Cần chính sách đồng bộ để duy trì chuỗi cung cứng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng
Tại cuộc họp trực tuyến mới đây với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp đã nêu ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc của hoạt động kinh doanh trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Cụ thể, theo báo cáo đánh giá của Hiệp hội các doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu của các khó khăn nêu trên là do quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa không được bảo đảm. Việc không đánh giá đúng vai trò của đội ngũ lao động liên quan cũng như chưa ưu tiên thực hiện các chính sách phòng dịch đã khiến vấn đề kiểm soát dịch bệnh trong doanh nghiệp trở nên phức tạp, lãng phí thời gian và chi phí. Kéo theo đó là nguy cơ cao đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất,… ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung.
Nguồn minh họa |
Với thế giới nói chung, việc một mắt xích trong chuỗi giá trị ở một quốc gia này bị đình trệ, các nhà nhập khẩu, nhà buôn, nhà sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự thay thế đến từ quốc gia khác. Khi đó, việc doanh nghiệp quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn. Hơn nữa, quá trình này cũng đòi hỏi cần phải có thời gian khá dài.Trên tổng thể quy hoạch, các nhà máy, phân xưởng sản xuất thường nằm ngoài khu vực dân cư, trong các cụm công nghiệp, khu chế xuất. Trong khi đó, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất được tập trung ở những địa phương có điều kiện về địa lý, thổ nhưỡng hoặc cũng có thể ở các khu vực khác nhau. Còn thị trường phân phối sản phẩm thì phân bổ trên khắp cả nước và kể cả thị trường nước ngoài. Do vậy, sự lây lan của Covid-19 trên diện rộng cộng với công tác kiểm soát dịch một cách cục bộ của từng địa phương thời gian qua đã phần nào làm gián đoạn cách thức vận hành chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Tại Việt Nam, việc đứt gãy các chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành nghề sản xuất trong nước, nhất là những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tác động nghiêm trọng đến an sinh xã hội cũng như kinh tế quốc gia trong quá trình hồi phục sau đại dịch. Do vậy, tháo gỡ nút thắt, đảm bảo duy trì liên tục chuỗi cung ứng nhưng vẫn đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch bệnh là cực kỳ quan trọng, vừa góp phần kiểm soát dịch, lại vừa đảm bảo phát triển kinh tế, phù hợp mục tiêu chung.
Cần chính sách phối hợp đồng bộ
Theo tinh thần của Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ ngày 06/08/2021, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo nhằm “duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng phải bảo đảm cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19” và “tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn”.
Tinh thần chỉ đạo là chung, tuy nhiên, các bộ, ngành liên quan và địa phương cần thống nhất cách hiểu, cách thực hiện vấn đề nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động lưu thông hàng hoá, tránh việc mỗi địa phương một cách hiểu và vận hành thiếu đồng bộ như hiện nay.
Theo đó, về quản lý y tế, đề xuất cần bổ sung lực lượng lao động như lái xe, phụ xe vận tải và các đối tượng khác liên quan thuộc đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm đảm bảo hoạt động di chuyển giữa các vùng được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất giữa các địa phương và mặt khác, vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Với yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với lực lượng tài xế vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng theo văn bản số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021 của Bộ Y tế, cần chi tiết và đơn giản hơn.
Cụ thể, cho phép sử dụng kết quả test đơn, test gộp (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) của đơn vị được cấp phép của Bộ Y tế; Không đồng nhất thời hạn của Giấy chứng nhận xét nghiệm giữa đối tượng chưa và đã được tiêm vaccine; Cần mở rộng thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (72h tính từ khi lấy mẫu) phù hợp với khuyến cáo của Bộ Y tế về khả năng lây lan của dịch bệnh và thực tế hoạt động.
Bên cạnh đó, ngoài việc vận chuyển hàng hoá, dịch vụ thiết yếu theo quy định của Bộ Công Thương, cũng cần cho phép lưu thông toàn bộ các hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất mà doanh nghiệp đăng ký theo hướng xuất trình hồ sơ, giấy tờ doanh nghiệp đủ để chứng minh tính hợp pháp và tính cần thiết của việc di chuyển theo đúng quy định.
Thay cho việc cấp giấy nhận diện phương tiện kèm mã QR code do Tổng cục Đường bộ cấp cho các xe ô tô vận tải hàng hoá để sử dụng để đi, đến, hoặc đi qua các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cần linh hoạt cấp mã QR “luồng xanh” cho doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp vận tải. Việc thay thế này sẽ cho phép doanh nghiệp vừa chủ động trong việc duy trì hoạt động sản xuất, vừa đề cao trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Vì trong trường hợp này, bản thân doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm, tự kiểm soát hoạt động của mình tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Song song đó, các bộ, ngành liên quan nên hỗ trợ cung cấp ứng dụng dành riêng cho giới tài xế, phục vụ giám sát quá trình di chuyển của phương tiện, góp phần kiểm soát dịch giữa các địa phương.
Tháo gỡ nút thắt, đảm bảo duy trì liên tục chuỗi cung ứng nhưng vẫn đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch bệnh là cực kỳ quan trọng. Nguồn minh họa |
Về phía các địa phương, cần nhìn nhận đúng tầm quan trọng của chuỗi cung ứng để có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động và linh hoạt hơn trong công tác xử lý các vấn đề phát sinh. Đơn cử như đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ công tác kiểm soát lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong thời điểm dịch bệnh. Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, hạn chế sử dụng phương châm “3 tại chỗ”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động, đồng hành và nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh cùng chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thể xem xét cho phép doanh nghiệp áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo theo quy định của pháp luật về lao động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh không sẵn có nguồn nhân lực trọng yếu tại chỗ.
Ngoài ra, có thể xem xét thêm về mức ưu tiên đối với thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất… Cụ thể, nếu thân nhân trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 thì cũng sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho người lao động, để họ có thể an tâm cùng doanh nghiệp ổn định duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm