Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội
Tình dân Việt - Lào trên mạng xã hội: Sôi động, bổ ích và trong sáng Nếu tìm kiếm bằng những từ khóa có cụm từ Việt – Lào trên các trang mạng xã hội như Facebook, Line, WhatsApp và Twitter… người dùng sẽ rất nhanh nhìn thấy nhiều diễn đàn, hội nhóm, câu lạc bộ… của cộng đồng mạng tham gia. Nội dung và hình thức sinh hoạt rất phong phú, sôi động, thiết thực. Và đặc biệt là trong sáng, lành mạnh, vui tươi y như hồn cốt của tình hữu nghị hợp tác nhân dân hai nước. |
Khuyến nghị người dân cảnh giác với hình thức lừa đảo ‘khóa thuê bao điện thoại’ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam thuộc Cục An toàn thông tin (ATTT) vừa khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác, không làm theo các yêu cầu từ cuộc gọi lừa đảo “khóa thuê bao điện thoại”. |
Cảnh giác trước chiêu trò tuyển dụng làm việc trên ứng dụng mạng xã hội và các kênh thương mại điện tử. |
Lướt mạng xã hội hay các sàn giao dịch điện tử, không khó để bắt gặp các quảng cáo hấp dẫn với tiêu đề “Tuyển CTV tại nhà, không mất phí, không cần đi làm; chỉ cần có điện thoại, xem video - like - thả tim, hoa hồng đến vài trăm nghìn đồng/ngày”. Tuy nhiên, chỉ vì tin những lời dụ dỗ hết sức thuyết phục ấy, rất nhiều người đã bị "bốc hơi" hàng tỷ đồng trong tài khoản mà không hề hay biết.
Chị Q.A (TP Cẩm Phả) là một ví dụ điển hình. Sau khi nhận được lời mời tham gia kiếm tiền bằng việc like các video trên ứng dụng Tiktok, với trên 100 lượt like thì sẽ được trả hoa hồng; chị Q.A đã đồng ý. Theo hướng dẫn của các đối tượng, chị Q.A đã tải các ứng dụng Tiktok, Telegram để đăng ký tài khoản và liên lạc, nhận nhiệm vụ từ các đối tượng. Tại đây, chị Q.A đã được giao làm các nhiệm vụ khác nhau từ đơn giản đến nâng cao, từ việc tương tác, chụp màn hình các bài đăng để được nhận 10.000 đồng hoa hồng, cho đến tham gia đầu tư, khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được trả cả gốc và lãi về tài khoản.
Tin tưởng sau khi nhận được tiền từ gói đầu tư chỉ vài triệu đồng, chị Q.A tiếp tục tham gia gói đầu tư khủng với nhiệm vụ cao hơn, nhiệm vụ này yêu cầu phải làm việc nhóm, với số tiền 280 triệu đồng/người. Tuy nhiên, đến nhiệm vụ cuối cùng, các đối tượng thông báo trong nhóm có 1 thành viên thao tác sai nên không thể rút tiền về, mà phải làm nhiệm vụ với số tiền cao hơn. Nghi ngờ bị lừa đảo nên chị Q.A đã đến cơ quan công an để trình báo.
Không dính bẫy việc làm như chị Q.A, nhưng chị P.T.T (TX Quảng Yên) lại bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 6 tỷ đồng từ hình thức đầu tư vào sàn giao dịch Kucoin.
Chị P.T.T nhiều lần chuyển số tiền hàng tỷ đồng cho các đối tượng để tham gia đầu tư sàn giao dịch ảo mà không hề biết mình đã bị lừa. |
Vốn không quen biết, nhưng khi nhận được tin nhắn qua Zalo của một người lạ giới thiệu làm ở hàng không quốc tế và có tham gia sàn giao dịch Kucoin kiếm được nhiều tiền, đăng ký tài khoản chỉ cần 200 triệu đồng, bỏ vốn 1 tỷ đồng trong thời gian 5-7 ngày thì có thể thu lợi được 13 tỷ đồng, chị P.T.T đã đồng ý nhận sự hướng dẫn của người này. Mặc dù trong tài khoản chỉ có 27 triệu đồng, nhưng nghe các đối tượng dụ dỗ mức lãi suất khủng nếu đầu tư đúng theo lộ trình, chị P.T.T đã vay khắp nơi và nhiều lần chuyển với tổng số tiền lên đến gần 6 tỷ đồng, gửi đến các số tài khoản ở những ngân hàng khác nhau mà đối tượng cung cấp. Thế nhưng đến hẹn mà vẫn không nhận được tiền đầu tư, cũng như tiền lãi thì chị P.T.T mới biết mình bị lừa.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng với Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của các nạn nhân bị lừa đảo theo các hình thức như trên. Các hình thức dụ kiếm tiền trên các ứng dụng mạng xã hội đều có một kịch bản lừa đảo chung là đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin của người tham gia, mong muốn kiếm tiền nhanh, chỉ với thao tác đơn giản.
Để lấy được lòng tin của bị hại, ban đầu các đối tượng sẽ trả tiền lãi theo đúng cam kết, sau đó dụ dỗ tham gia đầu tư, với cam kết đầu tư càng cao thì thu nhập, lợi nhuận càng khủng. Cuối cùng, khi "cá đã cắn câu", các đối tượng "thu lưới", tìm cách không cho bị hại rút tiền hoặc đánh sập trang web, xóa ứng dụng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trước tình hình trên, Thượng tá Đinh Ngọc Văn, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) khuyến cáo người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác khi sử dụng các ứng dụng mạng xã hội. Đặc biệt, cảnh giác với các công việc cần phải bỏ tiền để đầu tư, yêu cầu đặt cọc, chuyển khoản tiền trước; kiểm tra, xác minh các tài khoản mạng xã hội, những số điện thoại lạ mời gọi tham gia đầu tư; không cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân cho người lạ; không truy cập, đăng nhập vào các đường link, ứng dụng lạ khi chưa rõ thông tin. Nếu nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần liên hệ ngay đến Cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn, tư vấn, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội.