển trái phép mặt hàng xăng dầu trên vùng biển có chiều hướng gia tăng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt tại các khu vực biển giáp ranh với các nước Thái Lan, Campuchia.
Từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, tiếp nhận, xử lý 74 vụ với 77 lượt tàu trong nước, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 71 vụ với 72 lượt tàu, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 1,5 tỷ đồng, tịch thu gần 1,5 triệu lít dầu DO, bán phát mãi tài sản tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 15 tỷ đồng. Riêng trong tháng 6 thực hiện Tháng hành động cao điểm về phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, đơn vị đã phát hiện, kiểm tra và bắt giữ 3 tàu vận chuyển trái phép với khoảng 200 nghìn lít dầu DO không hóa đơn, chứng từ.
Tàu cá vi phạm đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài. Ảnh: TTXVN phát |
Cùng thời điểm này, tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử phạt 37 tàu thuyền với tổng số tiền xử phạt hơn 48,7 triệu đồng; tích cực đẩy mạnh việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; đã tuyên truyền, kiểm tra 33 tàu cá Việt Nam, xử phạt 5 tàu với số tiền trên 6 triệu đồng. Lực lượng thực thi pháp luật Bộ Tư lệnh Vùng đã điều tra, xác minh, đề xuất xử lý 4 vụ/4 tàu, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 215 triệu đồng; tịch thu gần 50 nghìn lít dầu DO, 380 tấn than cám vi phạm. Số tang vật tịch thu được, đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng bán thanh lý hàng hóa được gần 800 triệu đồng sung công quỹ.
Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phối hợp có hiệu quả với lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển.
Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật cho ngư dân để ngư dân không tham gia, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, giúp người dân thêm hiểu biết về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trên các vùng biển đảo, sẵn sàng chung sức, chung lòng cùng với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn cho các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Nam, trên hướng biển, lực lượng Cảnh sát biển đã nhận được sự chỉ đạo rất sát sao của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Các cơ quan chuyên môn đã tập trung làm tốt nghiệp vụ cơ bản, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển là tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển; đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật gắn với việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cảnh sát biển đã triệt phá, bắt giữ các đối tượng phạm tội, tổ chức tội phạm quốc tế trên đường biển như cướp biển, tội phạm về ma túy, tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại.
Thời gian tới, dù tình hình dịch COVID-19 và thời tiết diễn biến phức tạp, nhưng lực lượng Cảnh sát biển sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để răn đe các đối tượng khác - Thiếu tướng Trần Văn Nam cho biết.
Luật Cảnh sát biển: Vai trò cấp thiết bảo vệ Tổ Quốc Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, nhất là việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo, buôn lậu, cướp biển, vi phạm lãnh hải trong khai thác thủy sản, hải sản… và xu thế hội nhập quốc tế, Luật Cảnh sát Biển thực sự là công cụ sắc bén, cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát Biển thực thi pháp luật trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam. |
Thi trực tuyến tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam với nhiều giải thưởng hấp dẫn Cuộc thi "Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam" được tổ chức từ ngày 6/9 đến hết ngày 6/10 dưới hình thức trả lời câu hỏi trắc nghiệm trên nền tảng phần mềm trực tuyến. |
Cảnh sát biển Việt Nam phấn đấu ngang tầm nhiệm vụ Thiếu tướng Bùi Quốc Oai - Chính ủy Cảnh sát biển việt Nam cho biết, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; là một trong những lực lượng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, đạt trình độ hiện đại vào năm 2030. |