Cần xây dựng, triển khai nhiều mô hình thực tế phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Ngày 5/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Cơ quan Liên Hợp Quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam và các nước ASEAN. Đây là hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (15/11/2023-15/01/2024).
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam và các nước ASEAN. (Ảnh: Mai Anh) |
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết: Bạo lực trên cơ sở giới xảy ra ở mọi tầng lớp xã hội và tồn tại ở mọi quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Trung bình cứ 3 phụ nữ thì có một người đã từng chịu một trong các hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục, bạo lực tren không gian mạng… trong cuộc sống của mình.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, để ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực bạo lực trên cơ sở giới cần xây dựng, triển khai các mô hình trên thực tế; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về hậu quả của bạo lực. Hội thảo lần này tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về những thực hành tốt, những kinh nghiệm hay trong xây dựng và triển khai các mô hình phù hợp, hiệu quả tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN. Từ đó, cùng nhau nhân rộng và đóng góp thiết thực vào việc xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
Bà Nguyễn Thị Hà (bìa phải), Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cùng bà Caroline Nyamayemombe (bìa trái), Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam. (Ảnh: Mai Anh) |
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe chia sẻ về các mô hình phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới nổi bật đã và đang được triển khai tại Việt Nam như: mô hình thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em gái của tổ chức Plant International Việt Nam tuyên truyền về an toàn của phụ nữ và trẻ em gái tại nơi công cộng như công viên, xe bus…; mô hình Người cha trách nhiệm kêu gọi giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới…
Cùng với đó là những mô hình ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như: mô hình Nhà Bình yên, mô hình Ngôi nhà Ánh Dương là nơi tạm lánh an toàn, hỗ trợ về y tế, tư vấn tâm lý, tư vấn tư pháp, đồng thời giáo dục việc làm cho những phụ nữ đang phải gánh chịu bạo lực; mô hình Phòng điều tra thân thiện trong giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan tới người chưa thành niên…
Các đại biểu chia sẻ về những mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam. (Ảnh: Mai Anh) |
Ông Nguyễn Xuân Huy, Trưởng phòng Tư vấn - Trợ giúp và Hành chính, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh, đại diện mô hình Ngôi nhà Ánh Dương cho biết, các mô hình được triển khai hiện nay gặp nhiều thách thức trong việc duy trì và mở rộng hoạt động. Nguồn nhân lực cũng như kinh phí hoạt động còn hạn chế; các cán bộ tư vấn tâm lý cho nạn nhân cũng chịu áp lực ngược lại về tâm lý nặng nề; nhận thức của người dân về bạo lực giới còn chưa cao, nhiều người có tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân…
Ông Huy đề xuất, để duy trì hoạt động của các mô hình cần chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tâm huyết, có đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều chương trình tọa đàm, hội thảo, các buổi tư vấn truyền thông được tổ chức nhằm nâng cao hiểu biết toàn dân về vấn đề bạo lực trên cơ sở giới.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu còn được lắng nghe những chia sẻ của Ban thư ký ASEAN về tổng quan công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong khu vực. Đại diện các quốc gia Thái Lan, Campuchia, Philippine, Malaysia đã có những chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại quốc gia mình.
Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam phaát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Mai Anh) |
Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19, các thảm họa do biến đổi khí hậu và xung đột vũ trang gần đây làm gia tăng tỷ lệ bạo lực trên cơ sở giới trên toàn cầu. Mỗi mô hình được chia sẻ hôm nay là một bài học kinh nghiệm vô giá, truyền cảm hứng, tạo nền tảng, mở đường cho những giải pháp bền vững giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới một cách toàn diện và triệt để.
Cần ngăn ngừa hành vi bạo lực và hỗ trợ sinh kế đối với phụ nữ sống chung với HIV/AIDS Đó là nội dung chính được các đại biểu thảo luận tại chương trình “Sự kiện hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2023 với Mạng lưới Quốc gia Phụ nữ sống với HIV”, diễn ra ngày 24/11 tại Hà Nội. |
Tổ chức CHIA truyền thông phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở Quảng Nam Mới đây, tại huyện Tiên Phước và Quế Sơn (Quảng Nam), Tổ chức Children’s Hope in Action (CHIA) phối hợp cùng Sở Lao động Thương Binh và Xã Hội tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. |