Quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam
Chi Dân 03/10/2021 17:00 | Nhịp sống biển đảo


![]() |
Tổ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát Cảnh sát biển kiểm tra hàng hóa trên tàu có dấu hiệu vi phạm |
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 19/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 Chương, 41 Điều là đạo luật có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, quy định cụ thể những hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Lực lượng Cảnh sát biển được quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, trên cơ sở đề nghị của Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, ngày 11/02/2019, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BQP quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo đó, quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định cụ thể tại Chương II, từ Điều 15 đến Điều 20 của Thông tư này, bao gồm các quy định về việc: dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát; hiệu lệnh dừng tàu thuyền; nhiệm vụ của lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; nội dung kiểm tra, kiểm soát; xử lý vi phạm trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; tổ chức dẫn giải tàu thuyền vi phạm, củng cố chứng cứ, hồ sơ…
Quá trình thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, khi phát hiện vi phạm, Lực lượng Cảnh sát biển có quyền được xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Về nội dung này, tại Điều 19, Thông tư số 15/2019/TT-BQP hướng dẫn như sau:
1. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hành chính, Tổ kiểm tra, kiểm soát phải kịp thời ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm và giải thích cho người vi phạm về hành vi vi phạm, quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
2. Tổ trưởng Tổ kiểm tra, kiểm soát lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt, Tổ trưởng Tổ kiểm tra, kiểm soát tiến hành lập biên bản làm việc, biên bản vi phạm, tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu thập tài liệu, tang vật chứng theo thẩm quyền và báo cáo ngay người chỉ huy lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.
4. Người chỉ huy lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc căn cứ vào tính chất vụ việc, kịp thời báo cáo người chỉ huy cấp trên có thẩm quyền để tổ chức dẫn giải tàu thuyền vi phạm, áp dụng biện pháp ngăn chặn và tiến hành các biện pháp xác minh, điều tra, kết luận vụ việc.
5. Trường hợp phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, bị truy tìm thì cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam đang thi hành nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự và pháp luật về tố tụng hình sự.
(Trích Điều 19, Thông tư số 15/2019/TT-BQP quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam – Công báo số 227+228 ngày 26/02/2019)
Thông tư này áp dụng đối với Cảnh sát biển Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân và tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Việt Nam. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó.



Truyền hình
Đáng chú ý
5 tiêu chí lựa chọn công việc sai lầm, bạn có đang mắc phải?

Bài viết mới
Học sinh và ngư dân huyện đảo Lý Sơn được khám chữa bệnh miễn phí

Khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Chuyên đề

Giao lưu hữu nghị quốc tế năm 2023

Quan hệ Việt Nam-Australia từ góc nhìn đối ngoại nhân dân

Biểu tượng văn hóa của Việt Nam là hoa sen, của Nhật là hoa anh đào. Sự hòa hợp của nhân dân hai nước được ví như hòa hợp của hai loài hoa. Quan hệ hữu nghị của nhân dân sẽ bền vững, thực chất và hiệu quả khi bắt nguồn từ sự đồng cảm, hợp tác về văn hóa.